Hưởng lợi từ sự “ấm” lên của thị trường bất động sản cũng như sự phục hồi của hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản sau nhiều năm suy giảm, các doanh nghiệp nhóm ngành xây dựng liên tiếp ghi nhận những hợp đồng thầu nghìn tỷ. Đây có thể là những yếu tố hỗ trợ tích cực cho cổ phiếu của các doanh nghiệp thiết lập đà tăng mới.
Trong một báo cáo mới đây, CTCK VPBank (VPBS) cho biết, The FitchGroup Company từng đưa ra quan điểm tích cực cho ngành xây dựng và hạ tầng Việt Nam với kỳ vọng tăng trưởng trung bình hằng năm đạt 7,2% trong giai đoạn 2017-2026.
Trong quý III/2018, ngành xây dựng là nhân tố đóng góp cho sự cải thiện của GDP cả nước với mức tăng 9,2% – cao nhất từ đầu năm.
Liên tiếp trúng thầu
Theo thống kê của CTCK Rồng Việt (VDSC), sau giai đoạn tăng trưởng đều đặn từ quý II/2016 – III/2017 và đạt đỉnh vào quý IV/2017, kết quả kinh doanh ba quý đầu năm 2018 lại cho thấy một bức tranh không mấy sáng sủa của ngành xây dựng.
Cụ thể, tổng doanh thu của ngành trong 9 tháng đạt 154.000 tỷ đồng, tăng nhẹ 6,7% so với cùng kỳ năm 2017; lợi nhuận sau thuế đạt 8.000 tỷ đồng, giảm mạnh 24,1% so với cùng kỳ. Với kết quả này, ngành đã hoàn thành 67,3% doanh thu kế hoạch và 53,7% lợi nhuận sau thuế dự kiến.
Tuy nhiên, những con số này không phải là vấn đề đáng lo ngại, vì phần lớn doanh thu của ngành sẽ được ghi nhận trong quý IV. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp còn liên tiếp trúng những gói thầu nghìn tỷ báo trước một kết quả kinh doanh tươi sáng trong dài hạn.
Mới đây, “ông lớn” CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã: HBC) thông báo liên tiếp trúng ba gói thầu trị giá gần 2.000 tỷ đồng bao gồm dự án The Peak – Mid Town tại Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, dự án Swan City – East Saigon giai đoạn 1 và một phần dự án Khách sạn cao cấp Four Seasons.
Vừa qua, Hòa Bình và công ty Kỹ thuật và Xây dựng HOT đã liên doanh tham gia đấu thầu dự án Đại học Kiến trúc Kuwait giá trị 100 triệu KD (tương đương 330 triệu USD).
Không kém cạnh, CTCP Xây dựng Coteccons (mã: CTD) thông báo ký hợp đồng thi công dự án nhà xưởng Timberland Manwah Bình Dương có giá trị 1.500 tỷ đồng và dự án Trụ sở Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel.
Trước đó, trong những tháng đầu năm, Coteccons đã ký nhiều hợp đồng với giá trị khoảng 20.000 tỷ đồng. Tính tới cuối tháng 9, giá trị hợp đồng đã ký nhưng chưa thực hiện đạt 22.065 tỷ đồng, trong đó các dự án nhà ở dân dụng chiếm 50% giá trị.
Con số này chưa bao gồm các dự án Vincity sắp được triển khai trong thời gian tới. Đối với ba dự án Vincity bao gồm 195 tòa tháp do Tập đoàn Vingroup triển khai trong thời gian tới, Coteccons kỳ vọng sẽ đảm nhận 30% khối lượng công việc.
Một đơn vị chuyên thi công nền – móng công trình ngầm là CTCP Fecon (mã: FCN) cũng vừa thông báo ký thêm hợp đồng thi công trị giá 1.000 tỷ đồng, trong đó có dự án Tổ hợp hóa dầu Long Sơn và Nhiệt điện Nghi Sơn 2, dự án VinCity Gia Lâm, VinCity Đại Mỗ.
Chuyên gia khuyến nghị mua
Nhận thấy tiềm năng dài hạn của nhóm ngành xây dựng, trong những bản tin chứng khoán của các CTCK gần đây, nhiều khuyến nghị mua được đưa ra đối với các cổ phiếu ngành này.
Mới đây, cổ phiếu FCN của Fecon được VPBS nhận định đang bước vào xu hướng tăng mới do đã dao động hình thành nền giá quanh mức 15.000 đồng/cp trong gần 6 tháng qua và đã có ba lần thử cung thất bại khi chưa vượt được nền tích lũy này.
Hiện tại, VPBS cho rằng FCN đã có nhịp tăng mạnh 4 phiên liên tiếp với lực cầu gia tăng mạnh, có khả năng vượt nền giá cũ và vận động trong xu hướng tăng mới hướng đến vùng cản trung hạn ở mức 19.000 đồng/cp.
VPBS đưa ra khuyến nghị mua quanh vùng giá 16.000 đồng/cp cho mục tiêu ngắn hạn ở khoảng 19.000 đồng/cp và phòng ngừa rủi ro bằng cách dừng lỗ nhanh nếu mất vùng 15.000 đồng/cp.
Với cổ phiếu CTD, sau khoảng thời gian dài giảm sâu về cùng đáy của hai năm trở lại đây và giao dịch quanh ngưỡng 150.000 đồng/cp đã có nhịp tăng trưởng lên mức 157.000 đồng/cp. So với mức giá 222.000 đồng/cp hồi đầu năm, CTD vẫn mất hơn 29% giá trị (theo giá đã điều chỉnh).
Tuy nhiên, theo VPBS, cổ phiếu CTD đã hình thành đáy quan trọng và duy trì tốt trạng thái hồi phục với lực mua mới liên tiếp giá tăng, có khả năng sẽ tiếp tục tăng lên vùng đỉnh ngắn hạn đạt 170.000 đồng/cp
Do đó, VPBS cũng đưa ra khuyến nghị mua đối với CTD quanh vùng giá 150.000 – 155.000 đồng/ cp cho mục tiêu ngắn hạn nói trên.
Mới đây, Coteccons dự kiến mua 3,8 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ, giá mua vào được xác định trong khoảng 140.000 – 180.000 đồng/cp.
VPBS dự báo doanh thu thuần năm 2018 của Coteccons đạt 29.037 tỷ đồng, tăng 7% so với năm trước và lãi ròng của cổ đông công ty mẹ đạt 1.573 tỷ đồng, giảm 5% so với năm trước. Doanh thu từ mảng xây lắp năm 2018 ước tính đạt 28.991 tỷ đồng, tăng 7,1% so với năm trước dựa trên giá trị hợp đồng đã ký nhưng chưa thực hiện cho năm là 22.802 tỷ đồng và giá trị hợp đồng ký mới ước tính là 24.670 tỷ đồng.
Trong thời gian qua, cổ phiếu HBC của Hòa Bình liên tiếp giảm từ mức giá 24.000 đồng/cp về vùng giá 18.000 đồng/ cp như hiện tại, tương đương đã giảm 25%. Nếu so với đầu năm, HBC đã giảm khoảng 40% từ vùng giá 3x.
Có ý kiến cho rằng mức giá quanh 18.000 đồng/cp của HBC như hiện tại là chưa phản ánh đúng điều kiện kinh doanh của Hòa Bình và kết quả kinh doanh cũng như triển vọng nửa cuối năm 2018 của ngành xây dựng.
Trước đó, CTCK KB Việt Nam đã từng đưa ra mức giá mục tiêu là 21.900 đồng/cp tương ứng với mức PE mục tiêu là 6,0x cho HBC, trong khi mức P/E hiện tại của HBC đang ở mức khá thấp 4,72 lần.
Đà giảm của các cổ phiếu thuộc nhóm ngành xây dựng trong thời gian qua không chỉ đến từ câu chuyện riêng của ngành, của mỗi doanh nghiệp, mà còn đến từ tình hình chung của thị trường có nhiều biến động.
Theo một chuyên gia chứng khoán, thông thường, quý IV mới là mùa cao điểm mà các doanh nghiệp xây dựng ghi nhận doanh thu.
Hơn nữa, với sự ấm lên của thị trường bất động sản cũng như nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng, nhà đầu tư hoàn toàn có thể đặt niềm tin vào sự bứt phá của cổ phiếu ngành này.
Linh Đan