Doanh nghiệp da giày Việt hướng đến thị trường Bắc Mỹ vì nhu cầu ở đây đang tăng nhanh...
Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam (Lefaso) nhận định, xuất khẩu da giày của Việt Nam từ đầu năm 2018 đến nay có mức tăng trưởng tốt, với kim ngạch 9 tháng/2018 đạt 11,8 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2017.
Đến thời điểm này, Việt Nam đã vượt Trung Quốc trở thành nhà cung cấp giày dép hàng đầu thế giới. Thị trường xuất khẩu cũng được mở rộng ra trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 72 nước nhập khẩu có giá trị từ 1 triệu USD trở lên. Ngành da giày Việt cũng đang còn nhiều cơ hội, do dự báo kinh tế thế giới từ năm 2018 có xu hướng tích cực, nên nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam là Hoa Kỳ (Mỹ), Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ tăng hơn năm 2017.
Từ 3 năm trở lại đây, Trung Quốc có chủ trương giảm ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực dệt may da giày để tập trung vào ngành công nghệ cao. Mặt khác, nước này đang đối mặt với cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ nên các đơn hàng dệt may da giày đang tiếp tục chuyển dịch sang Việt Nam. Điều này lý giải việc tăng đầu tư của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ngành dệt may, da giày Việt Nam từ năm 2017 đến nay, góp phần tăng mạnh kim ngạch xuất khẩu. Điều này đang mang đến thuận lợi cho doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực này.
Cụ thể, doanh nghiệp có nhiều đơn hàng xuất khẩu hơn, có thể tận dụng cơ hội đẩy mạnh xúc tiến thương mại vào các thị trường vốn nhập khẩu nhiều sản phẩm Trung Quốc như Bắc Mỹ và Canada. Đây là những thị trường tiêu thụ da giày lớn. Trong đó Mỹ là thị trường nhập khẩu nhiều sản phẩm da giày Việt nhất, chiếm khoảng 37% trong tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam hàng năm. Và dự báo năm 2108, kim ngạch xuất khẩu da giày sang Mỹ sẽ đạt 8 tỷ USD.
Bên cạnh đó, theo Lefaso, lâu nay doanh nghiệp sản xuất da giày Việt gần như bỏ ngỏ thị trường tiêu thụ nội địa, bởi không cạnh tranh được với Trung Quốc, Thái Lan ở phân khúc bình dân, giá rẻ. Còn ở phân khúc trung bình khá trở lên lại thua doanh nghiệp FDI. Phần lớn sản phẩm của doanh nghiệp Việt có giá cao hơn hàng cùng loại của Trung Quốc nên khó tiêu thụ. Đây chính là sự khiếm khuyết trong phát triển ở thị trường nội địa có quy mô đến 5 tỷ USD/năm của doanh nghiệp da giày Việt.
Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Lefaso nhận định, đến thời điểm này xuất khẩu của ngành da giày Việt Nam đang tăng trưởng ổn định và sẽ giữ vững đà này trong những năm tiếp theo, do dự báo kinh tế thế giới có xu hướng tích cực, nhu cầu tiêu dùng ở các thị trường lớn đang tăng lên.
Nhưng trước mắt, doanh nghiệp da giày vẫn phải đối mặt với những vấn đề lớn như chi phí nhân công ngày càng cao, năng suất lao động của Việt Nam đang ở mức thấp so với các nước trong khu vực (Bangladesh, Campuchia và Trung Quốc). Đặc biệt, vấn đề hàng Trung Quốc tràn vào Việt Nam đội lốt hàng Việt xuất khẩu đang là mối quan ngại.
Thanh Trà