Quý I/2009: Ngành công nghiệp tăng trưởng sụt giảm

SGGP | Ngày cập nhật: Thứ Sáu, 10 Tháng Tư 2009 11:26:00

Kết thúc quý 1-2009, ngành công nghiệp cả nước đạt mức tăng trưởng 2,1%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 16,3% của cùng kỳ năm ngoái

Điều đáng lo ngại hơn chính là nhiều doanh nghiệp đang tồn kho lượng hàng hóa lớn, vì thế việc tìm mọi kênh để tiêu thụ sản phẩm trong thời gian tới là một yêu cầu bức thiết. Nếu làm tốt vấn đề này thì chúng ta đạt 2 mục tiêu: thúc đẩy sản xuất phát triển ổn định và giúp GDP của cả năm 2009 tăng cao, đảm bảo các mục tiêu an sinh xã hội.

Tiêu thụ chậm, tồn kho cao

Đối với ngành dầu thực vật, trong 3 tháng đầu năm sản lượng dầu tinh luyện chỉ đạt 127.200 tấn (giảm 14,5% so với cùng kỳ), vì xuất khẩu và tiêu thụ nội địa đều giảm.

Theo ông Đỗ Ngọc Khải, Tổng giám đốc Tổng công ty Dầu thực vật-Hương liệu-Mỹ phẩm Việt Nam (Vocarimex), ngay từ cuối năm ngoái tình hình tiêu thụ dầu tinh luyện đã bắt đầu giảm sút và tiếp tục kéo dài cho đến nay. Đã vậy, do tình hình dự trữ nguyên liệu vào thời điểm đầu năm 2008 khi giá tăng rất cao và sau đó giá tuột nhanh khiến các doanh nghiệp trở tay không kịp. Những tháng đầu năm nay Vocarimex tiếp tục đưa nguyên liệu nhập khẩu vào thời điểm giá thấp để giảm giá thành, tăng sức mua.

Cũng trong những tháng đầu năm, lượng giấy báo, giấy in, giấy viết tồn kho của ngành giấy có lúc lên đến trên 100.000 tấn. Nhiều nhà máy đã dừng sản xuất vì kho chứa hàng đã đầy và thiếu vốn để tiếp tục sản xuất. Đặc biệt, mặt hàng giấy in báo mới trong năm trước, khi giá thế giới tăng cao, nhiều doanh nghiệp đã quay lại sử dụng sản phẩm của Tân Mai, lượng đặt hàng tăng đột biến khiến công ty không kịp cung cấp hàng nhưng từ cuối năm ngoái và qua đầu năm nay, khi giá giấy thế giới giảm mạnh, các nhà in lại quay sang sử dụng giấy nhập, khiến Tân Mai phải sản xuất cầm chừng.

Theo ông Bùi Xuân Khu, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công Thương, kết quả sản xuất kinh doanh trong 3 tháng đầu năm nay thấp chưa từng thấy, chỉ đạt 2,1%. Thế nhưng, phân tích kỹ cho thấy phần sản xuất công nghiệp chỉ tăng 0,4%, còn lại là của lĩnh vực xây dựng. Một số sản phẩm chính có sản lượng tiêu thụ giảm mạnh như than sạch chỉ tiêu thụ được 3,9 triệu tấn (giảm 18%), trong khi sản lượng khai thác 9,69 triệu tấn, giảm 6,7%; các sản phẩm cơ khí, đặc biệt chi tiết thiết bị ô tô, xe máy, sắt thép tồn nhiều gấp 2,6 lần, gạch lát tồn đã tăng 55%, kính xây dựng tồn hơn 55 triệu m2, quần áo may sẵn, giày dép…

Cần thúc đẩy thị trường nội địa

Tuy nhiên, ông Khu cho biết, tình hình những tháng tới đang có dấu hiệu khả quan, vì nền kinh tế của chúng ta đã “chạm đáy”. Chứng minh điều này được thể hiện qua thực tế, sản xuất kinh doanh trong tháng 1-2009 thấp hơn tháng trước đó, nhưng những tháng tiếp theo thì tháng sau luôn tăng trưởng khá hơn tháng trước.

Chiều hướng phục hồi này đang được khẳng định bởi những kết quả từ chính sách vĩ mô trong các gói giải pháp của Chính phủ đã ban hành những tháng trước, đặc biệt là gói giải pháp hỗ trợ thị trường nông thôn mới ban hành. Nhiệm vụ trong những tháng tới của các doanh nghiệp là tìm mọi cách bán được hàng hóa sản xuất thông qua việc chấn chỉnh hệ thống phân phối, đại lý, cửa hàng, các chính sách khuyến mãi, chăm sóc khác hàng… để sản xuất phát triển ổn định.

Bán hàng ở đây có nghĩa vừa phải tăng sản lượng tiêu thụ trên thị trường nội địa, vừa tìm mọi cách đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên, biện pháp đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa trong nước đang đóng vai trò hết sức quan trọng. Để tăng khả năng tiêu thụ tại thị trường nội địa thì cần phải có những hình thức khuyến mãi, bán trả chậm, thực hiện kích cầu tiêu dùng trong nước bằng nâng sức mua và khả năng thanh toán của người tiêu dùng, giảm giá thành từ nhà sản xuất.

Một trong những giải pháp của chính phủ đang được các doanh nghiệp chú ý là chương trình kích cầu tiêu dùng khu vực nông nghiệp nông thôn, với các chính sách hỗ trợ cả người mua và người bán. Theo ông Bùi Xuân Khu, đây là điều mà các doanh nghiệp cần lưu ý, vì chương trình này sẽ giúp các doanh nghiệp bán được các sản phẩm vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng trong gia đình như tivi, xe máy, phân bón…

Một biện pháp khác nhằm tăng khả năng tiêu thụ sản phẩm được đưa ra chính là kích cầu đầu tư. Nếu đẩy nhanh việc thực hiện các dự án đầu tư sẽ giúp tăng khả năng tiêu thụ sắt thép, xi măng, kính, gạch…

Theo tính toán, tổng đầu tư của cả nước chỉ tăng có 9% (cùng kỳ tăng tới 22,06%), trong khi Việt Nam tăng trưởng chủ yếu dựa trên thu hút vốn đầu tư (chiếm hơn 30% trong GDP), do đó ảnh hưởng rất lớn đến tốc độ tăng trưởng kinh tế chung.

Nếu thúc đẩy các ngành sản xuất khác cùng lúc vừa tăng sản xuất vừa sử dụng được nguyên liệu trong nước, đồng thời thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa trong nước tăng cao để thay thế hàng nhập khẩu thì tăng trưởng GDP trong năm nay sẽ tăng mạnh trở lại. Điều này càng đáng lưu ý nếu đúng như tính toán của chuyên gia kinh tế Vũ Quang Việt (nguyên chuyên viên thống kê cao cấp của Liên Hiệp Quốc), chỉ cần giảm tỷ lệ nguyên liệu dùng trong sản xuất 5% phải nhập khẩu (Việt Nam chủ yếu gia công nên nhập khẩu trên 40% nhu cầu nguyên phụ liệu sản xuất) thì GDP năm nay có thể tăng tới 7,7% thay vì 3,4% như tính toán hiện nay