Tín dụng cho công nghiệp phụ trợ nóng dần

Thời báo ngân hàng | Ngày cập nhật: Thứ Tư, 02 Tháng Bảy 2014 14:58:00

Những gói sản phẩm tín dụng mới tương tự như gói tín dụng 1.000 tỷ đồng của TPBank, hoặc các “gói sản phẩm tài chính toàn diện” và “vay siêu tốc” của Techcombank có thể được xem như là những mở màn nhằm khơi thông dòng vốn cho ngành công nghiệp phụ trợ trong những năm tới.

Đầu tháng 6/2014, NHTMCP Tiên Phong (TPBank) triển khai gói tín dụng 1.000 tỷ đồng lãi suất ưu đãi cho đối tượng là các DN thuộc lĩnh vực công nghiệp phụ trợ đặc thù. Theo cách làm của ngân hàng này, từ nay đến hết năm 2014, các DN sản xuất có hợp đồng cung ứng cho DN lớn có thể vay tới 90% khoản phải thu tại TPBank với mức lãi suất 8,0%/năm đối với VND hoặc 3,2%/năm đối với USD cho các khoản vay ngắn hạn và nhiều khoản giảm phí khác...

Trước đó, cuối tháng 5/2014, Techcombank đưa ra 2 gói dịch vụ mới là “gói sản phẩm tài chính toàn diện” cho các DN mới và “gói vay siêu tốc” cho các DN sản xuất sản phẩm phụ trợ đang có nhu cầu vốn cấp bách. Thông báo của Techcombank cho biết, đối với “gói sản phẩm tài chính toàn diện”, DN sẽ được hưởng các ưu đãi hấp dẫn về giá và phí các dịch vụ tài chính. Trong khi đó, với sản phẩm “vay siêu tốc”, DN sẽ được nhận trả lời khoản vay trong vòng 16 giờ làm việc với tỷ lệ cho vay cao, lên đến 80% giá trị tài sản bảo đảm (một trong những tỷ lệ cao nhất trên thị trường hiện nay).

Những động thái của hai ngân hàng trên hoàn toàn có thể xem là tín hiệu tích cực đối với lĩnh vực tín dụng cho ngành công nghiệp phụ trợ.

Bởi từ trước đến nay, mặc dù vẫn luôn được xác định là lĩnh vực sản xuất công nghiệp quan trọng, nhưng khả năng tiếp cận vốn của các DNNVV Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực này vẫn hết sức khó khăn. Về phía các DN, đa phần do thiếu vốn nên không đủ tài chính đổi mới công nghệ, dẫn tới không thể gia tăng sản xuất các sản phẩm chất lượng cao với số lượng lớn, đáp ứng nhu cầu nội địa hóa sản phẩm tại các ngành công nghiệp. Trong khi đó, về phía các TCTD thì vẫn chưa có nhiều những sản phẩm tài chính thiết kế riêng cho khối các DN nhóm này.

Kết quả là trong suốt 10 năm (từ 2003-2013), mặc dù được xem là địa phương đi đầu trong việc đổi mới công nghệ và khuyến khích ưu tiên phát triển công nghiệp phụ trợ nhưng tại TP. Hồ Chí Minh, tỷ lệ nội hóa các sản phẩm công nghiệp mới chỉ đạt khoảng 30%. Mỗi năm, các DN của thành phố phải chi hàng tỷ USD để nhập khẩu vật liệu, phụ tùng, linh kiện sản xuất cho các ngành công nghiệp.

Thống kê của Văn phòng Tổ chức xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (JETRO) giai đoạn từ năm 2000 đến nay cho biết, đã có hơn 3.400 tỷ đồng vốn ODA từ Chính phủ Nhật Bản được giải ngân cho vay đối với lĩnh vực công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam. Tuy nhiên, nhu cầu vốn của các DN nhóm này vẫn còn rất lớn và cần sự vào cuộc của nhiều NHTM lớn từ trong nước mới có thể đáp ứng được.

Tại Hội thảo Thu hút đầu tư vào khu công nghệ cao diễn ra ở TP. Hồ Chí Minh được tổ chức mới đây, nhiều DN Nhật Bản cho biết, tại các nước như Thái Lan, Trung Quốc, tỷ lệ công nghiệp phụ trợ đáp ứng được nhu cầu sản xuất của các DN Nhật Bản lần lượt là 53% và 64%, trong khi tỷ lệ này tại Việt Nam chỉ khoảng 30%. Vì thế để khuyến khích các DN đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ thì Chính phủ Việt Nam cần xem xét đưa ra một chương trình cho vay vốn bằng USD ưu đãi với lãi suất khoảng 3%/năm. Bên cạnh đó, cần đưa ra các chính sách ưu đãi phù hợp về thuế, phí cũng như các khoản ưu tiên chuyên biệt.

Ghi nhận tại TP. Hồ Chí Minh cho thấy, đến nay, những kiến nghị nêu trên đã được triển khai khá tốt. Chẳng hạn, nếu các DN đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các cụm công nghiệp phụ trợ hoặc sản xuất sản phẩm công nghiệp phụ trợ sẽ được ưu đãi giảm 10% thuế thu nhập DN trong 15 năm, miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Ở một quy mô lớn hơn, tại các phiên thảo luận về Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) của Quốc hội khóa XIII, nhiều đại biểu còn cho rằng, hiện nay do yếu kém về công nghiệp phụ trợ nên Việt Nam chưa thực sự có một sản phẩm công nghiệp hay sản phẩm công nghệ cao thực sự 100% sản xuất tại Việt Nam. Vì thế, Chính phủ cần có chính sách khuyến khích cụ thể mới kích thích được DN mạnh dạn đầu tư.

Trong xu hướng đó, những gói sản phẩm tín dụng mới tương tự như gói tín dụng 1.000 tỷ đồng của TPBank, hoặc các “gói sản phẩm tài chính toàn diện” và “vay siêu tốc” của Techcombank có thể được xem như là những mở màn nhằm khơi thông dòng vốn cho ngành công nghiệp phụ trợ trong những năm tới.

Thạch Bình