Dấu hiệu tích cực từ một số doanh nghiệp mía đường cho thấy, cổ phiếu ngành này đáng để xem xét đầu tư. Tuy nhiên, ngành mía đường Việt Nam vẫn có nhiều thách thức chờ đón.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi (QNS) cho biết, trong quý III/2018 (quý đầu niên vụ 2018 - 2019), Công ty đạt kết quả kinh doanh khả quan, ghi nhận ở mảng đường.
Theo đó, doanh thu hợp nhất 9 tháng đầu năm 2018 ước đạt 6.181 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 888 tỷ đồng, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi sản lượng tiêu thụ ở mảng nước khoáng, bánh kẹo, bia và sữa giảm thì sản lượng tiêu thụ đường và nha tăng, trong đó sản lượng tiêu thụ đường tăng hơn 44%.
Mặc dù giá đường giảm nhưng nhờ sản lượng đường vụ 2017 - 2018 tăng hơn 60% so với cùng kỳ, cộng với chi phí khấu hao cho nhà máy giảm đã giúp hạ giá thành sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm đường QNS.
Niên vụ 2018 - 2019, với sự đầu tư phát triển hoạt động sản xuất - kinh doanh trong nhiều năm thông qua nâng cao công suất Nhà máy đường An Khê lên 18.000 tấn mía/ngày và đầu tư cơ giới hóa trong khâu trồng, chăm sóc và thu hoạch, cũng như đầu tư cho dự án sản xuất đường tinh luyện, QNS tự tin cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập.
Được biết, Chính phủ đã đồng ý hoãn thời gian áp dụng Hiệp định thương mại hàng hóa các nước ASEAN - ATIGA (thuế quan cho các mặt hàng đường nhập khẩu từ các nước ASEAN sẽ giảm từ mức 5% giảm về 0% kể từ ngày 1/1/2018) với ngành đường đến hết năm 2019.
Các doanh nghiệp trong ngành sẽ có thêm thời gian để cải thiện sức cạnh tranh trước khi hạn ngạnh và thuế quan được dỡ bỏ.
Tuy vậy, một số doanh nghiệp nhìn nhận, ngành đường trong nước vẫn rất khó khăn. Công ty cổ phần Mía đường Sơn La (SLS) cho rằng, Hiệp định ATIGA đối với mặt hàng đường đã được Chính phủ gia hạn thời gian áp dụng, nhưng do ảnh hưởng tâm lý, cộng với tình trạng nhập lậu đường, cũng như đường lỏng (chất tạo ngọt) có thuế suất bằng 0% được nhập khẩu với số lượng lớn từ Trung Quốc, Hàn Quốc đã làm cho giá đường trong nước giảm sâu từ vụ 2017 - 2018 và dự báo tiếp tục giảm trong vụ 2018 - 2019.
Do đó, niên độ 2018 - 2019, Ban lãnh đạo SLS đề ra kế hoạch doanh thu 900 tỷ đồng, tăng 50%, nhưng lợi nhuận sau thuế dự kiến hơn 20 tỷ đồng, tương đương 17% niên độ trước.
Thực tế, nguyên liệu là một trong những điểm “sống còn” của các doanh nghiệp ngành đường. Đối với Công ty cổ phần Đường Kon Tum (KTS), hiện nay là giai đoạn khó khăn khi vùng nguyên liệu tại Kon Tum quá nhỏ và phải cạnh tranh khốc liệt với các loại cây trồng khác.
Mặt khác, các khoản chi phí khấu hao và lãi suất tiền vay của dự án nâng công suất nhà máy đã tác động lớn đến giá thành sản phẩm của Công ty.
Do đó, dù kết quả kinh doanh niên độ 2017 - 2018 tương đối khả quan, nhưng KTS thận trọng với niên độ 2018 - 2019. Cụ thể, Công ty dự kiến doanh thu đạt 763 tỷ đồng, tăng 50%, nhưng lợi nhuận dự kiến 6,64 tỷ đồng, giảm hơn 25% so với niên vụ trước.
Với những doanh nghiệp lớn, ngoài vùng nguyên liệu quy mô sẵn có, việc đầu tư kỹ thuật công nghệ mới là điểm mấu chốt để có thể cạnh tranh về mặt giá thành đối với sản phẩm trong khu vực, đặc biệt từ Thái Lan.
Trong đó, Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (SBT) sau sáp nhập hiện có quy mô tăng gấp đôi, cùng với đó là cơ cấu lại vùng nguyên liệu và áp dụng cơ giới hóa, kỳ vọng sẽ trở thành một trong những doanh nghiệp mía đường hàng đầu trong khu vực.
Nhìn chung, việc doanh nghiệp mía đường đề ra kế hoạch lợi nhuận ở mức thấp cho thấy, các khó khăn, thách thức của ngành chưa giảm.
Theo báo cáo tổng kết của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), niên độ sản xuất 2017-2018, tổng diện tích mía cả nước đạt hơn 241.000 ha, tăng hơn 10% so với niên vụ trước, sản lượng chế biến 15,4 triệu tấn, sản lượng đường 1,47 triệu tấn, năng suất bình quân đạt 63,9 tấn/ha.
Niên độ 2018 - 2019, tổng hợp từ báo cáo sơ bộ của các thành viên VASS, diện tích mía dự kiến 238.067 ha, sản lượng mía 15,3 triệu tấn, sản lượng đường 1,5 triệu tấn, năng suất trung bình 64 tấn/ha.
Tổ chức Mía đường Quốc tế (ISO) cảnh báo, thị trường không nên quá kỳ vọng giá đường sẽ tăng trở lại. Tình trạng dư thừa sản lượng đường có thể kéo dài sang vụ 2018 - 2019 (giai đoạn tháng 10/2018 đến 9/2019).
Đối với mía đường trong nước, không chỉ chịu bất lợi từ yếu tố thời tiết, ngành này còn phải đối mặt với việc tình hình tiêu thụ giảm, tồn kho đường ở mức cao và đường nhập lậu chưa được giải quyết. Do đó, các doanh nghiệp cần nỗ lực giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm mới hy vọng tồn tại được sau năm 2019.
Ngọc Nhi