Ngân hàng bán lẻ - Gỡ khó cho vay tiêu dùng

Thời báo Ngân hàng | Ngày cập nhật: Thứ Sáu, 23 Tháng Năm 2014 10:38:00

Không nên gắn tài sản đảm bảo khi cho vay tiêu dùng mà phải nâng mức độ rủi ro, đánh giá chính xác năng lực tài chính của khách hàng.

Theo báo cáo của StoxPlus vừa công bố, tổng quy mô thị trường tài chính tiêu dùng của Việt Nam năm 2013 đạt gần 188.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 8,88 tỷ USD), với mức tăng trưởng 12% và chiếm 5,4% GDP. Riêng hệ thống NH đã góp phần không nhỏ trong con số tăng trưởng của mảng thị trường này với việc tung ra hàng loạt chương trình tín dụng tiêu dùng ưu đãi: cho vay mua nhà, ô tô lãi suất thấp, thậm chí nhiều NH còn cho vay 0%/năm trong 1 – 2 tháng đầu… Nhờ vậy, tín dụng từ mảng kinh doanh này của các NH cũng tăng trưởng khá.
 
Có vẻ, năm 2014 thị trường này vẫn là phân khúc mà các NH tập trung khai thác. Từ đầu năm đến nay, hàng loạt các sản phẩm tín dụng tiêu dùng ưu đãi được tung ra. Gần đây nhất, đáng lưu ý có chương trình cho vay khách hàng có nhu cầu mua căn hộ thuộc dự án Dragon Hill Residence and Suites được vay vốn trong thời hạn 20 năm, hạn mức tối đa lên đến 70% giá trị hợp đồng mua bán căn hộ. Đặc biệt, khách hàng sẽ được ân hạn vốn gốc 1 năm và ưu đãi lãi suất đặc biệt cố định 0%/năm trong 2 năm đầu tiên.
 
Những NH nhỏ cũng đang tìm phân khúc tín dụng tiêu dùng “cứu cánh” cho mình. Mới đây, PVcomBank dành tới 1.500 tỷ đồng cho chương trình cho vay mua nhà dành cho khách hàng cá nhân với nhiều ưu đãi về lãi suất và thời gian vay vốn: 6%/năm trong vòng 6 tháng đầu tiên kể từ ngày giải ngân và thời hạn vay cũng lên tới 20 năm… Và một số NH khác cũng tiết lộ sắp tung thêm các gói tín dụng tiêu dùng ưu đãi.
 
Việc khách hàng cá nhân đang được nhận nhiều ưu ái từ phía các NHTM được Phó tổng giám đốc HDBank, TS. Lê Thành Trung nhận định, nguyên nhân là do đây là xu hướng tất yếu của các NHTM trong nỗ lực tăng doanh số cho vay, khi cho vay lĩnh vực sản xuất – kinh doanh còn khó khăn. Khi khả năng hấp thụ vốn tín dụng của DN sản xuất còn yếu thì tiêu dùng cá nhân tiếp tục là điểm đến của các NH.
 
Theo lý giải của TS. Trung, nếu người dân tin tưởng hơn vào sự hồi phục của nền kinh tế, sức mua của thị trường thì nhu cầu chi tiêu cá nhân như phương tiện đi lại, cải thiện điều kiện sống, sinh hoạt… tăng cao hơn. Như vậy, tín dụng tiêu dùng có nhiều cơ hội tăng trưởng. Song, đó mới chỉ là hy vọng từ phía các NH. Còn thực tế có vẻ đang diễn ra không như kỳ vọng, khi mà nhìn vào các chỉ số liên quan đến bán lẻ, tiêu dùng vẫn tăng trưởng thấp.
 
Theo phân tích của Tổng giám đốc OCB - ông Nguyễn Đình Tùng, căn cứ mức cho vay tiêu dùng dựa trên nguồn thu nợ từ thu nhập của người vay như tiền lương, thu nhập cố định để trả nợ cho NH. Ngược lại, người dân cũng như vậy, họ phải dựa trên khả năng trả nợ, thu nhập cố định để quyết định xem có nên vay tiêu dùng hay không và sẽ vay bao nhiêu.
 
Có thể nói, sự cộng hưởng trong mấy năm kinh tế liên tục rơi vào khó khăn đã ảnh hưởng nhiều đến mức thu nhập, cũng như sự ổn định thu nhập của người dân. Mà thông thường, khi rơi vào “thế kẹt” như vậy, người dân chọn xu hướng tiết kiệm, hơn là mạnh tay chi tiêu. Nếu nhu cầu thị trường không tăng, thậm chí đi ngang thì tăng trưởng tín dụng tiêu dùng trong năm nay sẽ bị ảnh hưởng. Điều này cũng là băn khoăn của lãnh đạo một số NH khác khi đánh giá triển vọng tăng trưởng mảng tín dụng này trong năm 2014.
 
Là NH đạt kết quả khả quan trong phát triển tín dụng tiêu dùng, nhưng năm nay, Sacombank cũng không kỳ vọng quá nhiều vào mảng này. Tổng giám đốc Sacombank - ông Phan Huy Khang cho biết, từ đầu năm đến nay, tín dụng tiêu dùng tăng khoảng 4 – 5%. Nhưng, theo nhận định của ông Khang, năm 2014 tín dụng tiêu dùng chỉ duy trì mức bình thường, khó hy vọng có đột biến.
 
Một nguyên nhân khiến các NH không lạc quan về tín dụng tiêu dùng sẽ có bước phát triển đột phá trong năm 2014 là sự e ngại rủi ro từ chính các NH trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng, khi khung pháp lý chưa hoàn thiện. Theo ông Tùng, cho vay tiêu dùng thường là các món vay nhỏ, lại chủ yếu là vay tín chấp. Nếu xảy ra trường hợp khách hàng không trả được nợ thì theo quy định, NH dùng các biện pháp xử lý tài sản đảm bảo, thậm chí phải ra tòa kiện tụng.
 
Song, đối với khoản vay nhỏ, bỏ chi phí để kiện rất tốn kém, không hiệu quả, chưa nói đến chuyện phải kéo dài thời gian nếu không có cơ chế xử lý ưu tiên. Trong khi ở nước ngoài, NH có quyền kiện hoặc thậm chí yêu cầu cơ quan hành pháp bắt giữ những người vay không trả được nợ hoặc trốn nợ. Tổng giám đốc OCB đề xuất, khung khổ luật pháp cần hoàn thiện hỗ trợ cho NH xử lý nhanh tài sản đảm bảo thu nợ, nhất là liên quan đến cho vay tiêu dùng.
 
Một lãnh đạo NH khác trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cũng có chung nhận định: phân khúc thị phần này là thách thức cho các NH. Bởi, các vấn đề khai thông, xây dựng kênh bán hàng, theo dõi, cảnh báo và thu nợ của hàng trăm nghìn khách hàng cá nhân với khoản vay nhỏ không hề đơn giản đối với NH. Vì thế, việc chuẩn hóa và tập hợp thông tin tín dụng, đánh giá năng lực khách hàng cá nhân để xác định mức lãi suất cho vay, thời hạn vay hợp lý có ý nghĩa quan trọng. Quan điểm của vị này là không nên gắn tài sản đảm bảo khi cho vay tiêu dùng mà qua đó các NH phải nâng cấp khẩu vị rủi ro, đánh giá chính xác năng lực tài chính của khách hàng.
 
Phát triển mảng tài chính cá nhân, đặc biệt cho vay tiêu dùng là một chiến lược phù hợp và nhiều định chế tài chính trong nước đang thúc đẩy. Song, một chuyên gia NH cảnh báo, các NH không nên chạy theo trào lưu này khi năng lực quản trị rủi ro chưa theo kịp. Như thế, vô tình sẽ rước họa vào thân.
 

Thanh Huyền