Dòng tiền đang chờ thanh khoản

Sài Gòn Đầu tư | Ngày cập nhật: Thứ Hai, 09 Tháng Sáu 2014 11:17:00

Sau thời gian gia tăng, thanh khoản của thị trường liên tục đi xuống khiến cho giới đầu tư hết sức quan ngại. Chính vì vậy, việc tìm ra giải pháp kéo dòng tiền quay lại với TTCK đang là nhiệm vụ vô cùng cấp thiết ở thời điểm hiện nay.

Tín hiệu tốt
 
Chủ tịch HĐQT HOSE Trần Đắc Sinh cho biết tính đến cuối tháng 5-2014, thanh khoản của thị trường có cải thiện hơn năm 2013 với khối lượng giao dịch bình quân phiên riêng tại HOSE đạt 129 triệu đơn vị, tương ứng với giá trị giao dịch bình quân phiên 2.206 tỷ đồng (tăng 85% về khối lượng và 93% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013).
 
Việc thanh khoản của thị trường được cải thiện trong những tháng đầu năm 2014 có thể được cho là bắt nguồn từ sự ổn định của kinh tế vĩ mô và tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết ngày càng khả quan.
 
Theo bà Nguyễn Thị Việt Hà, Giám đốc Nghiên cứu phát triển thị trường của HOSE, các yếu tố ảnh hưởng đến thanh khoản của TTCK như quy định về giao dịch, hàng hóa, định chế trung gian (CTCK) và NĐT. Các yếu tố này đã được cải thiện đáng kể thông qua những giải pháp HOSE đã triển khai trong thời gian gần đây. Đơn cử các giải pháp như: giải thưởng báo cáo thường niên nhằm nâng cao chất lượng quản trị tại công ty niêm yết, tăng thời gian giao dịch, tăng biên độ giao dịch, triển khai lệnh mới...
 
Ngoài ra, HOSE còn triển khai hàng loạt đề án sản phẩm mới như thị trường phái sinh, Covered Warrants (tổ chức tài chính phát hành CP và niêm yết trên thị trường cơ sở) hay NVDR (tổ chức phát hành mua CP và phát hành cho NĐT nhưng không giao quyền biểu quyết). Các giải pháp này đã góp phần không nhỏ trong việc kéo dòng tiền trở lại với TTCK. Dòng tiền cũng chính là yếu tố góp phần đưa TTCK Việt Nam vào nhóm các TTCK tăng trưởng mạnh nhất toàn cầu trong năm vừa qua.
 
Theo thống kê của HOSE, số lượng đơn vị có giá trị giao dịch trên 100 tỷ đồng/phiên chỉ có 8 doanh nghiệp, từ 50-100 tỷ đồng 8 doanh nghiệp, từ 10-50 tỷ đồng 44 doanh nghiệp, từ 5-10 tỷ đồng 24 doanh nghiệp, từ 1-5 tỷ đồng 74 doanh nghiệp và 146 doanh nghiệp có giá trị giao dịch dưới 1 tỷ đồng.
 
Lo ngại khi thanh khoản giảm
 
Tuy nhiên, những ngày gần đây, khối lượng giao dịch của thị trường đã sụt giảm đáng kể với tổng giá trị giao dịch trên cả 2 sàn đạt dưới 1.000 tỷ đồng. Thống kê trong tuần giao dịch vừa qua trên sàn HOSE, bình quân khoảng trên 50 triệu CP được chuyển nhượng (giảm 30% về khối lượng và 25% về giá trị giao dịch so với tuần trước).
 
Có thể nói, việc thanh khoản suy giảm đã ảnh hưởng đến tất cả thành viên tham gia TTCK. Ông Johan Nyvene, Tổng giám đốc CTCK TPHCM (HSC), cho biết thanh khoản không chỉ quan trọng mà cực kỳ quan trọng đối với các CTCK bởi nó ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận.
 
Tại ĐHCĐ vừa qua, HSC đã lên mục tiêu kinh doanh năm 2014 với cổ đông dựa trên giá trị giao dịch của TTCK, thời điểm đó khoảng 4.000 tỷ đồng. Thế nhưng, với thanh khoản chỉ dao động trong trong khoảng 1.000 tỷ đồng mỗi phiên nếu kéo dài đến hết năm 2014, gần như chắc chắn HSC sẽ vỡ kế hoạch.
 
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Cơ điện lạnh (REE), cho rằng thanh khoản của TTCK cũng là yếu tố hết sức quan trọng đối với các công ty niêm yết. Dòng tiền đổ vào TTCK càng nhiều CP của doanh nghiệp được NĐT quan tâm hơn và giá CP có cơ hội gia tăng. Khi đó khả năng huy động vốn trên TTCK của các doanh nghiệp cũng dễ dàng hơn, giúp doanh nghiệp gia tăng hiệu quả hoạt động.
 
Ngược lại, nếu thanh khoản trên TTCK suy giảm, hiệu quả của doanh nghiệp cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. Rõ ràng nhất là giá CP REE đã giảm đến 30% trong đợt suy giảm vừa qua. Tương tự, ông Phan Phương Anh, Tổng giám đốc CTCP Quản lý quỹ đầu tư MB, cho biết thanh khoản của TTCK đang ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng kêu gọi vốn từ một số quỹ đầu tư của Nhật Bản mà MB đang quản lý.
 
Chung tay cứu thanh khoản
 
Cũng chính vì tầm quan trọng của thanh khoản đối với thị trường, cuối tuần vừa qua, HOSE đã tổ chức diễn đàn “Nâng cao tính thanh khoản cho TTCK”. Tại diễn đàn này, đa số ý kiến của các thành viên tham gia TTCK đều bày tỏ mong muốn các cơ quan quản lý nhanh chóng đưa các sản phẩm mới như ETF, Covered Warrants vào giao dịch, qua đó tăng thêm nhiều lựa chọn trong giao dịch cho các NĐT, tăng thanh khoản cho TTCK.
 
Theo ông Johan Nyvene, một số tổ chức tài chính nước ngoài đang là khách hàng của HSC cho biết, điều họ quan tâm nhất tại TTCK Việt Nam là giao dịch ký quỹ và mua bán cùng 1 mã CP trong phiên. Nếu giải quyết được 2 yếu tố này, chắc chắn TTCK sẽ thu hút được một lượng tiền không nhỏ từ khối ngoại. Đặc biệt, chủ đề được giới đầu tư quan tâm nhất hiện nay là việc nới room ngoại cũng chính là vấn đề được bàn luận nhiều, bởi đây là yếu tố quan trọng thu hút dòng tiền ngoại.
 
Ông Phan Phương Anh chia sẻ, theo kinh ngiệm từ thị trường tài chính Nhật Bản, chúng ta có thể nới room ngoại lên từ 70-80% nhưng vẫn hạn chế quyền biểu quyết ở mức 49% như hiện nay. Với cách làm này, doanh nghiệp vừa huy động được vốn ngoại, chất xám ngoại, nhưng vẫn giữ được quyền kiểm soát doanh nghiệp.
 
Theo ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ phát triển TTCK (thuộc UBCKNN), TTCK là thị trường của thông tin và niềm tin. Chính vì vậy, ngoài những giải pháp như đa dạng hóa sản phẩm, tăng thời gian giao dịch, nới biên độ, nới room ngoại, thì yếu tố quan trọng nhất trong việc thu hút dòng tiền chính là tính minh bạch của TTCK.
 
Để tăng tính minh bạch cho TTCK, UBCKNN sẽ không ngừng tăng cường công tác quản lý việc công bố thông tin, bắt buộc doanh nghiệp công bố thông tin bằng tiếng Anh để tạo thuận lợi hơn cho NĐTNN; phối hợp với NHNN để đánh giá lại hoạt động của các tổ chức tín dụng; xây dựng cơ chế giám sát các ngân hàng, CTCK và bảo hiểm nhằm giám sát chặt các hoạt động đầu tư sở hữu chéo; đẩy mạnh hoạt động tái cấu trúc các CTCK theo hướng chuyên nghiệp; đề xuất giải pháp bán cổ phần dưới mệnh giá; đề án xây dựng quy chế bảo vệ NĐT nhằm bảo vệ quyền lợi NĐT trong trường hợp doanh nghiệp giải thể, phá sản; quy định buộc doanh nghiệp sau khi IPO phải đưa CP lên sàn trong vòng 1 năm để tránh tình trạng chây ì niêm yết sau khi cổ phần hóa.
 
Ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư hạ tầng Kỹ thuật TPHCM (CII), cũng thừa nhận TTCK là thị trường của kỳ vọng nên doanh nghiệp có minh bạch NĐT mới bỏ tiền vào để đầu tư. Vì lẽ đó, CII luôn chú trọng việc thông tin đến với NĐT theo phương châm nhanh nhất và chính xác nhất. 
 
 

Hải Hồ