Tỷ giá tăng 1% - Nỗi lo hiệu ứng thuận- nghịch

Báo Tổ quốc | Ngày cập nhật: Thứ Sáu, 20 Tháng Sáu 2014 08:19:00

Đồng USD tăng vọt trong ngày đầu tiên NHNN điều chỉnh tăng 1% trần tỷ giá giữa USD và đồng Việt Nam. Nhiều ý kiến lo ngại sẽ có hiệu ứng thuận- nghịch.

Theo ghi nhận của PV, trong ngày 19/6, tức ngày đầu tiên NHNN áp dụng điều chỉnh tăng 1% trần tỷ giá USD/VND, giá USD đã tăng vọt tại hầu hết các điểm giao dịch.

Ngay trong ngày, ngân hàng ACB đã niêm yết tỷ giá USD ở mức 21.280 đồng/USD chiều mua vào và 21.400 đồng chiều bán ra, tăng 60 đồng chiều mua vào và tăng 154 đồng chiều bán ra so với một ngày trước đó.

Trong khi đó, các ngân hàng TMCP nhà nước như Vietcombank, Vietinbank, BIDV cũng đồng loạt tăng giá USD. Cụ thể, Vietcombank niêm yết tỷ giá USD/VND ở mức mua vào là 21.240 đồng/USD, bán ra là 21.330 đồng/USD, tăng 40 đồng chiều mua vào và tăng 90 đồng chiều bán ra so với ngày 18/6.

Vietinbank niêm yết tỷ giá USD/VND ở mức 21.340 đồng/USD chiều mua vào và 21.400 đồng/USD chiều bán ra, tăng 120 đồng chiều mua vào và tăng 154 đồng chiều bán ra; BIDV niêm yết tỷ giá USD/VND ở mức 21.320 đồng/USD mua vào, 21.400 đồng/USD bán ra, tăng 120 đồng chiều mua vào và tăng 160 đồng chiều bán ra so với ngày 18/6.

Lý giải về nguyên nhân có sự điều chỉnh tỷ giá này, bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho rằng, trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát ở mức thấp trong 5 tháng đầu năm và tỷ giá đã duy trì ổn định trong gần một năm qua, việc NHNN điều chỉnh tỷ giá nhằm góp phần hỗ trợ xuất khẩu, qua đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Theo các chuyên gia tài chính, trong thời gian qua, giá USD tại thị trường tự do có sự chênh lệch khá xa so với hệ thống liên ngân hàng, điều này khiến giao dịch USD chợ đen diễn biến phức tạp, khó kiểm soát và gây thiệt hại cho các ngân hàng. Do đó, việc điều chỉnh tỷ giá lần này là cần thiết nhằm hạn chế giao dịch USD ngoài hệ thống ngân hàng.

Chuyên gia kinh tế, TS. Lê Bá Chí Nhân cho rằng, trong khoảng 2 năm nay, chính sách “nội hóa tiền đồng” đã phát huy hiệu ứng tích cực. Giá trị tiền đồng được giữ ổn định. Các giao dịch thông qua VND được các nhà đầu tư tin tưởng hơn. Do đó, giới đầu cơ đã ít nhiều “nản lòng” găm giữ ngoại tệ để hưởng chênh lệch.

Bên cạnh đó, lãi suất USD được điều chỉnh khá thấp cũng là một lợi thế cho đồng Việt Nam. Những người đang nắm “tiền tươi, thóc thật” đã dần lựa chọn cất giữ VND thay vì tâm lý giữ ngoại tệ như trước.

Rõ ràng, ngoại tệ mà đặc biệt là USD trong khoảng 2 năm trở lại đây dần trở nên “lu mờ”. Do đó, việc “làm mới” lại loại ngoại tệ này cũng rất cần thiết trong bối cảnh Việt Nam rất cần kích thích tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm, trong đó, khối doanh nghiệp ngoại (chủ yếu giao dịch bằng USD) có vị trí ngày càng quan trọng trong nền kinh tế.

“Bên cạnh kích thích tăng trưởng GDP, trước bối cảnh hội nhập kinh tế, hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, đảm bảo dự trữ ngoại hối… việc NHNN tăng tỷ giá tại thời điểm này cũng không có gì bất thường”, TS. Lê Bá Chí Nhân nhấn mạnh.

Một chuyên gia ngân hàng (đề nghị giấu tên) ở Hà Nội đưa ra nhận định, điều này đã được nhiều chuyên gia dự báo từ trước nên việc tăng tỷ giá không gây ngạc nhiên trong giới tài chính và cũng là hợp lý.

Theo chuyên gia này, nguyên nhân của việc tăng tỷ giá là do tác động tâm lý và đầu cơ. Trên phương diện vĩ mô, lạm phát, dự trữ ngoại hối, xuất khẩu, đồng tiền Việt Nam…ổn định. Tuy nhiên, khi sự cố Biển Đông xảy ra dân chúng sẽ phải chọn vàng, đô la làm “chỗ trú ẩn”. Do vậy, nếu NHNN không điều chỉnh thì sẽ là mối lời cho giới đầu cơ. Chúng ta không thể neo mãi việc giá thị trường cao hơn giá ấn định mà phải điều chỉnh để phù hợp với cung cầu, tốt cho xuất khẩu.

Lý giải về việc mới đầu tháng, Thống đốc còn trả lời các phương tiện truyền thông rằng sẽ giữ ổn định tỷ giá nhưng lại bất ngờ tăng, chuyên gia này nhận định: “NHNN ở đâu cũng vậy, họ thường phải giữ bí mật cho đến phút cuối. Họ luôn phải thận trọng, luôn phải trấn an dư luận trước khi có điều chỉnh mạnh. Lần này, người dân có thể ngỡ ngàng, có thể mất niềm tin nhưng điều này là hoàn toàn bình thường”.

Vẫn lo hiệu ứng ngược

Ngay trong ngày đầu tiên điều chỉnh tỷ giá, mặc dù chưa thấy có những tác động gì đáng kể nhưng nhiều doanh nghiệp trong nước tỏ ra băn khoăn, thậm chí có phần lo ngại.

Một doanh nghiệp địa ốc tại TP.HCM cho rằng, tăng tỷ giá 1%, ngay sau đó kéo theo USD tăng giá sẽ là một trở ngại cho các doanh nghiệp trong nước có giao dịch với đối tác nước ngoài.

“Tôi đơn cử trường hợp, một dự án bất động sản của một nhà đầu tư trong nước muốn bán lại cho nhà đầu tư nước ngoài với giá 1 triệu USD, nếu tính ra đồng Việt Nam thì chúng tôi lỗ hàng trăm triệu đồng”, vị này dẫn chứng.

Về tác động tiêu cực này, Chuyên gia kinh tế, TS. Lê Bá Chí Nhân nhận định là vẫn có khả năng xảy ra. “Bên cạnh mặt tích cực của việc điều chỉnh tỷ giá là không ai phủ nhận, nhưng những tác động mặt trái cũng phải nhìn nhận một cách nghiêm túc để chúng ta đề phòng cũng như có sự điều chỉnh nếu cần thhiết”, TS. Nhân cho hay.

Cũng cho rằng sự điều chỉnh này sẽ ảnh hưởng đến kinh tế, vị chuyên gia ngân hàng ở Hà Nội nói: “Các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được lợi nhưng ngược lại, doanh nghiệp nhập khẩu lại gặp bất lợi. Ngoài ra, sự điều chỉnh này cũng sẽ tác động tới con số lạm phát”.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) khuyến cáo, các doanh nghiệp cũng như các tổ chức tín dụng cần phải chủ động xây dựng kế hoạch kinh doanh của mình theo những định hướng điều hành chính sách tài chính – tiền tệ của NHNN.

“Bởi các định hướng điều hành này, trong đó có định hướng điều hành tỷ giá đã được NHNN đề ra và thông báo ngay từ đầu năm”, bà Hồng khẳng định.

Bà Hồng cũng cho biết, sau khi điều chỉnh tăng tỷ giá, NHNN sẽ đảm bảo thực hiện đồng bộ các biện pháp và công cụ chỉnh sách để ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối trên mặt bằng giá mới.

Lê Nguyễn - Quỳnh Anh