Ngân sách cần công khai đến mọi người dân

Thời báo ngân hàng | Ngày cập nhật: Thứ Tư, 12 Tháng Mười Một 2014 09:26:00

Ông Abha Prasad, chuyên gia cấp cao về nợ của WB cho rằng để giảm áp lực nợ công và khả năng trả nợ hiện nay, Luật Ngân sách Nhà nước sửa đổi nên cho các địa phương có tiềm lực kinh tế vay nợ cao hơn mức hiện nay, kèm theo là các quy định quản lý rủi ro nợ địa phương.

Còn vay, còn tiêu… “bừa”

Cuối tuần qua, phóng viên Thời báo Ngân hàng đã có cơ hội gặp và trao đổi với một số chuyên gia kinh tế, qua đó hiểu được thông điệp từ các chuyên gia này rằng: Nếu Luật Ngân sách Nhà nước sửa đổi lần này đi đúng vào trọng tâm tồn tại lâu nay sẽ giảm được căng thẳng về ngân sách.

Các tồn tại về ngân sách được xác định: kỷ cương, kỷ luật tài khóa không nghiêm; quản lý và sử dụng tiền ngân sách thiếu tiết kiệm, kém hiệu quả, thất thoát, lãng phí; phân bổ nguồn lực không đúng lĩnh vực cần ưu tiên… Tất cả các vấn đề đó đã dẫn đến tình trạng căng thẳng của ngân sách Nhà nước hiện nay, nợ chồng nợ và đã phải vay nợ cũ để trả nợ mới. Đã vậy, không ít ý kiến cho rằng thông tin ngân sách không rõ ràng, ngay đến đại biểu Quốc hội năm nào cũng bấm nút duyệt ngân sách nhưng khó tường tận từng phần. An ninh tài chính và áp lực nợ nần đang là nỗi lo của khá đông cử tri, của phần lớn đại biểu Quốc hội…


Người dân phải được biết và được tham gia vào dự toán ngân sách ngay khi đang thảo luận

Không ít chuyên gia đã khuyến cáo, với mô hình ngân sách phân cấp nhưng lồng ghép là một trong những nguyên nhân làm lơi lỏng kỷ luật ngân sách. “Còn vay được thì còn tiêu, kỷ luật không nghiêm thì còn lãng phí”, TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chia sẻ. Còn TS. Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh khi thảo luận về ngân sách tỏ ra rất bức xúc trong cách sử dụng ngân sách ở Việt Nam: “Không thấy ở đâu xài tiền tùy tiện như nước mình”.

Sự tùy tiện như vậy, một phần do khả năng giám sát còn hạn chế. Nguyên nhân sâu xa là thông tin ngân sách kém minh bạch và công khai. Ông Habib Rab, chuyên gia kinh tế cao cấp của WB đặt câu hỏi cho một nhà báo thường xuyên theo viết các kỳ họp Quốc hội: Nếu chúng tôi hỏi các anh chị chi tiêu bao nhiêu cho giáo dục tiểu học thì có biết không? Hoặc tổng chi ngân sách cho lĩnh vực nông nghiệp có biết không? Và ông nhận được một cái lắc đầu.

Ông Habib Rab cho biết, trong giai đoạn 2011-2015, Chính phủ đặt ra rất nhiều mục tiêu về phát triển giáo dục, y tế, giao thông. Vậy, cần bao nhiêu tiền cho những lĩnh vực này? Đây chính là những thông tin công chúng cần biết để xem việc phân bổ nguồn lực như thế nào và có phân bổ đúng lĩnh vực Chính phủ muốn ưu tiên hay không. Nhóm chuyên gia WB muốn đóng góp cho Luật Habib Rab Nhà nước sửa đổi ý này.

Cũng theo chuyên gia của WB, cần có tài liệu công khai ngân sách để người dân biết rõ, như tăng chi cho lĩnh vực nào, vì sao và vì sao cần giảm chi cho những lĩnh vực nào? Khả năng thu và áp lực chi bao nhiêu? Nếu tăng chi nhanh và thâm hụt tăng cao sẽ có áp lực đến lạm phát và nợ tăng lên. Khi nợ tăng cao sẽ phải dành nguồn lực nhiều hơn để trả nợ vậy thì có đảm bảo được các khoản chi cho giáo dục, giao thông không? Những vấn đề đó cũng rất cần đưa vào tài liệu công khai ngân sách cho công dân.

Hơn nữa, hiện pháp luật về ngân sách chỉ quy định công khai dự toán, quyết toán ngân sách mà chưa quy định công khai tình hình thực hiện dự toán ngân sách của các cấp, các đơn vị dự toán ngân sách, chưa quy định công khai kết quả thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, chưa công khai thủ tục thu, chi ngân sách Nhà nước. Ông Habib Rab cho rằng, người dân phải được biết và được tham gia vào dự toán ngân sách ngay từ khi đang thảo luận, thay vì chỉ được biết khi Quốc hội đã quyết như hiện nay.

Minh bạch - không ép thì khó

Ông Abha Prasad, chuyên gia cấp cao về nợ của WB cho rằng để giảm áp lực nợ công và khả năng trả nợ hiện nay, Luật Ngân sách Nhà nước sửa đổi nên cho các địa phương có tiềm lực kinh tế vay nợ cao hơn mức hiện nay, kèm theo là các quy định quản lý rủi ro nợ địa phương. Phần ngân sách rút về từ các địa phương có tiềm lực sẽ dồn cho địa phương khó khăn hơn.

Minh họa về tính bền vững nợ của TP. Hồ Chí Minh, ông Abha Prasad cho rằng, thành phố này nên được cho phép vay nợ nhiều hơn hạn mức hiện nay đặt ra trong Luật Ngân sách Nhà nước 2002. Nợ có thể là phát hành trái phiếu nhưng phải là trái phiếu dài hạn 10 năm, thậm chí 40 năm, gắn với từng dự án và khả năng trả nợ của dự án đó. Cũng chuyên gia này khẳng định, thay đổi nói trên vẫn đảm bảo bền vững nợ, nhưng đồng thời cũng như các địa phương khác, TP. Hồ Chí Minh cần được cho tự chủ nguồn thu nhiều hơn.

Các chuyên gia góp ý, nên quy định lại những quy tắc tài khoá liên quan đến nợ của địa phương trong Luật Ngân sách Nhà nước và áp dụng nhiều hơn các quy tắc tài khoá định tính chuẩn, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế, với các ngưỡng cụ thể theo số dư nợ và số trả nợ phù hợp với các chỉ tiêu về bền vững nợ; cải thiện về minh bạch và báo cáo về nợ công, chuyển đổi sang hệ thống vay nợ địa phương theo hai kênh, trong đó chính quyền trung ương hỗ trợ cho các địa phương phát triển đẩy mạnh tiếp cận thị trường đồng thời tăng cường cho vay lại nguồn ODA cho các địa phương kém phát triển hơn.

Các chuyên gia cũng cho biết, đã có rất nhiều điểm khuyến nghị sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước và hy vọng với những sửa đổi đó sẽ giúp Việt Nam giảm ngay áp lực ngân sách. Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định một lần nữa rằng, giới truyền thông và người dân cần phải có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong việc sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước và trong việc giám sát thực hiện ngân sách. Bởi minh bạch mà không ai ép thì cũng khó làm.

Tri Nhân