Trong thời gian qua, đã có không ít chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, cung cấp nước sạch cho nhân dân, nhất là khu vực nông thôn, được ban hành. Nhiều chuyên gia cho rằng, tuy khu vực kinh tế tư nhân đã bắt đầu tham gia song vẫn chưa thực sự mặn mà với lĩnh vực này.
Hiện nay, nhiều chủ trương xã hội hóa đầu tư cũng như chính sách khuyến khích, ưu đãi khu vực tư nhân tham gia đầu tư trong lĩnh vực cấp nước và vệ sinh nông thôn đã được Chính phủ cụ thể hóa trong các chiến lược, định hướng, quy hoạch cũng như chế định trong các văn bản quy phạm pháp luật. Song, cho đến nay, lĩnh vực này chưa thực sự thu hút nhiều doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư. Cụ thể, số lượng các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cung cấp nước sạch còn ít. Cả nước hiện chỉ có 14 dự án đang triển khai theo hình thức đối tác công - tư PPP và 13 dự án đang trong quá trình nghiên cứu, tập trung tại hai đô thị lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Trên thực tế, đã có nhiều mô hình cung cấp nước sạch nông thôn tương đối tốt của các doanh nghiệp tư nhân tại một số địa phương như Đồng Tháp, Tiền Giang, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương... Cả nước hiện có khoảng 500 hệ thống cấp nước nông thôn do tư nhân đầu tư. Các dự án do khu vực tư nhân đầu tư ngày càng tăng về quy mô, số lượng cũng như lượng vốn đầu tư. Tuy nhiên, nhiều mô hình hiện mới chỉ dừng lại ở mức độ sáng kiến và mang tính chất đơn lẻ ở địa phương mà chưa được nhân rộng trên cả nước.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng nhận định, nguyên nhân là do cơ chế, chính sách còn nhiều hạn chế, chồng chéo, mâu thuẫn trong quản lý các lĩnh vực dẫn đến khó triển khai trong thực tiễn. Năng lực quản lý, điều hành của đội ngũ cán bộ ở địa phương chưa bắt kịp xu hướng đổi mới, làm giảm hiệu lực và hiệu quả của các cơ chế, chính sách. Thủ tục hành chính phức tạp, nhiều cấp trung gian, thiếu minh bạch thông tin nên chưa tạo môi trường tham gia hoạt động thuận lợi, thông thoáng cho khu vực tư nhân. Bên cạnh đó, các quy định về hình thức PPP chưa chính thức được luật hóa nên chưa tạo cơ sở pháp lý ổn định cho khu vực tư nhân yên tâm tham gia đầu tư. Ngoài ra, các doanh nghiệp tư nhân hiện vẫn khó tiếp cận các chính sách khuyến khích, ưu đãi của Nhà nước trong lĩnh vực cung cấp nước sạch ở khu vực nông thôn.
Để khu vực tư nhân tham gia nhiều hơn trong cung cấp các dịch vụ xã hội cũng như dịch vụ cung cấp nước sạch cho nông thôn, theo Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á Haruhiko Kuroda, Chính phủ Việt Nam cần có chính sách khuyến khích, ưu đãi nhiều hơn cho các doanh nghiệp tư nhân tham gia lĩnh vực này, như cách tiếp cận hỗ trợ dựa vào kết quả đầu ra. Đồng thời có những chính sách hỗ trợ về giá và các hình thức thanh toán linh hoạt để tiết giảm chi phí cho các hộ gia đình ở khu vực nông thôn khi đấu nối đường ống như trả góp, cho vay tín dụng ưu đãi. Đẩy mạnh đầu tư trong khu vực tư nhân cũng chính là tạo điều kiện bổ sung nguồn lực cho vốn đầu tư công hiện còn hạn chế. Bên cạnh đó, tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân cũng chính là tăng cường hiệu quả, độ tin cậy và khả năng cung ứng bền vững các dịch vụ công, nhất là các dịch vụ cho cộng đồng nông thôn và người nghèo. Bởi các dịch vụ có phát huy được hiệu quả thì doanh nghiệp mới thực sự có động lực để tiếp tục đầu tư.
Nguyễn Giang