Các doanh nghiệp xây dựng, xây lắp đều ghi nhận những hợp đồng thầu ngàn tỷ trong bối cảnh ngành này duy trì đà tăng trưởng với nhiều dự án được giải ngân.
Ngành xây dựng là nhân tố ít ngờ đến đóng góp cho sự cải thiện của GDP cả nước với mức tăng 9,2% trong quý III, cao nhất từ đầu năm. Theo một báo cáo của Bộ phận phân tích CTCP Chứng khoán Sài Gòn (HOSE: SSI) - SSI Research, mức tăng này có thể xuất phát từ sự chuyển biến trong giải ngân vốn đầu tư toàn xã hội, đặc biệt là giải ngân đầu tư công.
Riêng quý III, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 507.000 tỷ, tăng 12,5% so với cùng kỳ, cao nhất 1 năm qua, trong đó vốn ngân sách Nhà nước đạt mức tăng gần 15%, gấp đôi tốc độ tăng trưởng của 2 quý trước đó. Vốn đầu tư tư nhân, nguồn vốn chiếm tỷ trọng lớn nhất (42,5%), cải thiện nhẹ và vươn lên mức cao nhất nhiều năm, tăng gần 19%.
Những con số này bám sát với những dự báo đầu năm của các CTCK và chuyên gia về sự tăng trưởng của lĩnh vực xây dựng trong năm 2018 nhờ đầu tư cơ sở hạ tầng được chú trọng và thị trường bất động sản “ấm” hơn.
Theo báo cáo của VPBS, The FitchGroup Company từng đưa ra quan điểm tích cực cho ngành xây dựng và hạ tầng Việt Nam với kỳ vọng tăng trưởng trung bình hằng năm đạt 7,2% trong giai đoạn 2017-2026. Theo The FitchGroup Company, tăng trưởng dân số tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM ở mức cao sẽ thúc đẩy nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng như giao thông, năng lượng, tiện ích và các công trình dân dụng. Trong khi đó, Chính phủ đang nỗ lực thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước để bổ sung vốn phục vụ cho các công trình cơ sở hạ tầng cấp thiết.
Bên cạnh đó, trong 10 tháng đầu năm, hơn 5,7 tỷ USD vốn FDI đã chảy vào thị trường bất động sản. Hiện có 45 dự án PPP đã được lên kế hoạch triển khai với tổng mức đầu tư lên đến 127 tỷ USD, hầu hết là các dự án giao thông và năng lượng.
Tại TP HCM, nhiều công trình hạ tầng trọng điểm được triển khai giải quyết ùn tắc giao thông như: dự án đường song hành cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, đường Vành đai 2; dự án cầu đường Bình Tiên, khép kín đường Vành đai 2, đoạn từ An Lạc đến Nguyễn Văn Linh, nâng cấp mở rộng đường Nguyễn Hữu Thọ, 4 cầu thép trên đường Lê Văn Lương, tuyến trục Bắc – Nam...
Một số dự án lớn tại các tỉnh khác cũng được lên kế hoạch triển khai: Sân bay Long Thành, đường sắt cao tốc, Metro Hà Nội, Nhà máy nước thải Yên Xá… Hay các dự án của doanh nghiệp tư nhân như Nhà máy Thép Hòa Phát Dung Quất (Quảng Ngãi), Nhà máy sản xuất Ô tô Vinfast (Hải Phòng)…
Những gói thầu ngàn tỷ của doanh nghiệp xây dựng
Trong tháng 10, “ông lớn” CTCP Xây dựng Coteccons (HOSE: CTD) thông báo ký hợp đồng thi công dự án nhà xưởng Timberland Manwah Bình Dương có giá trị 1.500 tỷ đồng và dự án Trụ sở Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel. Trước đó, lũy kế 3 quý, CTD đã ký nhiều hợp đồng với giá trị tương đương 20.000 tỷ đồng. Giá trị hợp đồng đã ký nhưng chưa thực hiện (backlog) tại thời điểm cuối tháng 9 đạt 22.065 tỷ đồng, trong đó các dự án nhà ở dân dụng chiếm 50% giá trị. Con số này chưa bao gồm các dự án Vincity sắp được triển khai trong thời gian tới. Đối với 3 dự án Vincity bao gồm 195 tòa tháp do Tập đoàn Vingroup (HSX: VIC) triển khai trong thời gian tới, CTD kỳ vọng sẽ đảm nhận 30% khối lượng công việc.
Lũy kế 9 tháng, doanh thu của CTD tăng 14% đạt 20.737 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tăng nhẹ lên 1.192 tỷ đồng. EPS 9 tháng ghi nhận 14.469 đồng. Năm 2018, CTD đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 28.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.500 tỷ đồng. Với kết quả 9 tháng, công ty đã thực hiện được 79% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HOSE: HBC) cũng liên tiếp thông báo trúng thầu 3 dự án mới trị giá gần 2.000 tỷ đồng gồm dự án dự án The Peak - Mid Town tại Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, dự án Swan City - East Saigon giai đoạn 1 và một phần dự án Khách sạn cao cấp Four Seasons. Gần đây nhất, Hòa Bình và Công ty Kỹ thuật và Xây dựng HOT đã liên doanh tham gia đấu thầu dự án Đại học Kiến trúc Kuwait giá trị 100 triệu KD (tương đương 330 triệu USD). Sau 9 tháng, HBC đạt doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt 12.768 tỷ và 508 tỷ đồng.
Một đơn vị xây dựng khác, chuyên thi công nền - móng công trình ngầm là CTCP Fecon (HOSE: FCN) cũng vừa thông báo ký thêm hợp đồng trị giá 1.000 tỷ đồng, trong đó có gói thầu tại dự án Tổ hợp hóa dầu Long Sơn và Nhiệt điện Nghi Sơn 2, dự án VinCity Gia Lâm, VinCity Đại Mỗ.
Dự án Tổ hợp hóa dầu Long Sơn có mức đầu tư 5,4 tỷ USD, và là hóa dầu lớn nhất Việt Nam có công suất lên tới 1,6 triệu tấn/năm. Trong khi, dự án Nhiệt điện Nghi Sơn 2 (Thanh Hóa) có công suất 1.200 MW, với tổng mức đầu tư 2.793 tỷ USD sẽ vận hành thương mại vào năm 2022, với sản lượng điện hàng năm là 8,1 tỷ kWh, đóng góp khoảng 3% cho hệ thống điện quốc gia.
Fecon đang ghi nhận doanh thu thuần 9 tháng gần 1.709 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ và lợi nhuận ròng 123,2 tỷ đồng.
Lê Hải