Huy động giảm nhưng cho vay không giảm

Thời báo kinh doanh | Ngày cập nhật: Thứ Năm, 13 Tháng Ba 2014 14:06:00

Mặc dù các ngân hàng kêu khó cho vay và liên tục điều chỉnh giảm lãi suất huy động nhưng lãi suất cho vay dường như không thay đổi.

Mấy ngày nay, một số ngân hàng lại tiếp tục điều chỉnh lãi suất huy động. Với mức điều chỉnh xuống còn 5,8 - 6%/năm cho kỳ hạn 1 tháng và 6,2 - 6,6%/năm cho kỳ 2 - 6 tháng, lãi suất huy động của nhiều ngân hàng đang ở mức rất thấp so với trần lãi suất huy động 7%/năm hiện nay của NHNN.

Kêu thừa vốn, liên tục giảm lãi suất

Mới nhất là Sacombank với mức cắt giảm từ 1 - 3%. Theo đó, kể từ ngày 11/3, ngân hàng này áp dụng bảng lãi suất huy động mới với mức cao nhất là 8,5%/năm cho kỳ 13 tháng. Còn các kỳ hạn từ 1 - 3 tháng chỉ còn 6 - 6,3%/năm. Như vậy, đây là lần thứ 3 trong vòng 1 tháng qua, Sacombank điều chỉnh giảm lãi suất huy động.

Mức cắt giảm lãi suất huy động tại ACB cũng diễn ra tương tự, với khoảng từ 1 - 3% so với đợt điều chỉnh gần đây nhất. Hiện lãi suất huy động kỳ hạn 1 - 3 tháng được ngân hàng này áp dụng ở mức 6,4 - 6,55%/năm. Với kỳ hạn 12 tháng, ACB áp dụng lãi suất ở mức 7,8%/năm, giảm 0,1%/năm so với trước đây. Tương tự, các kỳ hạn 13 tháng, 36 tháng cũng giảm 0,1%, xuống còn 8,3%/năm và 8,4%/năm. Đây là đợt cắt giảm lãi suất huy động thứ 2 kể từ sau Tết, lúc đó, lãi suất ngân hàng này giảm khoảng 0,3%/năm.

Lãi suất huy động của Eximbank cũng được điều chỉnh từ 0,1 - 0,2%. Điều đáng nói, đây là lần thứ 3 trong vòng 20 ngày qua, ngân hàng này thông báo giảm lãi suất. Hiện mức lãi suất cao nhất mà Eximbank áp dụng là 8%/năm dành cho kỳ hạn 24 - 60 tháng, thay vì kỳ hạn 18 - 60 tháng như trước. Các kỳ hạn ngắn cũng giảm tương tự, xuống còn 6,4%/năm (1 tháng), kỳ hạn 2 và 3 tháng còn lần lượt là 6,5%/năm và 6,6%/năm.

Tại Techcombank, lãi suất huy động cũng giảm từ 0,2 - 0,4%/năm. Theo đó, lãi suất huy động VND kỳ hạn 1 tháng còn 6,4%/năm, thay vì 6,55% như trước. Kỳ hạn 2 và 3 tháng còn lần lượt 6,44%/năm và 6,64%/năm, giảm 0,2%. Đặc biệt, lãi suất huy động kỳ hạn dài giảm tới 0,4%, lãi suất kỳ hạn 18 - 36 tháng hiện còn 7,86%/năm; kỳ hạn 24 tháng và 36 tháng có mức 8,06%.

Mặc dù không cắt giảm ở đợt này, nhưng mặt bằng lãi suất huy động của khối NHTM nhà nước cũng rất thấp. Ví như BIDV với lãi suất huy động chỉ còn 5,8%/năm cho kỳ 1 tháng, còn từ 3 - 11 tháng chỉ còn khoảng 6,5%. Hay như Vietcombank, lãi suất kỳ 1 tháng thậm chí thấp hơn với 5%/năm.

Lý giải về việc liên tục giảm lãi suất, ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng Giám đốc ACB, cho biết do tình hình kinh tế khó khăn, đầu ra bị hạn chế nên ngân hàng buộc phải cắt giảm lãi suất huy động.

Cùng quan điểm này, ông Phan Huy Khang, Tổng Giám đốc Sacombank, cũng cho biết thanh khoản dồi dào nên ngân hàng giảm lãi suất huy động để giảm bớt chi phí đầu vào để tiến tới giảm lãi suất cho vay.

Theo đánh giá của chuyên gia tài chính, khả năng ngân hàng cắt giảm lãi suất đầu vào sẽ chưa dừng lại trong thời gian tới. Bởi, việc giảm lãi suất huy động sẽ là động thái tích cực để các ngân hàng cắt giảm chi phí vốn vay trong bối cảnh cho vay khó khăn, qua đó kích thích DN vay vốn.

Thời gian qua, NHNN đã có những thông điệp cho thấy muốn lãi suất giảm thêm để thúc đẩy tiền ra, đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2014 là 12 - 14%. Gần đây, một vài ý kiến từ phía Chính phủ cũng yêu cầu NHNN xem xét giảm lãi suất cho vay.

Lãi suất cho vay vẫn chưa giảm

Với kỳ vọng lãi suất huy động giảm thì các ngân hàng sẽ giảm lãi suất cho vay, nhưng trên thực tế, lãi suất cho vay không hề giảm. Thống kê của NHNN cho thấy kể từ giữa tháng 7/2013 - 28/2/2014, lãi suất cho vay bình quân bằng VND không thay đổi.

Cụ thể, đối với các NHTM nhà nước, lãi suất cho vay phổ biến đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn… dao động từ 7 - 9%/năm ở các kỳ hạn ngắn (lãi suất cho vay trung bình là 8%/năm) và dao động từ 11 - 12%/năm đối với ở các kỳ hạn trung và dài hạn (lãi suất cho vay trung bình là 11,5%/năm). Tương tự, lãi suất cho vay thương mại thông thường ở mức 9 - 10,5%/năm (bình quân là 9,75%/năm) đối với các kỳ hạn ngắn và 11,5 - 12,8%/năm đối (bình quân là 12,15%) ở các kỳ hạn trung và dài hạn.

Đối với các NHTM cổ phần, lãi suất cho vay phổ biến đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn… dao động từ 8 - 9%/năm ở các kỳ hạn ngắn (lãi suất cho vay trung bình là 8,5%/năm) và dao động từ 11 - 12%/năm đối với ở các kỳ hạn trung và dài hạn (lãi suất cho vay trung bình là 11,5%/năm). Tương tự, lãi suất cho vay thương mại thông thường ở mức 9,5 - 11,5%/năm (bình quân là 10,5%/năm) đối với các kỳ hạn ngắn và 12 - 13%/năm đối (bình quân là 12,5%) ở các kỳ hạn trung và dài hạn.

Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, ông Khang cho biết hiện ngân hàng đang cân đối để giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới. Nhưng hiện tại, ngân hàng này có rất nhiều gói tín dụng với lãi suất thấp, khoảng 8%/năm.

Bình luận về hiện tượng này, Ts. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính, cho rằng với mức tăng trưởng 2 tháng đầu năm âm 1,66% cùng với lãi suất huy động chưa giảm mạnh và vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro nên các ngân hàng vẫn chưa thể giảm được lãi suất cho vay. "Chỉ khi nào lãi suất huy động (kỳ 6 tháng trở lên) giảm khoảng 1% thì mặt bằng lãi suất cho vay mới có thể giảm tiếp.

"Tình trạng lợi nhuận không khả quan cùng với chi phí vẫn theo chiều hướng tăng nên các ngân hàng buộc phải duy trì biên độ lợi nhuận hợp lý từ hoạt động cho vay, vì lợi nhuận không thể giảm thêm", Ts. Hiếu phân tích.

Ngoài ra, nợ xấu cũng là một nguyên nhân. Các ngân hàng đang phải trích lập một khoản chi phí để dự phòng rủi ro do nợ xấu năm nay có thể tăng lên, do vậy lãi suất cho vay khó có thể giảm tiếp, nếu như không có một cú hích mạnh trong vấn đề giải quyết nợ xấu.

Minh Huệ