Quản lý vốn đầu tư ra nước ngoài - “Lỗ hổng” lớn!

Pháp luật Online | Ngày cập nhật: Thứ Ba, 16 Tháng Chín 2014 11:57:00

Theo số liệu từ Bộ Tài chính, tính đến nay các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã đầu tư ra nước ngoài gần 90 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, cơ chế giám sát tài chính đối với những dự án này lại gần như chưa có

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2013/NĐ-CP ngày 25/6/2013 về việc ban hành quy chế giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu và doanh nghiệp có vốn nhà nước. 
 
Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã ban hành hai thông tư hướng dẫn, gồm Thông tư số 158/2013/TT- BTC ngày 13/11/2013 và Thông tư số 171/2013/TT-BTC ngày 20/11/2013. Tuy nhiên, một lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, các quy định trên chỉ thực hiện giám sát tài chính, đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu và doanh nghiệp có vốn nhà nước thành lập tại Việt Nam. 
 
“Chưa có quy định”
 
“Đối với các dự án, doanh nghiệp có vốn nhà nước thành lập tại nước ngoài chưa có quy định giám sát đối với hiệu quả vốn nhà nước tại nước ngoài trong khi hoạt động kinh doanh đầu tư vốn nhà nước có quy mô ngày càng lớn và hoạt động có nhiều quan hệ thương mại phức tạp” - vị lãnh đạo Bộ Tài chính nêu trên thừa nhận.
 
Ông cũng cho biết: “Cơ quan tài chính đang gặp khó khăn trong kiểm tra, thanh tra, giám sát theo thẩm quyền (quy định tại Điều 33 Nghị định số 78/2006/NĐ-CP) việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của các nhà đầu tư đối với Nhà nước Việt Nam”.
 
Lý do được giải thích là vì trách nhiệm quản lý ngành của Bộ Tài chính chủ yếu là ở khâu hậu kiểm, đánh giá hiệu quả tài chính dự án sau khi dự án đã đi vào hoạt động, trong khi Nghị định 78/2006/NĐ-CP chưa quy định bắt buộc doanh nghiệp đầu tư tại nước ngoài phải gửi báo cáo tài chính tại nước ngoài và báo cáo tình hình chuyển lợi nhuận về Bộ Tài chính, mặc dù đây là căn cứ quan trọng làm cơ sở đánh giá hiệu quả của dự án đầu tư ra nước ngoài và đánh giá tình hình thực hiện nghĩa vụ tài chính của dự án. 
 
Đặc biệt, chế tài cao nhất xử lý nhà đầu tư trong trường hợp vi phạm quy định chế độ báo cáo theo Nghị định 78 là chấm dứt hiệu lực Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài, điều này không giải quyết triệt để việc nhà đầu tư không chuyển lợi nhuận về nước, không thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ tài chính theo quy định. 
 
“Chờ” chiến lược
 
Như vậy, quy định báo cáo theo Nghị định 78 chưa tạo lập cơ sở pháp lý để cơ quan quản lý nhà nước giám sát trực tiếp tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tại nước ngoài, mà mới dừng tại khâu giám sát tiến độ dự án sau cấp phép, kết quả hoạt động dự án qua báo cáo của doanh nghiệp. 
 
Trong khi đó, các quy định về sử dụng vốn nhà nước cũng như quy định về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài cũng chưa có điều khoản cụ thể về việc giám sát, đánh giá dự án đầu tư trong quá trình đầu tư xây dựng cơ bản cũng như trong quá trình khai thác tài sản đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh. 
 
Việc “ít được báo cáo” về tình hình đầu tư ra nước ngoài không chỉ phát sinh riêng tại Bộ Tài chính mà cả Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương cũng gặp phải. Tuy nhiên, dường như các Bộ đang có ý “chờ” Chính phủ ban hành Chiến lược “Phát triển hoạt động đầu tư ra nước ngoài” thay thế Đề án “Thúc đẩy đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài” rồi mới “xốc” lại cho đồng bộ.
 
Bộ Tài chính đang đề xuất Chính phủ nghiên cứu ban hành cơ chế trích lập dự phòng đối với các dự án đầu tư trực tiếp tại nước ngoài có sử dụng vốn nhà nước phù hợp với đặc điểm đầu tư trực tiếp tại Lào, Campuchia và quy định pháp luật của Lào, Campuchia, làm căn cứ giám sát hoạt động chuyển lợi nhuận về nước, tái đầu tư và xác định thuế thu nhập doanh nghiệp. 
 
Để khuyến khích tinh thần tự giác, Bộ Tài chính cũng đề xuất ban hành cơ chế cho phép doanh nghiệp được giữ lợi nhuận tại nước ngoài khi chưa đạt tổng mức đầu tư được phê duyệt bởi cấp có thẩm quyền, trường hợp chuyển lợi nhuận về nước sẽ được hưởng mức ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định nếu thuộc danh mục khuyến khích ưu đãi đầu tư của Chính phủ. 
 
Đặc biệt, Bộ này còn cho rằng cần có cơ chế cho phép doanh nghiệp nhà nước chuyển từ hình thức công ty mẹ trong nước đầu tư trực tiếp 100% vốn vào công ty con thành lập tại nước ngoài sang hình thức kết hợp giữa đầu tư trực tiếp của công ty mẹ vào công ty con, với hình thức công ty mẹ cho công ty con thành lập tại nước ngoài vay vốn để triển khai dự án đầu tư tại nước ngoài.
 

Tùng Sơn