Muốn gọi vốn mới phải tăng thanh khoản TTCK

Thời báo Kinh tế Sài Gòn | Ngày cập nhật: Thứ Ba, 10 Tháng Sáu 2014 16:31:00

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn ngần ngại bỏ vốn vào thị trường chứng khoán Việt Nam vì thanh khoản quá thấp; vì vậy một trong những vấn đề quan trọng nhất hiện nay là thêm hàng tốt, thêm các giải pháp tăng tính thanh khoản cho thị trường.

Tại Diễn đàn “Nâng cao tính thanh khoản cho thị trường chứng khoán” do Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM tổ chức hôm 6-6, bà Nguyễn Thị Việt Hà, Giám đốc phòng nghiên cứu phát triển Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM, cho rằng mặc dù trong những tháng đầu năm nay thị trường chứng khoán Việt Nam khởi sắc, nhưng nhìn chung thanh khoản thấp và quy mô thị trường còn nhỏ nên hạn chế dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào thị trường.
 
Theo bà Hà, hiện giá trị vốn hoá và giá trị giao dịch của thị trường chứng khoán Việt Nam đang thuộc loại thấp nhất khu vực, chỉ trên Philippines, với lần lượt là 40 tỉ đô la Mỹ giá trị vốn hóa (market cap) và 50 triệu đô la Mỹ (trên 1.000 tỉ đồng) giá trị giao dịch trung bình/ngày.
 
Để tăng thanh khoản cho thị trường chứng khoán Việt Nam, tại diễn đàn, nhiều biện pháp được bàn đến, như tăng sự minh bạch của các công ty niêm yết, đưa ra các sản phẩm mới (như các quỹ đầu tư chỉ số ETF), nới tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (nới room)…. Theo ông Johan Nyvene, Tổng giám đốc Công ty cổ phần chứng khoán TPHCM, trong nhóm giải pháp kỹ thuật, nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhất là giải pháp cơ học, tức làm sao có thêm nhiều cổ phiếu được giao dịch trên thị trường.
 
Tuy nhiên, các cổ phiếu tốt, có tính thanh khoản cao đều đang được các tổng công ty, tập đoàn của nhà nước nắm giữ, với tỷ lệ sở hữu cao, có những cổ phiếu được nhà nước sở hữu với tỷ lệ lên đến 70%-90%. Điều đáng nói là, những tổng công ty, tập đoàn này lại không bán ra, nên khó tăng thanh khoản cho thị trường. Hiện nhà nước đang nắm giữ 46% cổ phiếu của Vinamilk qua Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) là một trường hợp tiêu biểu.
 
Ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, Chính phủ đã yêu cầu các tổng công ty, tập đoàn nhà nước thoái vốn khỏi các lĩnh vực đầu tư ngoài ngành để tập trung vốn cho lĩnh vực chính. Nếu các tập đoàn thực thi nghiêm chỉnh yêu cầu này của Chính phủ thì lượng cổ phiếu giao dịch trên thị trường có thể tăng thêm đáng kể.
 
Trong những năm trước đây, yêu cầu được Chính phủ đặt ra là thoái vốn nhưng phải bảo toàn vốn, tức giá bán phải đảm bảo không thấp hơn giá đầu tư ban đầu. Theo ông Nguyễn Sơn, đây là một vấn đề khó và để khắc phục hiện Bộ Tài chính đang trình Chính phủ các cơ chế liên quan cho phép các tổng công ty, tập đoàn nhà nước thoái vốn theo giá thị trường.
 
“Theo tôi được biết, những quy định này về cơ bản đã được đồng thuận của các bộ ngành và đang được Bộ Tư pháp thẩm định để có báo cáo Chính phủ”, ông Sơn nói và cho biết thêm, riêng SCIC đã được thoái vốn theo giá thị trường, theo nghị định kinh doanh đầu tư dành cho tổ chức này.
 
Ngoài ra, trong những tháng cuối năm 2014 và 2015, dự kiến sẽ có 423 doanh nghiệp nhà nước thực hiện phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Để đảm bảo cổ phiếu của các công ty này được niêm yết ra thị trường chứng khoán, ông Sơn cho biết, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang xây dựng các văn bản hướng dẫn, một mặt để đảm bảo thành công cho quá trình thực hiện IPO, vừa tránh việc doanh nghiệp nhà nước IPO xong, nhưng để vài ba năm sau mới niêm yết, gây tổn hại cho các cổ đông khi đã mua cổ phiếu, vì tính thanh khoản của cổ phiếu không được cải thiện.
 

T. Thu