“Kiến nghị xử lý tài chính năm nay tăng đột biến so với các năm trước hơn 8.000 tỷ đồng. Nhưng không thể đánh giá là việc chấp hành pháp luật của các đối tượng kiểm toán ngày càng kém đi”, Phó tổng Kiểm toán Nhà nước Lê Minh Khái nhấn mạnh tại cuộc họp báo Kế hoạch kiểm toán 2014 sáng 18/2/2014.
Kiến nghị xử lý tài chính tăng không có nghĩa là đối tượng kiểm toán ngày càng kém đi
Theo ông Khái, sự chênh lệch lớn này là “do đối tượng kiểm toán, niên độ kiểm toán mỗi năm khác nhau; ngành Kiểm toán Nhà nước cũng ngày càng chỉ đạo cương quyết hơn, chuyên nghiệp hơn, hoàn thiện hơn về cơ chế; kiểm toán viên cũng ngày càng kinh nghiệm trong kiểm tra xử lý tài chính”.
Trong năm 2013, toàn ngành Kiểm toán hoàn thành 150/151 cuộc kiểm toán, phát hành 150/151 báo cáo kiểm toán theo kế hoạch.
Tổng hợp kết quả kiểm toán 2013 từ 150 báo cáo kiểm toán đã phát hành (được thực hiện tại 31 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; 17 bộ - ngành, 32 dự án đầu tư, chương trình, dự án quốc gia; 11 chuyên đề; 24 đầu mối thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, các cơ quan Đảng; 32 đầu mối thuộc lĩnh vực doanh nghiệp và các tổ chức tài chính - ngân hàng), Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 22.778,1 tỷ đồng; tăng hơn 8.000 tỷ đồng so với năm 2012.
Trong đó, các khoản tăng thu là 4.014,4 tỷ đồng; các khoản giảm chi là 5.290,8 tỷ đồng; cùng 2.587,5 tỷ đồng các khoản nợ đọng phát hiện tăng thêm so với báo cáo của cơ quan quản lý thu ngân sách Nhà nước; 9.817,5 tỷ đồng các khoản phải nộp, hoàn trả và quản lý qua ngân sách Nhà nước và kiến nghị xử lý khác 1.067,9 tỷ đồng.
Qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước cũng đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát để hủy bỏ hoặc thay thế, sửa đổi, bổ sung và đề xuất bổ sung 71 văn bản không phù hợp với quy định chung của Nhà nước hoặc chưa phù hợp với thực tiễn; kiến nghị xử lý trách nhiệm 30 cá nhân và nhiều tập thể liên quan đến sai phạm phát hiện qua kiểm toán.
Ngoài việc tập trung thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành, trong năm 2013, Kiểm toán Nhà nước còn gửi báo cáo và cử cán bộ tham gia các đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và một số Ủy ban của Quốc hội; cung cấp 14 bộ hồ sơ, kết quả kiểm toán theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền theo quy định.
Đồng thời, Kiểm toán Nhà nước đã làm thủ tục chuyển 5 vụ việc cho các cơ quan chức năng, trong đó 4 vụ việc cho cơ quan điều tra và 1 hồ sơ cho Cơ quan thanh tra NHNN để điều tra, thanh tra, xử lý những vụ việc, hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua kết quả kiểm toán.
Cụ thể hơn, ông Khái cho biết vụ việc chuyển sang cơ quan Thanh tra NHNN là việc mua bán ngoại tệ vượt trần liên quan đến Tập đoàn Hóa chất và 3 ngân hàng. 4 vụ việc chuyển sang cơ quan điều tra bao gồm: Vụ việc liên quan đến khả năng thất thoát vốn ở Tổng công ty Tài chính sông Đà do mua bán; không thu hồi được nợ do đầu tư của Tổng công ty thủy sản; khả năng một số dự án về bất động sản cho vay không chấp hành đúng quy trình thủ tục của chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ở Bình Phú và TP.HCM… Những thông tin cụ thể sẽ được công bố trong tháng 6, tháng 7 năm nay”.
Nhiều vấn đề xã hội quan tâm trong kế hoạch kiểm toán
Trong kế hoạch kiểm toán 2014, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Lê Minh Khái cho biết, tổng số đầu mối kiểm toán là 185, trong số 14 bộ ngành, cơ quan Trung ương; 35 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Trong đó, lồng ghép 5 chuyên đề trong 7 cuộc kiểm toán tại 7 địa phương, 17 chuyên đề độc lập; 35 dự án đầu tư; 42 doanh nghiệp và NHTM nhà nước, 11 đầu mối kiểm toán thuộc Bộ Quốc phòng…
Trả lời câu hỏi về việc liệu Tổng Kiểm toán Nhà nước có thể hoàn thành kế hoạch khi tăng thêm 34 đầu mối kiểm toán so với năm 2013, ông Khái cho biết, thực tế là 25 đầu mối kiểm toán khối các cơ quan Đảng trong năm 2014 theo tiêu chí của năm 2013 được gom vào một đầu mối, song do Kiểm toán Nhà nước muốn kiếm toán kỹ lưỡng, chi tiết hơn, đánh giá được từng tỉnh, bộ lên đã tách ra thành 25 đầu mối nhỏ. Vì vậy thực chất trong kế hoạch năm 2014 chỉ tăng thêm 11 đầu mối kiểm toán. Hơn thế, quy mô kiểm toán năm 2014 có nhiều công ty nhỏ, không nhiều tập đoàn lớn như năm 2013 nên kế hoạch là khả thi.
Với 185 đầu mối kiểm toán, kế hoạch kiểm toán 2014 tập trung vào 3 nội dung chính. Việc kiểm toán kết quả thực hiện chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế bao gồm tập trung kiểm toán các dự án công trình đầu tư xây dựng, công tác mua sắm, sửa chữa tài sản… Trong đó, chú trọng đánh giá tính kinh tế, hiệu lực hiệu quả và chất lượng các dự án sử dụng vốn trái phiếu nhất là nguồn trái phiếu Chính phủ; tập trung kiểm toán các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, NHTM, đặc biệt là quá trình tái cơ cấu tác tập đoàn, tổng công ty Nhà nước gắn với mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh.
Bên cạnh đó, kiểm toán 2014 sẽ tập trung vào các vấn đề được các cơ quan Quốc hội và dư luận quan tâm trong quản lý sử dụng tài chính tài sản công như việc huy động các nguồn lực để thực hiên Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; công tác quản lý và sử dụng nguồn thu lệ phí, học phí, viện phí, thu dịch vụ và liên doanh, liên kết tại các ngành y tế, giáo dục, giao thông, tình hình tự chủ tài chính ở các đơn vị sự nghiệp công lập. Một nội dung khác trong kế hoạch kiểm toán năm 2014 là việc thực hiện luật, chỉ thị và các văn bản của Nhà nước về phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Minh Ngọc