Được giới đầu tư đặt nhiều kỳ vọng, nhưng kết quả kinh doanh (KQKD) 9 tháng đầu năm của các doanh nghiệp xây dựng lại không như mong đợi. Tuy nhiên, do quý IV là mùa cao điểm mà các doanh nghiệp ghi nhận doanh thu, nên NĐT vẫn đặt niềm tin vào sự bứt phá của các doanh nghiệp xây dựng trong những tháng cuối năm.
Tỷ suất sinh lời giảm mạnh
Xây dựng là một trong những lĩnh vực luôn nhận được nhiều sự quan tâm của NĐT. Các công ty trong lĩnh vực này hoạt động trong 2 mảng chủ đạo là xây dựng và vật liệu xây dựng, gồm những đại diện như CTCP Xây dựng Coteccons (CTD), CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC), CTCP Vicostone (VCS), hay CTCP Nhựa Bình Minh (BMP).
Khởi đầu năm 2018, giới đầu tư hy vọng ngành xây dựng và vật liệu xây dựng có thể tiếp nối sự thành công trong năm 2017, nhưng các số liệu tài chính phát hành gần đây phần nào phản ánh kết quả chưa đáp ứng được kỳ vọng.
Theo thống kê của CTCK Rồng Việt (VDSC), đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 170 doanh nghiệp trong lĩnh vực này công bố KQKD quý III-2018. Đây là giai đoạn mà ngành ghi nhận doanh thu thấp nhất trong khoảng 3 năm trở lại đây.
Cụ thể, lợi nhuận sau thuế của ngành đạt 2.869 tỷ đồng, giảm lần lượt 8% theo quý và 17,5% so với cùng kỳ. Quý III cũng là giai đoạn mà ngành xây dựng và vật liệu ghi nhận sự sụt giảm trong các tỷ suất đo lường khả năng sinh lời. Cụ thể, EPS của ngành đã giảm 8,6% xuống còn 1.535 đồng/CP.
Với kết quả này, ROE và ROA của ngành trong quý III lần lượt là 9,6% và 4%. Đây là mức thấp hơn rất nhiều so với ROE và ROA trung bình của tất cả các ngành. Sự sụt giảm trong ROA cũng khiến ngành xây dựng và vật liệu nằm trong top 3 những ngành có tỷ suất sinh lời trên tài sản sụt giảm mạnh nhất so với năm 2017.
Như vậy, sau giai đoạn tăng trưởng đều đặn từ quý II-2016 đến quý III-2017 và đạt đỉnh vào quý IV-2017, thì KQKD 3 quý đầu năm 2018 cho thấy một bức tranh không mấy sáng sủa của ngành xây dựng. Theo đó, tổng doanh thu lũy kế 9 tháng của ngành đạt 154.000 tỷ đồng (tăng nhẹ 6,7% so với cùng kỳ 2017), trong khi lợi nhuận sau thuế đạt 8.000 tỷ đồng (giảm mạnh 24,1%). Với kết quả này, ngành đã hoàn thành 67,3% doanh thu kế hoạch và 53,7% lợi nhuận sau thuế dự kiến.
Bài toán thị phần
KQKD trên đã phần nào phản ánh thực tế khó khăn mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt và việc tìm lời giải cho bài toán quản lý chi phí nguyên liệu đầu vào, cũng như giải quyết các vấn đề pháp lý liên quan đến cấp phép xây dựng tại các thành phố lớn. Đặc biệt, sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ cùng ngành khiến những công ty lớn dần lấn sân sang các mảng xây dựng khác để giữ vững thị phần và vị thế của mình.
Điều này buộc các doanh nghiệp tìm tới các dự án xây dựng có tỷ suất lợi nhuận thấp hơn để đảm bảo được dòng chảy về doanh thu, đơn cử là phân khúc xây dựng khu công nghiệp. Sự biến động về doanh thu và lợi nhuận sau thuế cũng phần nào xuất phát từ thực tế có nhiều công ty đang được phân loại vào lĩnh vực này, và mỗi công ty hoạt động đa dạng trong nhiều phân khúc xây dựng và kinh doanh nguyên vật liệu.
Có thể lấy dẫn chứng về sự tụt giảm thị phần ngay từ trường hợp của doanh nghiệp đầu ngành là CTD. Thống kê cho thấy, tổng giá trị hợp đồng ký mới trong 9 tháng đầu năm 2018 là 20.000 tỷ đồng (giảm 6,1% so với cùng kỳ 2017).
Sức ép cạnh tranh cộng với chi phí nguyên liệu tăng, khiến cho lợi nhuận gộp 9 tháng đầu năm 2018 của CTD đạt 1.424 tỷ đồng (giảm 2,6%), tương đương với tỷ suất lợi nhuận gộp 6,9% (cùng kỳ năm ngoái là 8%). KQKD không như kỳ vọng chính là nguyên nhân khiến cho giá CP CTD giảm sâu. Tính từ thời điểm đầu năm 2018 đến nay, CTD ghi nhận tỷ lệ giảm lên đến 37%.
Tuy nhiên, những con số này không phải là vấn đề đáng lo ngại, vì phần lớn doanh thu của ngành sẽ được ghi nhận trong quý IV. Bên cạnh đó, kỳ vọng còn đến từ những bước đi chiến lược đa dạng hóa cơ cấu doanh thu mà doanh nghiệp thực hiện nhằm hạn chế rủi ro khi tập trung quá nhiều vào một phân khúc xây dựng.
Chẳng hạn, CTD đang cố gắng đa dạng hóa bằng cách nhận nhiều dự án công nghiệp như: VinFast, nhà máy dệt Gain Lucky. Trong khi đó, HBC tìm kiếm động lực tăng trưởng bằng việc tham gia quản lý các tòa nhà văn phòng, và đặc biệt là kế hoạch lấn sân ra thị trường xây dựng quốc tế tại Romania, Myanmar, Kuwait và Saudi Arabia với tư cách là thầu phụ.
Kim Giang