Ngành khai khoáng Việt Nam - Giật mình với những con số
Đại đoàn kết | Ngày cập nhật: Thứ Tư, 04 Tháng Mười Hai 2013 10:10:00
Thời gian qua, ngành khai khoáng đã bộc lộ khá nhiều bất cập. Đặc biệt, con số thống kê cho thấy, trong số 957 giấy phép về thăm dò và khai thác khoáng sản được cấp từ năm 2011 đến 2012, có tới trên 50% số giấy phép cấp không đúng quy định.
Gần 500 giấy phép sai quy định
Theo đánh giá của Viện Giám sát nguồn thu Mỹ, chỉ số quản trị tài nguyên khoáng sản Việt Nam hiện chỉ đứng thứ 43 trong tổng số 58 quốc gia được khảo sát. Và có tới phân nửa trong số 957 giấy phép thăm dò khai khoáng được cấp phép trong 10 năm qua là sai quy định. Những con số nói trên khiến dư luận không khỏi giật mình về một thực tế hoạt động của ngành khai khoáng ở nước ta hiện nay.
Tại buổi tọa đàm trực tuyến: "Khai thác tài nguyên khoáng sản: minh bạch và hiệu quả” do Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ tổ chức sáng qua (3-12), cả lãnh đạo Bộ Tài Nguyên và Môi trường và đại diện lãnh đạo Bộ Công thương đều thừa nhận, một trong những lý do khiến ngành khai khoáng phát triển khá lệch lạc, chưa đi đúng hướng, thậm chí còn để lại những hệ lụy cho cuộc sống của người dân khi môi trường bị hủy hoại - một phần chính bởi thiếu tính minh bạch trong quản trị DN.
Thừa nhận rằng, chỉ số quản trị tài nguyên của ta đang ở mức thấp, đúng như những đánh giá nói trên của Viện Giám sát nguồn thu Mỹ, ông Nguyễn Mạnh Quân – Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công thương) phân tích, nguyên nhân chính ở đây là công tác điều tra cơ bản để xác định tiềm năng khai khoáng đang rất yếu. Ông Quân đưa ra lý giải, trong vòng 10 năm qua (từ năm 2002 đến 2012), vốn chi cho công tác điều tra cơ bản chủ yếu lấy từ nguồn ngân sách, trung bình mỗi năm chỉ khoảng 180 tỷ đồng, con số này, theo ông Quân, chỉ đáp ứng được khoảng 40% công tác điều tra cơ bản. "Yếu về điểm này, chắc chắn không thể làm tốt được lĩnh vực khai thác thăm dò, và tất yếu dẫn đến công tác quản trị tài nguyên cũng yếu” – Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng nhận định.
Nhận định về con số trên 50% giấp phép khai khoáng (trong số 957 giấy phép cấp từ 2002 đến 2012) không đúng quy định, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc cho rằng, một phần nguyên nhân là do luật không đầy đủ, bên cạnh đó, chính sự nôn nóng của địa phương trong việc cấp phép cho DN khai khoáng một cách vội vàng cũng dẫn đến hệ quả của gần 500 giấy phép được cấp sai quy định. Nêu lên thực trạng này, vị Thứ trưởng cũng thừa nhận trách nhiệm có một phần là do những hạn chế trong công tác tham mưu và tuyên truyền của Bộ Tài nguyên Môi trường.
Chỉ là giải pháp tình thế
Tại buổi tọa đàm, một vấn đề được đặc biệt quan tâm chính là việc cấp phép một cách ồ ạt cũng như việc cho phép xuất khẩu khoáng sản thô… đang dẫn đến nguy cơ chảy máu tài nguyên khoáng sản. Về việc này, vẫn ông Nguyễn Mạnh Quân cho rằng, Bộ Công thương không cấp phép xuất khẩu khoáng sản thô. "Ví dụ tinh quặng đồng phải có hàm lượng 18% mới được xuất khẩu, cao hơn là không được xuất” – ông Quân cho hay. Việc chấp nhận xuất khẩu khoáng sản thời gian qua chỉ là giải pháp tình thế, giải quyết vấn đề tồn kho cho các DN khai khoáng. Song, vị đại diện lãnh đạo Bộ Công thương cũng nhấn mạnh, các DN chỉ được xuất khẩu hàng tồn kho và trong thời gian tới đây, quy định trong xuất khẩu khoáng sản cũng sẽ chặt chẽ hơn, chỉ có 10 loại khoáng sản được phép xuất khẩu theo đúng quy định của Thông tư 41.
Về lâu dài, để ngành khai khoáng phát triển đúng hướng và việc quản lý sử dụng tài nguyên khoáng sản có hiệu quả, cả lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường và đại diện lãnh đạo Bộ Công thương đều cho rằng, rất cần phải cải thiện, nâng cao năng lực quản trị tài nguyên. Trong đó, ông Nguyễn Mạnh Quân cũng lưu ý rằng, thuế là một trong những công cụ quản trị ảnh hưởng khá lớn đến sự "tồn vong” của DN khai khoáng. Ông Quân đưa ra dẫn chứng, nghịch lý hiện nay là, ngành thuế bị sức ép "tăng thu” nên hầu như chỉ tăng mà không giảm thuế, trong khi nền kinh tế đang ở thời kỳ khó khăn, tăng thuế thì DN khó sống, nên mới dẫn đến thực trạng DN trốn thuế, lách thuế, thậm chí xuất khẩu lậu như đã diễn ra trong thời gian qua. Do vậy, ông Quân cho rằng, công cụ thuế cũng cần phải hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước và DN để DN có thể dễ sống mà Nhà nước cũng không bị mất nguồn thu.
Duy Phương