Nhóm cổ phiếu cảng biển với cổ tức cao và đều đặn, tiềm năng tăng trưởng tích cực có thể xem là nhóm phòng thủ hấp dẫn trong bối cảnh thị trường chứng khoán tiếp tục xu hướng điều chỉnh.
Doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng
Kết thúc 9 tháng đầu năm 2018, CTCP Tập đoàn Container Việt Nam (Viconship, mã VSC) báo cáo kết quả kinh doanh tăng trưởng khả quan so với cùng kỳ 2017. Cụ thể, doanh thu thuần hợp nhất đạt 1.243,9 tỷ đồng, tăng 29,8% so với cùng kỳ 2017, hoàn thành 92% kế hoạch năm.
Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 287,6 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2017, vượt 2,7% kế hoạch cả năm. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 222,8 tỷ đồng.
Riêng trong quý III/2018, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của VSC đã tăng lần lượt 27,3% và 14,7% so với cùng kỳ 2017. Ông Nguyễn Văn Tiến, Tổng giám đốc VSC cho biết, sản lượng hàng hóa thông qua cảng tăng so với cùng kỳ, cùng với CTCP Đầu tư dịch vụ và phát triển Xanh - công ty con của VSC hoạt động ổn định, hiệu quả là những nguyên nhân chính giúp kết quả kinh doanh của Công ty tăng trưởng thuận lợi.
Thành lập năm 1958, VSC hiện là một trong những doanh nghiệp vận hành cảng hàng đầu tại khu vực Hải Phòng. Trước đây, VSC chủ yếu vận hành cảng Xanh tại thượng nguồn sông Cấm.
Tuy nhiên, kể từ khi cảng VIP Green đi vào hoạt động, hoạt động cảng của VSC đã có nhiều thuận lợi hơn bởi VIP Green nằm ở vị trí hạ nguồn sông Cấm và tận dụng được sự dịch chuyển hàng hóa từ các cảng thượng nguồn sang hạ nguồn sau khi cầu Bạch Đằng được hoàn thành.
Kết quả kinh doanh chính là động lực quan trọng hỗ trợ cho thị giá cổ phiếu VSC. Kết thúc phiên giao dịch 9/11, thị giá VSC tăng 30% so với cuối tháng 4/2018, bất chấp thị trường chung điều chỉnh và VN-Index thời gian này giảm đến trên 20%.
Với thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) lũy kế 4 quý gần nhất đạt 5.750 đồng, bội số giá trên thu nhập 4 quý (P/E trailing) của VSC đang ở mức 7 lần. Những năm qua, VSC cũng duy trì mức cổ tức tiền mặt cho cổ đông khá ổn định với khoảng 20% vốn điều lệ/năm.
Doanh thu, lợi nhuận của VSC duy trì đà tăng trưởng cao, được CTCP Chứng khoán MBS đánh giá, là nhờ thị trường cảng biển cả nước nói chung và Hải Phòng tăng trưởng tích cực theo tăng trưởng của kim ngạch xuất nhập khẩu, ngoài ra đối tác chiến lược Evergreen giúp đảm bảo tăng trưởng đơn hàng cho VSC.
MBS cũng nhận định bối cảnh cạnh tranh đã trở nên rõ ràng hơn, cũng như sự tăng trưởng sản lượng hàng hóa qua các cảng của VSC củng cố thêm niềm tin vào lợi thế cạnh tranh của Công ty sẽ tiếp tục được duy trì trong thời gian tới.
Doanh nghiệp cùng ngành với VSC là CTCP Gemadept (GMD) cũng báo lãi tăng trưởng đột biến trong 9 tháng 2018. Cụ thể, dù doanh thu thuần giảm 30% so với cùng kỳ 2017, nhưng do giá vốn giảm mạnh cùng khoản doanh thu tài chính đột biến đạt 1.552 tỷ đồng, chủ yếu từ thoái vốn tại Gemadept Logistics và Gemadept Shipping đã giúp lợi nhuận trước thuế của GMD đạt 1.993,7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế thuộc về công ty mẹ đạt 1.675 tỷ đồng, hoàn thành 83% mục tiêu doanh thu và 94% mục tiêu lợi nhuận đặt ra cả năm.
GMD hiện là đơn vị quản lý và vận hành cảng Nam Đình Vũ, một trong những cảng lớn nhất tại Hải Phòng, với khả năng tiếp nhận các tàu trọng tải lên đến 40.000 tấn. Sau 8 tháng hoạt động, tính đến hết tháng 10/2018, cảng Nam Đình Vũ đã đạt sản lượng gần 150.000 TEU và kỳ vọng công suất 500.000 TEU của giai đoạn 1 sẽ sớm được lấp đầy.
Báo cáo phân tích của CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) nhận định, cùng với cảng Nam Hải - Đình Vũ, Nam Hải và ICD Nam Hải, Nam Đình Vũ đi vào hoạt động đã giúp GMD hoàn thiện được chuỗi logistics tại một trong những trung tâm công nghiệp lớn của Việt Nam. Đây sẽ là động lực tăng trưởng doanh thu chính của GMD trong những năm tới.
Trên thị trường, thị giá cổ phiếu GMD đã tăng 7,8% trong 1 tháng qua, bất chấp nhịp giảm mạnh của thị trường chung, đóng cửa phiên 12/11/2018 ở mức 28.150 đồng/cổ phiếu. Dù vậy, với lợi nhuận đột biến, P/E trailing của cổ phiếu hiện chỉ là 4,4 lần.
CTCP Đầu tư và phát triển cảng Đình Vũ (DVP), lũy kế 9 tháng đầu năm 2018, doanh thu đã đạt 466,9 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 248,3 tỷ đồng, hoàn thành 96% kế hoạch năm; EPS đạt 5.650 đồng. Trong quý IV/2018, DVP đặt kế hoạch doanh thu 145 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 55 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh thuận lợi giúp DVP dự kiến tạm ứng cổ tức tiền mặt 25% cho cổ đông ngay trong tháng 12 tới.
Tại CTCP Vận tải và xếp dỡ Hải An (HAH) trong 9 tháng đầu năm 2018 đã ghi nhận doanh thu và lợi nhuận trước thuế tăng 45% và 9,7% so với cùng kỳ 2017, hoàn thành 68,3% kế hoạch doanh thu và 85,5% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Trên thị trường, thị giá HAH hiện chỉ trên 13.000 đồng/cổ phiếu, với kế hoạch cổ tức tiền mặt từ 15 - 20% trong năm 2018, tỷ suất cổ tức trên thị giá trên dưới 15%.
Báo lãi tăng trưởng cũng là câu chuyện được ghi nhận tại nhiều doanh nghiệp vận hành khai thác cảng trong 9 tháng đầu năm như Cảng Hải Phòng (PHP), Cảng Đà Nẵng (CDN), Cảng Cát Lái (CLL)…
Triển vọng ngành cảng biển vẫn sáng
Thống kê từ Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, trong giai đoạn 2008 - 2017, sản lượng hàng hóa thông qua các cảng Việt Nam đã tăng bình quân 11,7%/năm. Báo cáo phân tích tháng 10/2018 của MBS cho rằng, tốc độ tăng trưởng cao của ngành cảng biển là nhờ kim ngạch xuất nhập khẩu trong giai đoạn này tăng trưởng mạnh bình quân 12,8%/năm.
Trích dẫn dự báo của BMI Research về tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu sẽ đạt mức 12,9%/năm trong giai đoạn 2016 - 2026, MBS cũng đánh giá sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao.
Thực tế 10 tháng đầu năm nay, số liệu từ Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển đạt gần 431 triệu tấn. Trong đó, lượng hàng hóa container đạt hơn 14,8 triệu TEU, tăng lần lượt 19% và 26% so với cùng kỳ năm 2017. Riêng tháng 10/2018, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển đạt hơn 43 triệu tấn, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Để đón đầu cơ hội, nhiều doanh nghiệp cảng biển đang tích cực lên kế hoạch đầu tư mới, mở rộng hoạt động hoặc tìm cách nâng cao hiệu suất vận hành các cảng hiện hữu.
Với việc Cảng Hải An nằm ở vị trí không thuận lợi, hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng đáng kể sau khi cầu Bạch Đằng được đưa vào sử dụng, HAH chào bán 14,3 triệu cổ phiếu, thu về gần 200 tỷ đồng trong tháng 7/2018 nhằm thực hiện “Dự án xây dựng kho bãi container” tại Khu công nghiệp Nam Đình Vũ, Hải Phòng có công suất 300.000 – 500.000 TEU/năm. Dự án khi hoàn thành kỳ vọng đem lại nguồn doanh thu 325 tỷ đồng mỗi năm cho Công ty.
Với GMD, Công ty cũng chuẩn bị phát triển giai đoạn 2 của dự án cảng Nam Đình Vũ tại phía Bắc, còn tại phía Nam, dự án cảng nước sâu Gemalink chuẩn bị tái khởi động. Dự kiến, sau khi hoàn thành toàn bộ dự án cụm cảng Nam Đình Vũ và cảng nước sâu Gemalink vào năm 2022, tổng năng lực khai thác cảng của GMD sẽ đạt 5,2 triệu TEU container và 5 triệu tấn hàng rời.
Bên cạnh tăng trưởng sản lượng hàng hóa, doanh thu của các doanh nghiệp cảng còn đến từ động lực tăng phí. Dự thảo Thông tư về khung giá dịch vụ hoa tiêu, sử dụng cầu bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và lai dắt cảng biển tại Việt Nam đang được Bộ Giao thông Vận tải lấy ý kiến, phương án tăng phí kỳ vọng khi được thông qua sẽ giúp cải thiện hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp cảng biển.
Với chính sách duy trì mức chi trả cổ tức tiền mặt hàng năm ổn định ở mức cao, định giá cổ phiếu theo P/E khá thấp khi so sánh với thị trường chung…, nhóm cổ phiếu ngành cảng được đánh giá hấp dẫn trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang có xu hướng diễn biến bất thường như hiện nay.
Tuy vậy, yếu tố thanh khoản kém với nguyên nhân không nhỏ là các doanh nghiệp cảng có cơ cấu cổ đông cô đặc, với nhiều tổ chức lớn, chính sách hoạt động chịu phụ thuộc nhiều vào quy định của nhà nước, quy định giới hạn sở hữu nước ngoài ở mức tối đa 49%, nhóm cổ phiếu cảng biển cũng được đánh giá phù hợp với những nhà đầu tư dài hạn, mong muốn có thu nhập từ dòng cổ tức đều đặn hàng năm hơn là nhu cầu đầu tư ngắn hạn.
Bên cạnh đó, sự phân hóa về kết quả kinh doanh cũng như triển vọng của các doanh nghiệp trong ngành phụ thuộc vào vị trí địa lý, quy mô hoạt động sẽ là yếu tố nhà đầu tư cần cân nhắc.
Khắc Lâm