"Các chuyến tàu vào Việt Nam trong tháng 3/2009 tăng chóng mặt; từ hai, ba chuyến lên đến mười hai chuyến với tổng số ngày lên bờ là 24 ngày".
Tháng 3 này các hướng dẫn viên du lịch thường xuyên đón khách tàu biển sẽ có một tháng rất “vất vả”. Các chuyến tàu vào Việt Nam trong tháng 3/2009 tăng chóng mặt; từ hai, ba chuyến lên đến mười hai chuyến với tổng số ngày lên bờ là 24 ngày.
Còn hơn thế, Công ty du lịch Tân Hồng, một trong những đơn vị phục vụ khách du lịch tàu biển vào Việt Nam vừa ký kết thêm một số hợp đồng mới, thông báo rằng năm 2009 sẽ không có mùa thấp điểm, thường mọi năm trước vào khoảng tháng 5 đến tháng 9. Quả là một tin tốt lành.
Trong khi số khách du lịch đến nước ta bằng đường hàng không, đường bộ đang giảm vì tác động của suy thoái kinh tế thì thông tin nói trên đã thổi một luồng gió mát cho ngành du lịch Việt Nam. Nhưng, vì sao có sự khác biệt - nếu không nói là trái ngược - giữa hai nguồn khách nước ngoài vào Việt Nam là hàng không và tàu biển? Theo chúng tôi, có ba nguyên nhân: sự khác biệt từ nguồn khách, giá cả và chất lượng dịch vụ.
Du khách đi tour tàu biển, phần lớn là những người lớn tuổi thuộc giới có của cải tích lũy. Một số là những người sống nhàn hạ với mức lương hưu trí khá cao; hoặc là những người được con cái mua vé đi nghỉ mát. Những khách hàng này thường không quan tâm gì đến sự sụp đổ của thị trường bất động sản hay sa sút của thị trường chứng khoán...
Về giá cả, tình hình giá dầu giảm mạnh khiến giá tour tàu biển trở nên "dễ chịu" và thu hút thêm khách hàng. Trong khi các công ty lữ hành đưa khách đến Việt Nam qua đường hàng không vẫn chưa tìm được sự đồng thuận về ưu đãi giá cả từ phía dịch vụ vận chuyển lẫn các khách sạn, resort ở Việt Nam khiến giá tour còn cao ngất ngưởng, du khách càng thêm ngại ngần bởi những thông tin không nhất quán về các chương trình giảm giá trong nội bộ ngành du lịch Việt Nam.
Mỗi chuyến đi du lịch bằng tàu biển khá dài ngày nhưng không làm du khách tốn nhiều sức lực mà thực sự là một thời gian nghỉ ngơi tĩnh dưỡng trên mặt biển bao la, lộng gió. Con tàu chính là khách sạn duy nhất trong suốt hành trình trở nên gần gũi, quen thuộc với mỗi du khách; điều này còn có nghĩa là họ có thể đem theo nhiều vật dụng hàng ngày mà không hề bận tâm vì phải di chuyển nhiều như đi máy bay (gửi, nhận hành lý) cũng như chuyển đổi khách sạn nhiều lần trong một chuyến đi.
Theo hành trình, tàu sẽ ghé vào nhiều điểm du lịch trên đất liền, du khách có thể tự mình lên bờ dạo chơi, mua sắm trong thời gian tàu cập cảng hoặc chọn đăng ký đi tour của các hãng lữ hành địa phương tổ chức (mua vé riêng). Nếu không hứng thú, họ có thể ở lại tàu nghỉ ngơi, giải trí tùy thích.
Khoản chi dịch vụ tour trong ngày cập bến đã được báo trước và do khách quyết định sự lựa chọn; khác hẳn với tour du lịch hàng không, du khách có thể gặp những phiền toái khi có sự thay đổi khách sạn, không đúng theo chương trình báo trước do hãng lữ hành không thỏa thuận được với khách sạn về giá phòng!
Tuy nhiên, việc khách từ chối lên bờ tham quan là điều hãn hữu, ngay cả đối với những người già và cả những người phải di chuyển bằng xe lăn. Đây có thể coi là một thành công đáng ghi nhận của khâu tổ chức đón tiếp, phục vụ du khách tàu biển của các công ty dịch vụ du lịch Việt Nam.
Ngoài những yếu tố nêu trên (ảnh hưởng chung với mọi quốc gia có bờ biển) theo chúng tôi, chất lượng dịch vụ đón khách tàu biển của các doanh nghiệp Việt Nam chính là yếu tố quan trọng tạo nên một năm "không có mùa thấp điểm" trong thời kỳ kinh tế suy thoái này của du lịch tàu biển đến Việt Nam.
Từ hơn chục năm trước, Việt Nam là một trong hai nước đầu tiên ở Đông Nam Á được chọn và hiện vẫn là điểm đến được du khách tàu biển ưa thích. Để tạo nên hình ảnh thân thiện, có sức hút với du khách là một chặng đường dài nỗ lực bền bỉ của đội ngũ những người tổ chức cho đến hướng dẫn viên, lái xe, dịch vụ hậu cần...
Du khách tàu biển là những người sẵn sàng chi nhiều tiền để được phục vụ và những sai sót của người làm dịch vụ sẽ không có cơ hội để "chuộc lỗi" (khách chỉ lên bờ và trở lại tàu trong ngày) mà sẽ phải trả giá đắt về sau. Bởi khi họ về nước, mọi điều hay, chuyện dở sẽ lan ra rất nhanh trong cộng đồng của những người khách lớn tuổi này. Nhưng quan trọng hơn là hãng tổ chức tour sẽ nhận tất cả mọi phản hồi của khách hàng, và hàng năm các hãng tàu du lịch biển nước ngoài căn cứ trên phản hồi của khách trong năm trước để quyết định có duy trì Việt Nam trong hành trình du lịch của hãng hay không.