Doanh nghiệp chết hàng loạt, ngân hàng ôm trái phiếu

Đất Việt | Ngày cập nhật: Thứ Tư, 16 Tháng Bảy 2014 09:28:00

Tính đến hết ngày 30/6 chỉ riêng TP.HCM đã có hơn 1.300 DN đăng ký giải thể (tăng 7% so với cùng kỳ 2013) và hơn 2.000 DN ngưng sản xuất.

Con số này vừa được Sở Kế hoạch và đầu tư TP.HCM công bố. Hà Nội cũng trong tình trạng tương tự. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm trong khi số doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng.
 
Tính đến hết tháng 5, hơn 3.400 doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh, hơn 1.600 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và hơn 800 doanh nghiệp đang làm thủ tục giải thể.
 
Những con số này dường như trái ngược với công bố của Ngân hàng Nhà nước trước đó hồi cuối tháng 5.
 
Theo đó, bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, tính đến ngày 23/5, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống đã đạt 1,31% so với cuối 2013, gấp đôi con số 0,62% tại thời điểm 22/4/2014.
 
Tổng phương tiện thanh toán tăng 5,28%, huy động vốn tăng 4,2% so với cuối năm 2013. Thanh khoản của các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục đảm bảo, dự phòng chi trả rất tốt, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu thanh toán cho doanh nghiệp và người dân.
 
Theo bà Hồng, ngoài dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế, một yếu tố hỗ trợ cho tăng trưởng tín dụng hiện nay là mặt bằng lãi suất đã giảm thấp.
 
Công bố của Ngân hàng nhà nước cũng khác với địa phương. Nói như bà Ngô Thị Doãn Thanh, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, 6 tháng đầu năm nay, việc thực hiện nhiệm vụ KT-XH Thủ đô vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, yếu kém.
 
"Kinh tế tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ và thấp hơn so với kế hoạch, doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn", bà Thanh nói.
 
Ở góc độ khác thay vì nguồn tiền hướng đến các doanh nghiệp thì các ngân hàng, tổ chức tín dụng lại dùng để mua trái phiếu chính phủ (TPCP). Theo cơ cấu số vốn huy động TPCP, nhiều năm nay, trên 80% tổng số vốn TPCP được các ngân hàng thương mại mua.
 
Trước thực tế này, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: "Nếu các NH huy động vốn dân chúng mà đổ tiền vào TPCP thì trong chừng mực nào đó chấp nhận được nhưng về lâu dài thì không đúng chức năng của NHTM (huy động vốn và đẩy tiền đó cho nền kinh tế)".
 
"Các NH đổ vào TPCP quá nhiều trong một thời gian quá dài sẽ lấy đi nguồn lực đáng lý ra phải đổ ra nền kinh tế để đầu tư sản xuất kinh doanh", ông Hiếu nói.
 
Với tỷ lệ TPCP được các NHTM mua vào như hiện nay (chiếm trên 80%) theo ông Nguyễn Trí Hiếu là “rất cao”. “Mức độ bình thường là bao giờ các NH cũng phải giữ một lượng tiền TPCP trong ngân hàng để giữ thanh khoản, thường vào khoảng 10-15%, tối đa là 20% trên tổng tài sản. Mong rằng, các NHTM thời gian tới phải tìm được đầu ra tốt hơn, đổ tiền vào nền kinh tế, sản xuất kinh doanh.” – ông Hiếu nhấn mạnh.
 
Đánh giá về hiện tượng này, ông Nguyễn Trần Bạt cho rằng: Trái phiếu đang là chỗ “nghỉ ngơi” của các nhà kinh doanh và ví TPCP giống như một loại đồ cổ khi nhà đầu tư có tiền mà không biết làm gì thì mua nó. Chính phủ bán trái phiếu để thu tiền mặt phân bổ ngân sách, đồng thời cũng để chống lạm phát. Người ta bỏ tiền ra mua trái phiếu để ôm tài sản của chính phủ bằng một tờ giấy, còn chính phủ thì có tiền để đỡ phải in tiền thêm, để giảm nguy cơ lạm phát.
 
“Đây chính là cái vòng để giải quyết sự cố chứ không phải giải quyết vấn đề phát triển”, ông Trần Bạt nói.
 
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng cho rằng trong thời gian tới, NHNN cần có những biện pháp mạnh hơn để kích thích dòng chảy tín dụng, đây là việc làm cần thiết để kích thích nền kinh tế. Đây cũng là cách làm tốt để dòng tiền chảy vào sản xuất, kinh doanh. Sự ổn định của nền kinh tế sẽ tạo sự ổn định tâm lý cho người dân, nhà đầu tư, DN.
 

Phương Nguyên