Năm 2015, đón gần 8 triệu lượt khách quốc tế; năm 2017 đón 12,9 triệu lượt khách; đến năm 2018, Việt Nam đón hơn 15 triệu lượt khách quốc tế
Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Nguyễn Ngọc Thiện nhận định: "Việc trong 3 năm lượng khách du lịch tăng gần gấp đôi, từ gần 8 triệu năm 2015 lên hơn 15 triệu năm 2018, là con số khó có thể lặp lại. Vì nếu cứ tốc độ tăng như thế này, 3 năm nữa sẽ đạt 30 triệu lượt khách. Kỳ tích ấy khó có thể đạt được".
Nhiều bài toán khó
So sánh với giai đoạn trước đó, chưa bao giờ du lịch Việt Nam có mức tăng trưởng cao và liên tục như 3 năm qua. Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) xếp Việt Nam trong số 10 nước có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới.
Năm 2019, du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 103 triệu lượt khách, trong đó 18 triệu khách quốc tế, 85 triệu khách nội địa. Ngành du lịch quyết tâm về đích trước 1 năm so với mục tiêu tại Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là thu hút 17-20 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 82 triệu lượt khách nội địa.
Theo đánh giá của các chuyên gia, để đạt mục tiêu này, ngành du lịch cần nỗ lực hơn nữa trong việc giải bài toán khó về cơ sở hạ tầng, dịch vụ, sản phẩm du lịch… Theo thống kê năm 2018, số tàu du lịch cập cảng Việt Nam khoảng 500 lượt. Tuy nhiên, 81% là quá cảnh; bình quân chỉ khoảng 1-2 ngày/lần cập cảng, thậm chí có những tàu dừng lại chỉ vài giờ. Trung bình, thời gian khách tàu biển lưu tại Việt Nam rất ngắn, chỉ từ 8-24 giờ. Chi tiêu của khách du lịch tàu biển rất thấp, dưới 100 USD/lần cập cảng do sản phẩm du lịch nghèo nàn.
Đại diện Công ty CP Cảng Chân Mây (Thừa Thiên - Huế) nhận xét dù khách tàu biển tăng nhưng lượng khách lên TP Huế tham quan, sử dụng các dịch vụ chỉ khoảng 30%. Số này chủ yếu là khách châu Âu, châu Mỹ - những người thích tìm hiểu, khám phá văn hóa, di sản địa phương, còn phần lớn khách ở lại trên tàu.
Thị trường khách du lịch đến Việt Nam bằng đường hàng không được coi là triển vọng nhất nhưng theo ông Lương Hoài Nam, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vietstar Airlines, các sân bay lớn như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Phú Quốc đều đang quá tải. 21 sân bay của Việt Nam có công suất thiết kế đón 75 triệu khách/năm nhưng số lượng vận chuyển thực tế của năm 2018 đến khoảng 105 triệu khách.
Theo các chuyên gia, nếu Việt Nam vẫn chú trọng tăng trưởng số khách thì về ngắn hạn, lượng cầu đang vượt cung, cả từ sân bay tới hệ thống lưu trú của Việt Nam.
Siết chặt quản lý
Để đạt các mục tiêu của năm 2019, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện đã yêu cầu Tổng cục Du lịch tập trung khắc phục tồn tại, từ siết chặt quản lý điểm đến, kiểm soát chất lượng dịch vụ, chấn chỉnh hoạt động tour giá rẻ đến nâng cao năng lực cạnh tranh của điểm đến…
Nói về hướng phát triển của du lịch trong tương lai, ông Nguyễn Quốc Đoàn, Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường (Bộ VH-TT-DL), cho rằng "du lịch bền vững", "du lịch xanh" phải là hướng đi chính. Việc phát triển "du lịch bền vững" cần đến nhiều yêu cầu về môi trường nên có thể kén khách hơn những hướng khác, vì thế số lượng khách đến sẽ không thể là tiêu chí quan trọng nhất đánh giá sự thành công hay không thành công của hướng đi này.
Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Công ty TransViet, cơ cấu khách quốc tế đến Việt Nam có tới trên 50% đến từ thị trường Đông Bắc Á, trong đó chủ yếu là từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Trong khi đó, những thị trường chi tiêu cao như châu Âu, châu Đại Dương, Mỹ, Canada… lại khá hạn chế, chỉ hơn 16%.
PGS Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, cũng đánh giá số lượng khách tăng là tốt nhưng cũng không thể quên nâng cao chất lượng các sản phẩm dịch vụ, trải nghiệm, các hình thức văn hóa - giải trí. Chỉ khi khách thực sự có ấn tượng tốt với điểm đến, họ sẽ quay lại và giới thiệu cho nhiều người.
Yến Anh