Nóng bỏng “cuộc chiến” tại VNM

DTCK | Ngày cập nhật: Thứ Sáu, 15 Tháng Hai 2019 07:33:00

Sau hơn 12 năm, giá cổ phiếu VNM của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã tăng trên 50 lần, trở thành trường hợp hiếm hoi trong thời gian dài mang lại mức "siêu" lợi nhuận trên TTCK. Thế nhưng, sang năm Kỷ Hợi, Vinamilk đang có nhiều “câu chuyện”, nhất là bài toán tăng trưởng lợi nhuận và cuộc chiến vị thế của 2 cổ đông lớn.

VNM: áp lực tăng trưởng 2019

Cuối năm 2018, Hà Nội tổ chức đấu thầu nhà cung cấp cho chương trình Sữa học đường, trẻ em đến trường sẽ được uống sữa tươi với mức đóng góp dự kiến là 30% do ngân sách hỗ trợ, doanh nghiệp hỗ trợ 20% và phụ huynh đóng góp 50%.

Theo đó, tổng kinh phí thực hiện dự kiến hơn 4.180 tỷ đồng, trong đó ngân sách hỗ trợ hơn 1.290 tỷ đồng, doanh nghiệp hơn 890 tỷ đồng và phụ huynh đóng hơn 2.000 tỷ đồng. Và đơn vị trúng thầu là Vinamilk.

“Lẽ ra TH True milk trúng thầu chương trình sữa học đường, nhưng phía Vinamilk lại bù thêm 3% giá sữa, nên cuối cùng, đơn vị trúng thầu là Vinamilk”, một nguồn tin chia sẻ và cho biết, với mức hỗ trợ 3% về giá, ngân sách nhà nước tiết kiệm khoảng 130 tỷ đồng so với dự kiến ban đầu.

Chương trình này dự kiến đem lại khoảng 8% doanh thu hợp nhất của Vinamilk năm 2019. Một con số đáng kể và quan trọng hơn đó là việc phủ sóng, chiếm lĩnh thị phần từ các đối thủ cạnh tranh.

Trước đó, việc đồng loạt lên kế hoạch mở chuỗi cửa hàng “Giấc mơ sữa Việt” của Vinamilk, trong đó tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn và lan tỏa ra các địa phương trên cả nước, cũng được coi là một động thái quan trọng trong việc mở rộng kênh marketing và phân phối sản phẩm của doanh nghiệp lớn nhất ngành sữa tại Việt Nam.

Trải nghiệm khách hàng tốt hơn, đa dạng hóa kênh sản phẩm với hàng loạt nhãn hàng mới và tấn công vào chương trình sữa học đường… chính là điều mà Vinamilk đã làm trong cuộc chiến giành thị phần từ các nhà cung cấp khác.

Nhưng đó là bức tranh chưa đủ về cách Vinamilk chống lại sự sụt giảm về mức tăng thị phần.

9 tháng đầu năm 2018, Vinamilk đạt doanh thu thuần hợp nhất 38.690 tỷ đồng, giảm so với con số cùng kỳ năm trước là 39.560 tỷ đồng cùng kỳ năm 2017. Lãnh đạo Vinamilk trong một bài báo gần đây cho rằng, sức nóng từ các lĩnh vực đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản với tốc độ sinh lời cao hơn khiến các nhà phân phối quay lưng lại với ngành hàng kinh doanh truyền thống. Thế nhưng, câu chuyện không hẳn như vậy khi người tiêu dùng đã bắt đầu có sự lựa chọn khắt khe hơn.

Tại cuộc họp lấy ý kiến phụ huynh học sinh về chương trình sữa học đường, nhiều phụ huynh không đồng ý cho con uống sữa tươi vì sợ béo. Một số khác cho biết, họ đã dần chuyển sang dùng sữa hạt. Không ít cuốn sách về dinh dưỡng đang được bày bán trên các cửa hàng bán sách cũng gây xôn xao lượng độc giả không nhỏ khi đưa quan điểm trái chiều về sữa tươi.

Và chỉ ngay trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi vừa qua, thông tin Canada đưa sữa ra khỏi nhóm thực phẩm dinh dưỡng quan trọng khiến nhiều người bắt đầu lung lay ý niệm về sữa tươi. Cùng với đó, chuỗi cửa hàng sữa đậu nành hữu cơ đang xuất hiện thời gian gần đây cũng nhận được sự chú ý từ cộng đồng người tiêu dùng.

Tháng 7/2018, Vinamilk công bố dòng sữa đậu nành hạt óc chó, nhưng có lẽ thị trường đã quen với hình ảnh một Vinamilk cùng những chú bò vui tính, nên khi muốn tìm đến sữa hạt đậu nành, hoặc sữa hạt khác, thương hiệu đầu tiên người tiêu dùng nghĩ đến lại là những lựa chọn khác.

Những sự thay đổi ấy khiến không chỉ Vinamilk mà cả ngành sữa Việt Nam chịu sức ép khó khăn hơn trong việc giải bài toán tăng trưởng. Vinamilk, với lợi thế là thương hiệu lớn và có nhiều tiền, dường như đang chọn cả 3 bài toán để phục vụ mục tiêu tăng trưởng: Giành thị phần từ đối thủ, M&A các doanh nghiệp khác trong ngành và mở rộng đầu tư ra quốc tế.

Mức tăng trưởng doanh thu thuần hơn 5%, gần 10% về lợi nhuận gộp vào quý IV/2018 của Vinamilk so với cùng kỳ năm trước đã phần nào cho thấy sự thành công của Vinamilk trong chiến lược khôi phục đà tăng trưởng. Nhưng để giữ được mức tăng trưởng 2 con số trong vài năm tới là không đơn giản.

Vinamilk là doanh nghiệp số 1 của ngành sữa tại Việt Nam, nhưng bước đi nhanh như quá khứ sẽ gặp lực cản từ chính dư địa thị trường (hiện không còn lớn) và sự dần thay đổi trong nhu cầu người tiêu dùng.

Cuộc chiến giành vị thế của cổ đông ngoại

Trong lúc Vinamilk đang phải đau đầu giải bài toán tăng trưởng, thì nội bộ cổ đông Vinamilk lại có một cuộc chiến khác: Cuộc chiến giành vị thế. Sau khi Platinum Victory Pte Ltd - đơn vị trực thuộc Jasdine Cycle & Carriage (J&C) đấu giá thành công 48,333 triệu cổ phiếu VNM từ Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), cuộc đua giữa 2 nhà đầu tư ngoại tại đây là J&C và nhóm F&N Diary trở nên khốc liệt hơn.

Tính từ đầu năm 2018 đến nay, phía Platinum Victory (thuộc J&C) đã công bố thông tin đăng ký mua vào 8 lần, còn nhóm F&N Diary có 14 lần công bố thông tin đăng ký mua vào.

Điều đáng lưu ý hơn, khối lượng đăng ký mua vào của 2 bên gần như giống hệt nhau cho thấy, cả 2 nhà đầu tư lớn này đều đang cố gắng tìm kiếm cái gật đầu từ một hoặc một nhóm nhà đầu tư, hiện đang sở hữu 17,414 triệu cổ phiếu VNM, tương đương 10% vốn điều lệ VNM.

Tính đến thời điểm hiện tại, SCIC đang sở hữu 36% vốn điều lệ tại VNM, nhóm F&N (gồm 2 cổ đông là F&N Diary Investment và F&Nbev Manufacturing) sở hữu 19,2% vốn điều lệ; J&C 10,03% vốn điều lệ. Về mặt sở hữu, cả F&N và J&C đều mới có một đại diện tại Vinamilk, còn lại chủ yếu là đại diện từ SCIC. Duy nhất trường hợp ông Trần Bá Dương - thành viên Hội đồng quản trị độc lập, có một sự liên đới với J&C khi J&C hiện đang là cổ đông lớn tại Thaco - Công ty do ông Trần Bá Dương là Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Với cơ cấu này, để có thể đạt được mục tiêu thâu tóm Vinamilk, cả 2 cổ đông ngoại đều đang hướng đến việc tăng tỷ lệ sở hữu (tiến đến mức đạt được quyền phủ quyết - là sở hữu trên 35% vốn điều lệ, hiện nằm trong tay SCIC) và có thêm chân trong Hội đồng quản trị.

Nếu nhóm F&N tăng được sở hữu thêm 10%, nhóm cổ đông này sẽ nâng sở hữu lên mức gần 30%, là mức rất gần với sở hữu của SCIC. Ngược lại, nếu J&C tăng thêm được 10% sở hữu, cơ cấu sở hữu tại VNM sẽ về mức cân bằng hơn. Cuộc cạnh tranh dự kiến sẽ trở nên ngày một khốc liệt khi 2 bên đều cần mức sở hữu 16% vốn điều lệ Vinamilk trên tổng số 24% vốn cổ phần bên ngoài (không do 3 cổ đông lớn nắm giữ).

Những nguồn tin trên thị trường cho biết, cả 2 nhóm cổ đông là J&C và F&N đều đang thông qua các đầu mối tại Việt Nam, vốn là những cái tên không quá xa lại với nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, để tìm cách nâng sở hữu tại Vinamilk, mục tiêu là 36% vốn điều lệ. Bởi khi đạt được tỷ lệ phủ quyết này, nhà đầu tư sẽ có lợi thế tuyệt đối khi SCIC tiếp tục thoái vốn tại đây.

Những đăng ký giao dịch liên tục của 2 nhà đầu tư gần đây cho thấy, cuộc đua này dường như vẫn chưa có hồi kết.

Mua cổ phiếu VNM có phù hợp?

Thương hiệu mạnh, hoạt động kinh doanh vững chắc, Vinamilk được đánh giá cao bởi sự minh bạch và sức mạnh tài chính. Tại ngày 31/12/2018, Vinamilk có tới hơn 8.700 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn ngắn và dài hạn, hơn 200 tỷ đồng tiền lãi tiền gửi phải thu và hơn 1.500 tỷ đồng tiền và tương đương tiền.

Tổng con số này lên tới xấp xỉ 10.500 tỷ đồng tiền các loại, chưa kể các tài sản có tính thanh khoản cao khác. Nếu kinh doanh như hiện tại, mỗi năm, việc thu tiền ròng từ khấu hao và phân bổ lên tới trên 1.600 tỷ đồng/năm và 10.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế đã cho thấy, Vinamilk đúng nghĩa là một “cỗ máy in tiền”.

Thế nhưng, sức ép tăng trưởng khiến định giá VNM sẽ không thể quá cao như quá khứ. Trong các năm trước đó, thị trường sẵn sàng định giá VNM ở mức P/E vượt trội so với mặt bằng chung vì lý do tăng trưởng. Vậy năm nay thì sao?

Điểm cộng cho việc mua cổ phiếu VNM chính là việc chạy đua tăng sở hữu của 2 cổ đông ngoại. Cũng đã xuất hiện một số tin đồn liên quan đến việc nhà đầu tư ngoại tìm cách gia tăng sở hữu tại VNM thông qua việc giải bài toán tăng trưởng của Vinamilk bằng hình thức M&A doanh nghiệp khác. Thế nhưng, tin đồn mới chỉ là tin đồn.

Sau hơn 12 năm, giá cổ phiếu VNM đã tăng trên 50 lần. Kỳ tích ấy liệu có được lặp lại khi kỷ nguyên tăng trưởng 2 con số của Vinamilk đang trở nên khó khăn hơn? Nhiều ý kiến cho rằng, trong ngắn hạn, khi bài toán cổ đông nào (ngoài SCIC) nắm được quyền phủ quyết chưa được ngã ngũ, thì cơ hội để cổ phiếu VNM tiếp tục tăng giá là điều thị trường có thể nhìn thấy. Chỉ có điều, khi cuộc đua sở hữu không còn nữa, diễn biến giá cổ phiếu VNM sẽ có thể trở về giống như câu chuyện giá cổ phiếu SAB của Sabeco sau khi đấu giá.

Bùi Sưởng