Tái cơ cấu nền kinh tế - Bốn năm nhìn lại

Nhân dân | Ngày cập nhật: Thứ Sáu, 14 Tháng Mười Một 2014 09:48:00

Căn cứ định hướng tổng quát phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) giai đoạn 2011-2020 tại Ðại hội Ðại biểu lần thứ XI của Ðảng, Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành T.Ư Ðảng ngày 18-10-2011 đã quyết định tập trung ưu tiên tái cơ cấu ba lĩnh vực quan trọng nhất: tái cơ cấu đầu tư công; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN); và tái cơ cấu các tổ chức tín dụng (TCTD).

Bên cạnh đó, trong thông điệp đầu năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh "đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới", theo đó xác định đây cũng là nội dung quan trọng trong tái cơ cấu nền kinh tế và là đòi hỏi bức xúc cần phải được triển khai mạnh mẽ trong năm 2014. Tính đến nay, bên cạnh các kết quả đạt được bước đầu, quá trình tái cơ cấu vẫn còn không ít hạn chế, tồn tại, ảnh hưởng trực tiếp đến mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.

Kết quả tích cực bước đầu

Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế qua hơn nửa chặng đường thực hiện đã thể hiện quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ, nhờ đó đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tái cơ cấu các TCTD theo tinh thần của Ðề án 254/QÐ-TTg được triển khai toàn diện trên tất cả các mặt tài chính, quản trị, sở hữu; qua đó ghi nhận những chuyển biến tích cực và kết quả rõ nét hơn so với hai lĩnh vực ưu tiên còn lại. Tái cơ cấu đầu tư công và tái cơ cấu DNNN đang dần khắc phục hạn chế và được đẩy mạnh trong 10 tháng đầu năm 2014: tái cơ cấu đầu tư công bước đầu đã loại bỏ được các dự án kém hiệu quả, khắc phục dần tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí; trong khi đó khung pháp lý thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn ngoài ngành DNNN không ngừng cải thiện. Tái cơ cấu nông nghiệp (TCCNN) tuy mới triển khai từ nửa cuối năm 2013 nhưng đã đạt được một số kết quả tích cực, trong đó nổi bật nhất là khung pháp lý cho quá trình TCCNN được củng cố; đồng thời tái cơ cấu đã bắt đầu được triển khai tại nhiều nơi trên cả nước. Ðiều này cũng được các định chế tài chính quốc tế lớn tại Việt Nam thừa nhận. Trong báo cáo công bố ngày 1-7-2014, HSBC nhận định rằng tái cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam đang đi đúng hướng và đạt nhiều kết quả tích cực trên cả ba lĩnh vực ưu tiên, trong đó nổi bật là xử lý các ngân hàng yếu kém, ổn định tỷ giá, mua lại nợ xấu, củng cố dự trữ ngoại hối quốc gia, ổn định vĩ mô và hoàn thiện thể chế.

Tái cơ cấu các TCTD hiệu quả nhất

Ðề án tái cơ cấu TCTD được ban hành sớm nhất (Quyết định 254/QÐ-TTg ngày 1-3-2012 của Thủ tướng Chính phủ) khẳng định quyết tâm của Chính phủ trong việc tái cơ cấu TCTD. Có thể nói, so với hai lĩnh vực ưu tiên còn lại, tái cơ cấu các TCTD đạt hiệu quả rõ nét nhất. Tính đến tháng 9-2014, đã hoàn tất xử lý tám trong số chín ngân hàng yếu kém, dự kiến Chính phủ sẽ thông qua giai đoạn 2 của đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng trong tháng 11-2014, theo đó sẽ tiếp tục tái cấu trúc hoặc sáp nhập sáu đến bảy ngân hàng, đưa tổng số ngân hàng bị giải thể, rút giấy phép lên khoảng bảy đến 10 ngân hàng. Tổng số nợ xấu đã xử lý đến hết tháng 9-2014 là 249.000 tỷ đồng, giảm đáng kể so con số 464.000 tỷ đồng nợ xấu tháng 9-2012. Thanh khoản hệ thống ổn định, các tiêu chuẩn an toàn được bảo đảm, năng lực tài chính không ngừng được cải thiện, nguy cơ đổ vỡ đã bị loại trừ. Tuy nhiên, nợ xấu đến tháng 9-2014 là 3,88%, vẫn ở mức cao so với mục tiêu 3%; hoạt động mua nợ xấu của VAMC có phần chậm lại; thoái vốn ngoài ngành của hệ thống ngân hàng còn chậm chạp; sở hữu chéo vẫn hết sức phức tạp..., đòi hỏi cần sớm có những giải pháp khắc phục cụ thể, quyết liệt trong thời gian tới.

Chuyển biến tích cực trong tái cơ cấu đầu tư công

Trên cơ sở Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15-11-2011 do Thủ tướng Chính phủ ban hành, tái cơ cấu đầu tư công đã được triển khai tích cực, qua đó đã đạt một số kết quả đáng ghi nhận trong giai đoạn 2011-2014. Các kế hoạch đầu tư dài hạn từ trung ương đến địa phương được thay cho các kế hoạch ngắn hạn trước đây. Các bộ, ngành, địa phương đã chủ động bố trí sắp xếp nguồn lực theo thứ tự ưu tiên, tập trung bố trí vốn cho các dự án dở dang có khả năng hoàn thành trong giai đoạn 2012-2014. Hiệu quả đầu tư công được cải thiện: tỷ lệ đầu tư công trên GDP đã giảm từ 8,5% năm 2010 xuống còn 6% năm 2012, trong khi hệ số ICOR giảm từ 6,9 thời kỳ 2008-2010 xuống còn 5,61 trong giai đoạn 2011-2013. Tuy nhiên, tính đến nay, kết quả tái cơ cấu đầu tư công chưa thật sự rõ nét, vẫn còn hạn chế, tồn tại cần khắc phục. Nợ đọng xây dựng cơ bản có xu hướng tăng trở lại, từ mức 40.000 tỷ đồng cuối năm 2013 tăng lên mức 44.000 tỷ đồng cuối tháng 6-2014. Khung pháp lý cho tái cơ cấu đầu tư công rất chậm so với hai lĩnh vực ưu tiên còn lại. Công tác giám sát, kiểm tra được chú trọng song quá trình thực hiện còn thiếu quyết liệt. Việc huy động vốn của các thành phần kinh tế khác để phát triển vẫn chưa đạt kết quả như kỳ vọng, cơ chế hợp tác công tư (PPP) vẫn trong quá trình nghiên cứu và thử nghiệm kéo dài, chưa được triển khai nhân rộng trên cả nước.

Ðẩy mạnh tái cơ cấu DNNN trong năm 2014

Ngày 17-7-2012, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 929/QÐ-TTg phê duyệt Ðề án Tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2011-2015, làm cơ sở để triển khai quá trình tái cơ cấu DNNN tại Việt Nam. Tính đến hết tháng 9-2014, đã sắp xếp 92 DN, cổ phần hóa (CPH) 71 DN, trong đó 35 DN đã thực hiện IPO qua sàn giao dịch chứng khoán (gần bằng cả năm 2013 là 74 DN) và đã công bố giá trị 123 DN, giải thể hai DN, bán một DN, sáp nhập 15 DN và đề nghị phá sản ba DN. Nhờ đó, giảm số DN 100% vốn Nhà nước từ 5.655 DN năm 2001 xuống còn 1.178 DN, sắp xếp 6.468 DN, CPH được 3.714 DN. Ðã có 368 DN thành lập được Ban chỉ đạo, 257 DNNN đang xác định giá trị, trong đó 136 DN đã được công bố và khả năng thời gian tới có 150 DN sẽ được phê duyệt và tiến hành IPO. Dự kiến cả năm sẽ CPH khoảng 200 DN, nhờ đó kế hoạch CPH 432 DN đến năm 2015 trở nên rất khả thi. Về thoái vốn ngoài ngành, đến ngày 30-9-2014, các tập đoàn đã thoái hơn 3.500 tỷ đồng, tổng số vốn đã thoái cả hai năm 2013-2014 đạt 7.664 tỷ đồng đạt 35% trên tổng số 21.796,8 tỷ đồng cần thoái, nhiều DNNN đã có sự phối hợp chặt chẽ, tích cực xử lý các khoản nợ tồn đọng. Tái cơ cấu mô hình tổ chức được triển khai mạnh mẽ, đến tháng 10-2014, đã có 12 trong số 14 Nghị định về điều lệ tổ chức và hoạt động của tập đoàn, tổng công ty nhà nước (TCTNN) được Chính phủ ban hành và được các Tập đoàn, TCTNN tích cực triển khai với các giải pháp hoàn thiện hệ thống quy chế quản lý nội bộ cũng như các quy định về giám sát, kiểm tra, thanh tra, đánh giá hiệu quả; các chính sách quản trị nhân sự hiện đại. Tuy nhiên, việc hoàn thiện, ban hành các chính sách đối với DN trong lĩnh vực quan trọng như công nghiệp cơ khí, công nghệ thông tin, công nghệ cao, công nghiệp chế tạo, công nghiệp hỗ trợ vẫn còn chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu tái cơ cấu của nền kinh tế.

Bước đầu tái cơ cấu nông nghiệp

Ngày 10-6-2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 889/QÐ-TTg phê duyệt Ðề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại Việt Nam. Tuy chỉ mới triển khai từ giữa năm 2013, tái cơ cấu nông nghiệp đã đạt một số kết quả bước đầu đáng ghi nhận. Khung pháp lý cho TCCNN không ngừng được hoàn thiện, theo đó hàng loạt các văn bản được ban hành trên cơ sở Ðề án TCCNN. Về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nông nghiệp, cả nước hiện có 319 công ty nông, lâm nghiệp đã được sắp xếp lại. Nhiều địa phương đã chủ động triển khai TCCNN tại địa phương mình, tính đến 10-5-2014, có 23 tỉnh, thành phố đã ban hành đề án (hoặc chương trình hành động, kế hoạch thực hiện) TCCNN của địa phương, trong đó nhiều địa phương đã triển khai trong thực tiễn. Cơ cấu các cây trồng chủ lực từng bước chuyển dịch theo hướng bền vững, phù hợp với lợi thế của các địa phương và nhu cầu thị trường. Trong sáu tháng cuối năm 2013 và đầu năm 2014, đã có 87.000 ha lúa được chuyển sang trồng ngô, vừng, rau dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ của bộ, ngành, địa phương. Nhiều hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ ở nông thôn được đẩy mạnh phát triển; công tác nghiên cứu khoa học và khuyến nông từng bước được chấn chỉnh, tăng cường; xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành được quan tâm đúng mức. Tuy vậy, do mới triển khai, TCCNN không tránh khỏi những hạn chế. Hầu hết nông, lâm trường có tài chính yếu kém và sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả thấp. Nhiều địa phương chưa thật sự quan tâm, triển khai chậm, thậm chí còn lúng túng trong triển khai Ðề án, hiện 40 tỉnh, thành phố (chiếm hơn 63%) vẫn chưa có đề án TCCNN cho địa phương mình. Công tác thu hút vốn đầu tư tư nhân trong lĩnh vực nông nghiệp chưa có nhiều đột phá, năm 2013, cả nước thành lập mới hơn 1.020 DN nông, lâm, thủy sản, giảm 14% so với năm 2012, trong khi đó có đến 1.332 DN giải thể hoặc ngừng hoạt động. Chuyển giao ứng dụng KHCN trong nông nghiệp còn hạn chế, liên kết hợp tác theo hai hướng là xây dựng các hợp tác xã chuyên ngành và liên kết bốn nhà vẫn chưa được quan tâm đúng mức, công tác đào tạo nghề cho nông dân vẫn chưa được chú trọng triển khai, do đó tăng trưởng chung của ngành và thu nhập cho người nông dân còn hạn chế.

Một số giải pháp, kiến nghị

Ðầu tư công và Ðề án đầu tư công cần tập trung công khai, minh bạch trách nhiệm của người đứng đầu, người có thẩm quyền phê duyệt, quyết định chủ trương đầu tư; xác định tiêu chí phân loại quy mô dự án, hạn chế chia nhỏ dự án.

Về định hướng tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong các DN: Chính phủ cần sớm ban hành Dự thảo thay thế Quyết định 55/2009/QÐ-TTg với việc tăng tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài (ÐTNN) đối với DN niêm yết lên tới 60% cổ phiếu có quyền biểu quyết; Chính phủ cho phép nhà ÐTNN nắm giữ, thành lập DN 100% vốn đối với những ngành nghề không cần nắm giữ theo quy định.

Về cổ phần hóa DNNN: Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế CPH, đặc biệt về xác định quyền sử dụng đất và giá trị thương hiệu, cơ cấu lại, mua nợ bằng biện pháp thị trường; Chính phủ hỗ trợ việc khẩn trương CPH, tái cơ cấu các DN đang nắm những nguồn lực lớn; Giảm và bán toàn bộ vốn trong các DN mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối.

Về thoái vốn đầu tư ngoài ngành: Xem xét thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các Tập đoàn và TCTNN qua biện pháp chuyển giao toàn bộ vốn đầu tư về cho SCIC để xây dựng kế hoạch thoái vốn tiếp hoặc tiếp tục kinh doanh; Nghiên cứu quy định cụ thể về thoái vốn dưới mệnh giá sau khi đã bù trừ dự phòng tổn thất khoản đầu tư tài chính theo quy định trên cơ sở phương án thoái vốn được chủ sở hữu chấp thuận; Ðối với các khoản đầu tư tài chính tại các CTCP chưa niêm yết có giá trị tính theo mệnh giá từ 10 tỷ đồng trở lên, không nhất thiết chuyển nhượng qua thị trường chứng khoán mà có thể qua trung gian hoặc các hình thức đấu giá; Sớm hoàn thiện phương án tham gia của nhà ÐTNN trong việc tái cơ cấu, thoái vốn ngoài ngành của DNNN.

Về xử lý nợ xấu: Các TCTD tích cực chủ động xử lý nợ xấu trên cơ sở trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro và có phương án nâng cao chất lượng tín dụng phù hợp với nền khách hàng, hạn chế nợ xấu phát sinh; NHNN nâng cao vai trò đôn đốc, giám sát chặt chẽ, và hỗ trợ tối đa quá trình mua-bán, xử lý nợ xấu giữa các TCTD và VAMC nhằm giảm chi phí xã hội trên nguyên tắc tự nguyện, song, sẵn sàng áp dụng các biện pháp can thiệp bắt buộc nhằm bảo vệ tài sản, quyền lợi của Nhà nước và nhân dân, bảo đảm an toàn của hệ thống.

Quyết liệt trong xử lý tình trạng sở hữu chéo: NHNN nghiên cứu ban hành các quy trình nhằm xử lý, ngăn chặn, phòng ngừa việc sở hữu chéo, đầu tư chéo; NHNN tiếp tục yêu cầu các TCTD xây dựng lộ trình giảm sở hữu vốn lẫn nhau; đồng thời NHNN yêu cầu các TCTD giám sát chặt chẽ quan hệ tín dụng của các đối tượng có sở hữu chéo, để hạn chế nguy cơ bị lạm dụng, chi phối bởi lợi ích nhóm; và phối hợp với UBCK theo dõi, giám sát chặt chẽ việc chuyển nhượng, mua bán cổ phần của các TCTD trên thị trường chứng khoán.

 

Trần Bắc Hà-Chủ tịch HÐQT BIDV