Du lịch miền Trung - Tìm lối thoát cho cơn "bĩ cực"

SGGP | Ngày cập nhật: Thứ Bảy, 07 Tháng Ba 2009 08:41:00

Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã tác động mạnh đến ngành du lịch nước ta, trong đó, du lịch ở các tỉnh khu vực miền Trung đang rơi vào tình thế khó khăn

Suy giảm nghiêm trọng

Với ưu thế có nhiều bãi tắm đẹp, nhiều danh lam thắng cảnh, nên các tỉnh miền Trung thu hút một lượng khách đáng kể trong nước lẫn nước ngoài, mang lại một nguồn thu không nhỏ cho ngân sách địa phương. Nhưng cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu diễn ra trong suốt thời gian qua đã tác động tiêu cực đến ngành du lịch các tỉnh miền Trung.

Lần đầu tiên trong suốt nhiều năm qua, ngành du lịch các tỉnh miền Trung phải đối phó với tình trạng lượng du khách giảm mạnh, gây ảnh hưởng lớn đối với nguồn thu của hầu hết các tỉnh, thành phố.

Với lợi thế về mặt cảng biển, sân bay quốc tế... nên Đà Nẵng luôn là một trong những thành phố dẫn đầu khu vực miền Trung về thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Thế nhưng trong thời gian qua lượng du khách đến Đà Nẵng giảm mạnh.

Ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) TP Đà Nẵng cho biết, dự tính trong năm 2009 lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng giảm 30%, khách nội địa giảm 10 - 20%.

Điều đáng báo động hiện nay là rất nhiều du khách quốc tế đã thông báo hủy phòng đặt trước tại nhiều khách sạn lớn, trong đó riêng du khách châu Âu chiếm tới 30%.

Không chỉ du lịch Đà Nẵng gặp khó khăn, ở hai địa phương lân cận là Quảng Nam và Thừa Thiên – Huế tình hình cũng rất bi đát. Lượng du khách đến với các tỉnh này giảm gần 30% trong những tháng đầu năm 2009.

Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở VH-TT-DL Thừa Thiên-Huế không giấu được sự lo lắng: “Mục tiêu của ngành du lịch Thừa Thiên-Huế trong năm 2009 là phấn đấu thu hút khoảng 2 triệu lượt du khách, nhưng với tình hình này rất khó đạt được”.

Nhiều biện pháp hạn chế suy giảm

Nỗ lực hạn chế và ngăn chặn sự suy giảm đang là vấn đề vô cùng cấp bách đối với ngành du lịch các tỉnh miền Trung hiện nay.

Trong thời gian qua, nhiều cuộc họp, hội nghị, hội thảo đã được tổ chức tại Đà Nẵng, Quảng Nam... nhằm tìm ra các biện pháp hữu hiệu. Trong đó, phần lớn các tỉnh, thành phố đều nhấn mạnh đến công tác quảng bá, tập trung khai thác khách du lịch ở một số thị trường trọng điểm, giàu tiềm năng như: Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Tây Âu, Bắc Mỹ... Đồng thời củng cố, điều chỉnh hệ thống dịch vụ du lịch theo hướng tinh gọn, hiệu quả; nâng cao nghiệp vụ, tác phong phục vụ của đội ngũ nhân viên du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại.

Ngành du lịch TP Đà Nẵng đã đề xuất phương án hỗ trợ kinh phí nhằm giảm 50% giá trong các buổi biểu diễn tuồng phục vụ du khách, giảm giá vé tham quan bảo tàng, danh thắng. UBND TP Đà Nẵng cũng đã cho triển khai xây dựng hai tuyến du lịch sinh thái mới tại bán đảo Sơn Trà; một số điểm vui chơi giải trí được hoạt động sau nửa đêm.

Trong năm 2009, Đà Nẵng sẽ tổ chức lễ hội Quán Thế Âm, cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế, chương trình “Sôi động biển mùa hè” để thu hút nguồn khách nội địa. Đồng thời xây dựng các chương trình tour du lịch liên kết Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam với chủ đề “3 địa phương - 1 điểm đến”, tổ chức quảng bá tại các thị trường trọng điểm như: Nga, Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc…với mục tiêu thu hút một lượng khách đáng kể bù đắp sự suy giảm trong thời gian qua.

TP Hội An-điểm du lịch nổi tiếng của miền Trung cũng đang nỗ lực hạn chế sự suy giảm này với nhiều biện pháp cụ thể.

Ông Trương Văn Bay, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết, Hội An sẽ tiếp tục nỗ lực thu hút du khách bằng việc tặng thực đơn miễn phí cho những du khách lưu trú tại khách sạn, giảm giá đối với tất cả các dịch vụ tham quan, mua bán hàng lưu niệm, ăn uống tại các địa điểm nổi tiếng ở Hội An.

Bên cạnh biện pháp giảm giá, khuyến mãi, hiện nay ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế đang tập trung tổ chức các lễ hội dân gian nhằm thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Với bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa lâu đời, tại Thừa Thiên-Huế hàng năm diễn ra hơn 100 lễ hội dân gian, trong đó có lễ hội Cung đình Huế, lễ tế Nam Giao, lễ tế Đàn Xã Tắc, lễ Truyền Lô, lễ tế Văn Miếu…

Việc tổ chức thành công các lễ hội truyền thống này chắc chắn thu hút một lượng du khách không nhỏ đến với Thừa Thiên-Huế.

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đang tiếp diễn và vẫn chưa có điểm dừng. Ngành du lịch miền Trung chắc chắn sẽ còn đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức.

Tuy nhiên, với nhiều nỗ lực, hy vọng ngành du lịch miền Trung sẽ từng bước tìm được lối thoát khỏi cơn “bĩ cực” này.