VIB "dồn vốn" cho mua bán nợ

Thời báo kinh doanh | Ngày cập nhật: Thứ Sáu, 26 Tháng Chín 2014 13:37:00

Ba năm qua, doanh số hoạt động mua bán nợ của Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) đã lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Lợi ích từ những hợp đồng mua bán nợ với công ty mua bán nợ (AMC) của các ngân hàng khác có phải là mục tiêu cao nhất không?

Từ năm 2013 cho đến hết 6 tháng đầu năm 2014, VIB cho biết đã bán tổng cộng 721,5 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC - Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (TCTD). Việc bán này đã giúp VIB giảm đáng kể tỷ lệ nợ xấu, kiểm soát ở mức 2,9% dư nợ (tại thời điểm 30/6/2014), nhưng so về quy mô thì chưa nhằm nhò gì với hoạt động mua bán nợ khác của VIB.

Mua bán nợ "hai tay"

Thời điểm năm 2010, dư nợ cho vay của VIB bất ngờ tăng "phi mã" từ 27.352 tỷ đồng (cuối năm 2009) lên tới 41.730 tỷ đồng, tức là tăng 52,5%. Tín dụng tăng "nóng" kéo theo khoản trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu cũng tăng gấp đôi, lên 473 tỷ đồng. Năm 2011, tín dụng tiếp tục tăng thêm 4,2%, đạt mức 43.497 tỷ đồng, tương ứng, tỷ lệ nợ xấu gần 2,7% dư nợ.

Sau khi Ngân hàng nhà nước (NHNN) yêu cầu siết chặt tín dụng, phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng thì dư nợ cho vay của VIB giảm dần xuống còn 33.887 tỷ đồng và 35238 tỷ đồng (năm 2012-2013). Tỷ lệ nợ xấu tương ứng là 2,75% và 2,78% (dưới ngưỡng an toàn).

Dưới thời của Chủ tịch HĐQT Hàn Ngọc Vũ, hoạt động mua bán nợ giữa VIB và một số công ty quản lý nợ và tài sản (AMC) thuộc sở hữu của các ngân hàng không được công khai. Từ năm 2013, khi ông Đặng Khắc Vỹ (cổ đông sở hữu 9,19% vốn và được cho là chủ thực sự của VIB) lên làm Chủ tịch HĐQT, thì thông tin về hoạt động mua bán nợ của nhà băng mới được công bố.

Theo báo cáo tài chính năm 2013, VIB có khoản phải thu từ các hợp đồng bán nợ cho các công ty AMC tăng mạnh tới 104%, lên 4.023 tỷ so với năm 2012. Các hợp đồng bán nợ có thời hạn thanh toán nợ gốc từ 7 - 12 tháng.

Ở chiều ngược lại, ngân hàng đã tăng mua về 4.455 tỷ đồng nợ từ các AMC (năm 2012 chỉ mua 3.231 tỷ đồng nợ). Do đó, VIB ghi nhận khoản phải trả cho các hợp đồng mua nợ lên tới 3.883 tỷ đồng.

Ghi nhận trên sổ sách 6 tháng đầu năm 2014, khi nợ xấu có xu hướng tăng lên 2,9%, thì ngân hàng cũng đẩy mạnh hoạt động mua bán nợ với các AMC. Cụ thể, VIB sẽ phải trả 3.093 tỷ đồng liên quan đến các hợp đồng mua nợ (đã mua số nợ 3.663 tỷ đồng) trong thời hạn từ 7 - 12 tháng. Và có khoản phải thu là 3.571 tỷ đồng từ việc bán nợ. Hiện không rõ số nợ đã bán và ảnh hưởng của việc bán nợ tới kết quả xử lý nợ xấu chung của VIB trong kỳ.

Có thể thấy, quy mô nợ luân chuyển qua các hợp đồng mua bán giữa VIB và các TCTD khác lớn hơn nhiều lần số nợ xấu bán cho Công ty VAMC của NHNN. Việc mua bán nợ lẫn nhau được pháp luật cho phép và thực tế diễn ra khá phổ biến trong hệ thống ngân hàng. Ngân hàng có quyền tự do bán nợ cho mọi tổ chức có nhu cầu mua nợ, thay vì chỉ bán được những khoản nợ "đẹp", đầy đủ tài sản hợp pháp cho Công ty VAMC.

Vì sao lợi nhuận lao dốc?

Trái ngược với hoạt động mua bán nợ sôi động, lợi nhuận trong 3 năm qua của VIB liên tục sụt giảm, từ mức 1.051 tỷ đồng (năm 2010) xuống còn 700 tỷ đồng (năm 2012). Lợi nhuận trước thuế năm 2013 thậm chí giảm chỉ bằng 10%, đạt 81 tỷ đồng. Suy giảm lợi nhuận đã ảnh hưởng đáng kể đợi lợi tức của cổ đông, khi lãi cơ bản trên cổ phiếu chỉ còn 1.231 đồng/cổ phiếu và 118 đồng/cổ phiếu (2012 – 2013).

Theo giải thích của VIB, lợi nhuận thuần từ kinh doanh vẫn đạt mức khá cao, nhưng do phải tăng trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu nên đã giảm lợi nhuận. Đơn cử, lợi nhuận thuần năm 2013 đạt 952 tỷ đồng, nhưng do phải trích dự phòng tới 871 tỷ đồng nên lãi trước thuế chỉ còn vỏn vẹn 81 tỷ đồng.

Nợ xấu tăng cao "ăn mòn" lợi nhuận của nhiều ngân hàng, không riêng gì VIB. Do đó, nếu ngân hàng có nhiều biện pháp xử lý nợ xấu hiệu quả hơn, thu hồi vốn, hoàn nhập dự phòng… thì sẽ "vớt vát" được lợi nhuận giữa lúc kinh doanh khó khăn hiện nay.

Như trường hợp VIB, trong 6 tháng đầu năm 2014, khi giảm số liệu trích dự phòng xuống 447 tỷ đồng, lợi nhuận của VIB đã được cải thiện đáng kể - đạt 151 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước.

Một số ý kiến cho rằng các ngân hàng nên tích cực bán nợ xấu cho VAMC để "làm đẹp" nhanh sổ sách và gia tăng lợi nhuận cho ngân hàng, cũng có nghĩa tăng lợi tức cho cổ đông. Nhưng, giải pháp này lại không khả thi với những khoản nợ xấu "có vấn đề" như không có tài sản đảm bảo, có sai phạm, tranh chấp…

Cho nên, các ngân hàng làm thế nào để xử lý, kiểm soát được nợ xấu ở mức dưới 3% sẽ là câu hỏi khó tìm ra câu trả lời?

Hải Hà