Công nghiệp điện tử - Lu mờ thương hiệu Việt

Sài Gòn Đầu tư tài chính | Ngày cập nhật: Thứ Hai, 04 Tháng Mười Một 2013 14:45:00

Việc có mặt của những tập đoàn điện tử lớn mang tầm vóc quốc tế tại Việt Nam sẽ thúc đẩy nhanh sự phát triển của ngành công nghiệp điện tử.

Trong chiến lược công nghiệp hóa nước ta, điện tử là một trong 6 ngành mũi nhọn được ưu tiên đầu tư phát triển. So với những ngành khác, điện tử đã đạt được nhiều thành tựu nhất định về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), xuất khẩu, nâng tỷ lệ nội địa hóa. Tuy nhiên, đánh giá trên bình diện tổng thể, ngành điện tử chưa có sự bứt phá mạnh mẽ, các doanh nghiệp vẫn đang loay hoay với gia công, lắp ráp, chưa tạo ra giá trị gia tăng cao.

Sân chơi doanh nghiệp FDI

Kể từ thập niên 90 đến nay, công nghiệp điện tử Việt Nam phát triển qua 2 giai đoạn. Ở giai đoạn đầu, doanh nghiệp chủ yếu lắp ráp sản phẩm điện tử tiêu dùng phục vụ thị trường trong nước. Giai đoạn tiếp theo, ngoài lắp ráp sản phẩm công nghệ thông tin, sản xuất phụ tùng linh kiện điện tử, máy tính phục vụ thị trường trong nước, hoạt động xuất khẩu đã được đẩy mạnh.

Với tốc độ tăng trưởng bình quân 20-25%, ngành điện tử hiện có trên 500 doanh nghiệp, trong đó chiếm 1/3 là doanh nghiệp FDI. Năm 1996, kim ngạch xuất khẩu ngành điện tử chỉ đạt vỏn vẹn 100 triệu USD, nay đã tăng lên đáng kể. Năm 2012, ngành điện tử đã xuất khẩu 20,5 tỷ USD, chiếm 18% kim ngạch xuất khẩu cả nước và lần đầu tiên đưa sản phẩm điện tử (vượt xuất khẩu dầu thô) trở thành ngành hàng xuất khẩu lớn nhất nước.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng năm 2013, kim  ngạch xuất khẩu nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt 15,5 tỷ USD, tăng mạnh 79,8% (tương đương tăng 6,8 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2012. Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 7,7 tỷ USD, tăng mạnh 43,9% (tương đương tăng 2,3 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2012.

Mặt hàng điện tử Việt Nam hiện nay đã xuất khẩu sang 50 nước và vùng lãnh thổ nhưng giá trị gia tăng rất thấp. Cũng như ngành dệt may, công nghiệp điện tử phải nhập khẩu hầu hết linh kiện về lắp ráp, gia công, tỷ lệ nội địa hóa thấp.

Doanh nghiệp trong nước dù chiếm 2/3 về số lượng nhưng số vốn đầu tư chỉ chiếm 10%. Chưa bàn đến những sản phẩm cần công nghệ cao, chuyên sâu, ngay cả sản phẩm như thiết bị máy tính văn phòng, điện tử phục vụ tiêu dùng thông thường, doanh nghiệp trong nước vẫn chưa làm chủ được công nghệ sản xuất. Vai trò chủ đạo xuất khẩu hàng điện tử vẫn là doanh nghiệp FDI, chiếm 90%.

Xác định điện tử là ngành công nghiệp mũi nhọn, Nhà nước đã triển khai nhiều chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, đất, trợ cấp xuất khẩu… nhằm khuyến khích doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia. Nhờ vậy, ngành điện tử Việt Nam đã có sự góp mặt của một số tập đoàn lớn như Sony, Sanyo, JVC, LG, Toshiba, Panasonic… Về doanh nghiệp trong nước, Hanel (Công ty Điện tử Hà Nội), VTB (Viettronics Tân Bình), Belco (Điện tử Biên Hòa) cũng là những thương hiệu có sức ảnh hưởng.

Tuy nhiên, chính sách “trải thảm đỏ” và ưu đãi này đã vô tình khai sinh ra những “đứa con” lười học tập, nghiên cứu, đầu tư chất xám phát triển sản phẩm. Thay vào đó, vì lợi nhuận trước mắt, các doanh nghiệp chỉ dừng ở việc nhập khẩu linh kiện về lắp ráp để bán ra thị trường.

Thời gian này, Viettronics Tân Bình, Viettronics Thủ Đức, Belco từng đem lại niềm tự hào cho người tiêu dùng khi tung ra nhiều sản phẩm “made in Vietnam” như tivi, đầu đĩa, ampli và các mặt hàng điện tử gia dụng khác. Nhưng do phải nhập gần như 100% linh kiện, chỉ cần có sự biến động về giá đầu vào, lợi nhuận của những công ty này dễ dàng chuyển từ dương sang âm. Chưa kể, tính cạnh tranh của hàng nội địa rất thấp và ngày càng lép vế so với hàng ngoại nhập giá rẻ từ Trung Quốc, Đài Loan, Maylaysia, Thái Lan.

Thực tế, với con số trên dưới 500 doanh nghiệp, ngành điện tử tuy to về xác nhưng về chất ít được đầu tư đúng mức, hoạt động tự phát, thiếu chuyên nghiệp, chưa có tính liên kết. Đáng buồn hơn, khi những ưu đãi thu hẹp dần, các tập đoàn nước ngoài chấm dứt liên doanh để ra riêng hoặc chuyển sang đầu tư vào những quốc gia lân cận, đã khiến doanh nghiệp trong nước chới với.

Viettronics Tân Bình là thí dụ điển hình. Sau nhiều năm liên doanh cùng 2 đối tác lớn của Nhật Bản là Sony và JVC, Viettronics Tân Bình kinh doanh khá hiệu quả nhờ thương hiệu cũng như nhập khẩu nguyên liệu từ đối tác.

Song, kể từ cuối năm 2008, Sony và sau đó là JVC chính thức chia tay với Viettronics Tân Bình do mức thuế nhập khẩu linh kiện không còn lợi thế cạnh tranh, doanh nghiệp này đã rơi vào khủng hoảng. Theo các chuyên gia, đến năm 2015, hàng rào thuế quan giữa các nước tham gia khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) được gỡ bỏ, các doanh nghiệp trong nước vốn dĩ thiếu sản phẩm chủ lực sẽ càng lu mờ trước sức ép cạnh tranh khốc liệt từ sản phẩm ngoại nhập.

Định hướng chiến lược?

Thông thường các nước chỉ mất 5-10 năm cho giai đoạn lắp ráp, nhưng tại Việt Nam kéo dài suốt mấy thập niên. Đây là hệ lụy khiến ngành điện tử Việt Nam hiện mất cân đối khá nghiêm trọng giữa sản phẩm điện tử tiêu dùng và sản phẩm điện tử chuyên dụng (80-20). Công nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện và công nghiệp phụ trợ phát triển chậm, tỷ lệ nội địa hóa thấp, khiến giá trị gia tăng của sản phẩm không cao. Tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm đạt 20-30%, chủ yếu là bao bì, các chi tiết nhựa, cơ khí.

Theo Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (Jetro), tỷ lệ thu mua các nguyên liệu đầu vào và phụ tùng cho sản xuất các công ty Nhật Bản tại Việt Nam vẫn còn thấp, chỉ đạt 28%, trong khi tỷ lệ này ở Indonesia là 43%, ở Thái Lan 53% và Trung Quốc 61%. Do đó, để thu hút các doanh nghiệp Nhật Bản, Việt Nam cần phát triển nhanh công nghiệp hỗ trợ, tăng tỷ lệ nội địa hóa hơn nữa.

Đại diện Tập đoàn Intel Vietnam chia sẻ: “Qua làm việc với 18 nhà cung ứng Việt Nam cho thấy các sản phẩm mẫu rất tốt nhưng khi cung cấp số lượng lớn chất lượng không đồng nhất. Sản phẩm cung ứng không chỉ đạt độ an toàn cao mà chất lượng phải đồng nhất, kỹ thuật phải đạt đúng trình độ công nghệ theo yêu cầu nhà cung ứng và có khả năng giao dịch điện tử với Intel”.

Ngành công nghiệp điện tử đòi hỏi tính chuyên môn hóa cao, cùng với sự đầu tư mạnh mẽ về công nghệ, vốn, nguồn lao động chất lượng cao. Những tập đoàn lớn thường chỉ tập trung một số khâu có giá trị gia tăng cao (R&D, tiếp thị, bán hàng...), còn lại là hợp tác với những công ty vệ tinh trên mạng lưới khép kín toàn cầu nhằm tiết giảm chi phí vận chuyển, thị trường, nhân công giá rẻ.

Mạng lưới này cung ứng các dịch vụ sản xuất, linh kiện, phụ tùng, xây dựng và vận hành các dây chuyền lắp ráp, vận chuyển, phân phối sản phẩm. Với sự đầu tư mạnh mẽ của các tập đoàn uy tín trên thế giới như Samsung, Nokia, Intel, Panasonic... đang mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp điện tử trong nước. Đầu tư tại Việt Nam từ năm 1996, Công ty Điện tử Samsung Việt Nam đã xuất khẩu 12,7 tỷ USD trong năm 2012. Mới đây Tập đoàn Samsung quyết định bổ sung 1 tỷ USD cho dự án ở tỉnh Bắc Ninh và đầu tư 2 tỷ USD cho tổ hợp nhà máy mới tại tỉnh Thái Nguyên.

TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhận định: “Sự có mặt của Samsung và các tập đoàn điện tử tương tự sẽ góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy chuyển giao công nghệ, nghiên cứu và phát triển. Dựa vào chiến lược phát triển của Samsung, doanh nghiệp trong nước sẽ có định hướng phát triển các sản phẩm phụ trợ đạt yêu cầu chất lượng, kỹ thuật, cũng như khả năng đáp ứng được các đơn hàng lớn, ổn định”.

Thay vì đầu tư manh mún, dàn trải như hiện nay, ngành điện tử Việt Nam phải xác định tập trung sản xuất, tham gia hệ thống sản xuất của khu vực. Các doanh nghiệp cần có sự liên kết, hợp tác sản xuất, đẩy mạnh việc nghiên cứu, thiết kế, phát triển các sản phẩm mới, sản phẩm công nghệ cao, xây dựng thương hiệu Việt.

 

Giải pháp tài chính Vietnam Reports Vietnam Sector Reports

Thanh Vy