Doanh nghiệp bao bì Việt Nam đang hưởng lợi từ thị trường trong và ngoài nước.
Xu hướng tăng sử dụng giấy bao bì trong thương mại và việc Trung Quốc hạn chế sản xuất giúp các doanh nghiệp giấy bao bì ở Việt Nam hưởng lợi. Cơ hội đầu tư trong ngành giấy bao bì không thể bỏ qua cả ở thị trường trong và ngoài nước.
Việt Nam với xu hướng thương mại điện tử ngày một tăng lên dần đến nhu cầu bao bì đóng gói cũng tăng mạnh. Ngoài ra, với xu hướng xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian qua và sắp tới, nhu cầu trong ngành giấy bao bì là luôn hiện hữu và ở mức cao. Cũng vì những quy định mới ở Trung Quốc khiến nước này trở thành nước nhập siêu giấy công nghiệp. Ngoài ra, xu hướng sử dụng bao bì giấy cũng đang được khuyến khích ở nhiều quốc gia với những ưu điểm vượt trội so với bao bì bằng nhựa, kim loại và gỗ.
Tại Việt Nam, bao bì giấy hiện là sản phẩm chính, chiếm gần 50% tổng tiêu thụ toàn ngành giấy và cũng là loại được nhập khẩu nhiều nhất, chiếm 45% tổng kim ngạch nhập khẩu giấy.
Nhu cầu sử dụng bao bì giấy phụ thuộc chính vào ngành công nghiệp chế biến trong đó chủ yếu bao gồm các ngành: công nghiệp thực phẩm, hóa mỹ phẩm, hàng tiêu dùng, điện tử, da giày, thủy sản.
Theo Hiệp hội Giấy và Bột giấy, Việt Nam tiêu thụ 3,5 triệu tấn mỗi năm, trong đó giấy in 350.000 tấn, giấy bao bì 2,5 triệu tấn, tissue 195.000 tấn, còn lại là các loại giấy khác. Nhu cầu giấy trong 10 năm tới dự báo trên 10%, đặc biệt giấy bao bì trên 15%/năm, nhu cầu đến năm 2025 riêng giấy bao bì là trên 10 triệu tấn.
Một trong những doanh nghiệp đón đầu được xu hướng này là Công ty Cổ phần Đông Hải Bến Tre (DHC). Về năng lực sản xuất, DHC có thị phần trong nước khoảng 4% và là 1 trong 5 nhà sản xuất giấy công nghiệp lớn nhất Việt Nam, sau Giấy Sài Gòn (Bà Rịa - Vũng Tàu), Giấy Vina Kraft (Bình Dương), Giấy Chang Yuen (Bình Dương) và Giấy An Bình (Bình Dương).
Một điểm nổi trội của DHC là việc công ty này đã đầu tư nhà máy Giao Long 2. Việc nhà máy này sẽ đi vào hoạt động kể từ đầu năm 2019 giúp tăng công suất sản xuất giấy làm bao bì (giấy kraft) là một bước đi rất đúng so với xu hướng thị trường trong nước, đáp ứng được nhu cầu lớn của các doanh nghiệp phía Nam.
Việc tự cung ứng phần lớn giấy kraft cho khâu sản xuất bao bì carton (hiện có công suất 150.000 sản phẩm/ngày) đã giúp Công ty tiết giảm chi phí và giảm thiểu rủi ro biến động giá nguyên liệu đầu vào, dẫn đến biên lợi nhuận gộp của DHC cao hơn so với các công ty cùng ngành. Nhà máy giấy Giao Long giai đoạn 2 nếu chạy hết công suất sẽ giúp năng lực sản xuất giấy kraft của DHC tăng 3,5 lần so với hiện tại lên 840 tấn/ngày, tương đương 205.000 tấn giấy kraft/năm.
Thực tế, trên thị trường hiện có một doanh nghiệp nhà nước là Tổng Công ty Giấy Việt Nam và 300 công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI. Đa phần là doanh nghiệp quy mô sản xuất nhỏ dưới 100.000 tấn/năm, có chưa đến 20 doanh nghiệp sản xuất quy mô trên 100.000 tấn/năm.
Vì vậy, mở rộng công suất cũng là xu hướng chung của doanh nghiệp ngành giấy. Chẳng hạn, vào tháng 9 vừa qua, Công ty Cổ phần Tân Mai Miền Đông đã được cấp phép xây dựng Nhà máy Giấy Tân Mai Miền Đông chuyên sản xuất giấy bao bì với công suất 150.000 tấn/năm.
Ngoài ra, các doanh nghiệp giấy nước ngoài tại Việt Nam cũng liên tục mở rộng năng lực sản xuất trong thời gian qua, chủ yếu là các doanh nghiệp đến từ Trung Quốc nhằm giải quyết nhu cầu ngày một tăng lên từ Trung Quốc và thế giới.
Ông Đặng Văn Sơn, Tổng Thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, cho biết, chỉ các nhà máy giấy công suất lớn mới có thể đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh và tăng sức cạnh tranh. Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định: “Nhà máy Giao Long 2 bắt đầu đưa vào sản xuất thương mại từ năm 2019 sẽ mở ra giai đoạn tăng trưởng cao mới cho DHC”.
Theo BVSC, việc giải quyết đầu ra cho Giao Long 2 gần như không đáng lo ngại do nhu cầu bao bì tại Việt Nam đang tăng trưởng, ngoài ra công ty chứng khoán này cũng nhìn thấy cơ hội tại một số thị trường xuất khẩu. Khi đã hoạt động ổn định và trả bớt nợ vay dài hạn, BVSC dự báo tăng trưởng bình quân 31% về lợi nhuận trong giai đoạn 2018-2022.
Tuy nhiên, ngành giấy vốn là ngành có tác động tiêu cực tới môi trường và sẽ chịu sự quản lý chặt chẽ hơn với những quy định rõ ràng hơn về việc nhập khẩu giấy phế liệu. Bộ Công Thương có chỉ đạo và hỗ trợ Hiệp hội Giấy và Bột Giấy Việt Nam sớm tiến hành việc xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành giấy năm 2020-2035. Theo đó, sẽ siết cấp phép đầu tư ngành giấy và quy định tiêu chuẩn sản xuất. Vì vậy, ngành giấy đang đứng trước giai đoạn thanh lọc theo hướng quy mô và hiện đại hơn.