Chật vật cổ phần hóa

Đại đoàn kết | Ngày cập nhật: Thứ Tư, 05 Tháng Mười Một 2014 15:15:00

Hầu hết các doanh nghiệp (DN) cho rằng, nguyên nhân chậm cổ phần hóa là do thị trường chứng khoán xuống dốc. Cùng đó chính là việc những đơn vị đang cổ phần hóa phần lớn làm ăn thua lỗ nên bán rất khó thu hút các nhà đầu tư.

Thông tin từ Ban đổi mới Quản lý DN Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 4-11, thời gian quan các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã đẩy nhanh cổ phần hóa với mức giá bán khá cao. Theo tính toán sơ bộ, năm 2014 thành phố hoàn thành cổ phần hóa 12 DNNN với mức giá khá cao từ 14 ngàn đồng/cổ phiếu, 3 DN chuyển sang năm 2015. Như vậy, năm 2015 thành phố có 16 DN cộng với 3 DN của năm 2014 chuyển qua. Từ kết quả trên, ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, công tác này chưa đảm bảo đúng lộ trình thực hiện, mặc dù thành phố cũng khá cân nhắc để có phương án sắp xếp sao cho hợp lý, đảm bảo quyền lợi cho DN và người lao động. 
 
Nhận định về tình hình cổ phần hóa, hầu hết các DN cho rằng, nguyên nhân mà DN chậm cổ phần hóa là do thị trường chứng khoán xuống, DN đang "lặn lội” tìm nhà đầu tư, hơn nữa "cả nước thi nhau bán thì ai có tiền mua”. Bên cạnh đó, những đơn vị đang cổ phần hóa phần lớn làm ăn thua lỗ nên bán rất khó đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa. Theo Tổng công ty địa ốc TPHCM, hiện đơn vị này có 5 công ty trực thuộc và đều có kế hoạch cổ cổ phần hóa từ nay cho đến hết năm 2015. Song đến thời điểm hiện tại, chỉ có một đơn vị duy nhất là Công ty TNHH MTV Đầu tư Phát triển Thủ Thiêm mới xong giai đoạn hoàn tất thủ tục pháp lý cổ phần hóa. "Chúng tôi gặp khá nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai vì vừa phải xử lý các vấn đề liên quan đến tài chính, vừa sắp xếp lại DN. Chúng tôi cũng phải xin ý kiến UBND thành phố về vấn đề hỗ trợ giải quyết các trục trặc này và quyết tâm bán cổ phần lần đầu không quá 18 tháng theo quy định”, đại diện đơn vị này phân trần. Còn đối với trường hợp của Công ty cổ phần Phát triển nhà thành phố, vốn điều lệ chỉ có 180 tỷ đồng, nhưng hiện có những dự án BĐS đang triển khai dở dang nên việc định giá vô cùng phức tạp. 
 
Ông Lê Tùng, Chủ tịch Hồi đồng thành viên Tổng Cty Thương mại Sài Gòn cho biết, cổ phần hóa vẫn đang gặp nhiều khó khăn, đặt biệt là những DN có vốn điều lệ của nhà nước chiếm giữ trên 50%. Lý giải nguyên nhân trên ông Tùng cho hay: "DN có vốn nhà nước trên 50% thường phải chịu sự chi phối nhiều, quản lý theo cơ chế bao cấp, chậm đổi mới quản trị DN nên hiệu quả kinh doanh không cao. Mà hiệu quả kinh doanh không cao thì chẳng nhà đầu tư nào dám vào mua cổ phiếu. Bởi vì, theo tính toán có sự chênh lệch lợi nhuận giữa DN có trên 50% và DN có dưới 50% vốn nhà nước. Tỷ lệ lợi nhuận của DN có vốn nhà nước dưới 50% cao gấp 3 - 5 lần”. Được biết, Tổng Cty thương mại Sài Gòn có 61 công ty con, 56 công ty đã cổ phần hóa. Hiện còn lại 13 công ty có vốn nhà nước trên 50% đang cố gắng thực hiện kế hoạch này. Tuy nhiên, khó khăn cổ phần hóa các DN hiện nay chính là những DN có vốn nhà nước chiếm tỷ lệ trên 50%. Trước tình hình trên, để thực hiện tốt kế hoạch cổ phần hóa, Tổng Cty Thương mại Sài Gòn đang đề nghị những DN có vốn nhà nước trên 50% phải thoái vốn. Nghĩa là, bước sang năm 2015 Tổng Cty tiếp tục cổ phần hóa 34 đơn vị còn lại, theo đó sẽ thực hiện bán hết hoặc bán bớt nhằm thay đổi cung cách quản lý bao cấp. 
 
Nhìn chung, năm 2015 tới TPHCM sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn tiến độ cổ phần hoa doanh nghiệp. Nói như Chủ tịch UBND thành phố Lê Hoàng Quân  thì với nhiệm vụ nặng nề đó, các DN phải ráo riết vào cuộc, không chần chừ, chậm trễ. Theo ông Quân, hạn chót là cuối năm 2017 TPHCM phải cổ phần hóa xong các DNNN.

Thanh Giang