"Đầu ra" cho VAMC - Vốn ngoại đang chờ

Báo Hải quan | Ngày cập nhật: Thứ Hai, 14 Tháng Mười 2013 08:49:00

Trong lúc việc mua, bán nợ xấu trong nước vẫn còn chưa rõ hiệu quả thì thông tin một số nhà đầu tư nước ngoài "đánh tiếng" mua nợ xấu của một số ngân hàng Việt Nam đang làm thị trường mua, bán nợ có phần “nóng” lên.

Nhà đầu tư nước ngoài nhòm ngó

Một chuyên gia của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia chia sẻ: Nếu một đống tài sản tồn đọng mà không bán được thì đó là thất bại. Khi chúng tôi đi khảo sát việc xử lí nợ xấu ở một số nước, họ cho biết thường tạo điều kiện để nhà đầu tư nước ngoài mua nợ là chủ yếu vì tiềm lực trong nước không thể mua được. Nếu chúng ta không để cho nước ngoài "nhảy" vào mua sẽ xảy ra tình trạng bán tống bán tháo làm sụp đổ thị trường bất động sản. Lúc ấy sẽ rất nguy hiểm. Mặt khác lực cầu trong nước mua lượng tài sản lớn như vậy không nhiều nên phải có lực từ bên ngoài.

Vị này khẳng định: "Hiện nay số lượng tập đoàn, quỹ đầu tư nước ngoài đang xếp hàng vào Việt Nam chờ mua nợ là rất lớn. Chúng tôi sẽ đề xuất với Thủ tướng một loạt các sửa đổi để người nước ngoài có thể trực tiếp tham gia vào thị trường mua bán nợ này và coi đó như một giải pháp quan trọng để mua bán nợ”.

Trong cuộc trao đổi với báo giới sau khi kí hợp đồng mua nợ xấu đầu tiên với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Việt Nam (Agribank) ngày 1-10, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch thường trực Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cho biết: Đúng là đã có nhiều nhà đầu tư tới tìm hiểu mô hình hoạt động VAMC, cách thức xử lí nợ xấu, quan tâm tới các tài sản đảm bảo để thăm dò bỏ vốn đầu tư, hoặc muốn thông qua tổ chức nào đó thâu tóm lại các tài sản đảm bảo mà VAMC đã mua. Chúng tôi đã tiếp xúc, lắng nghe, học hỏi kinh nghiệm của họ nhưng chưa đặt vấn đề kí kết, hợp tác, vay vốn hay mua bán nợ nào cả.

Những mong muốn của nhà đầu tư là có thật song vẫn chỉ nằm ở dạng tiềm năng. Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, chuyên gia tài chính-ngân hàng, TS.Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: Về nguyên tắc nhà đầu tư nước ngoài rất mặn mà vì họ biết nợ xấu Việt Nam cao mà chưa có thị trường, nên họ muốn mở cửa thị trường cho Việt Nam. Đó là trên lí thuyết thôi nhưng thực tế giờ này họ chưa dám "nhảy" vào mua vì khung pháp lí chưa hoàn thiện. Xử lí tài sản bảo đảm nhất là bất động sản gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc về pháp lí, cho nên chưa tạo điều kiện cho nhà đầu tư có thể tham gia thị trường mua bán nợ này.

Chưa thể tham gia

Trong buổi công bố báo cáo triển vọng phát triển châu Á (ADO) 2013 vào ngày 2-10, ông Dominic Mellor, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á đã dành phần lớn thời gian để nói về vấn đề nợ xấu ở Việt Nam, trong đó có việc “hút” vốn ngoại. Ông Dominic Mellor cho rằng: Việc xử lí nợ xấu ở Việt Nam gặp một vấn đề khá lớn trong xác lập được cơ chế định giá nợ xấu. Với tài sản bảo đảm chủ yếu là bất động sản, nhà cửa, đất đai... về nguyên tắc, các ngân hàng tiếp nhận các tài sản này và định giá theo giá trị thị trường. Tuy nhiên, rất khó có thể khẳng định là giá trị của tài sản đang ở mức nào và liệu có còn giữ được như trước hay không. Bởi vì, giữa lúc thị trường nhà đất “đóng băng”, thanh khoản khan hiếm thì khó có thể biết được mức giá đang như thế nào.

“Khi bán nợ xấu sẽ thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng nếu họ không biết rõ giá tài sản được bán so với giá thị trường như thế nào thì sẽ không ai đủ can đảm để mua nợ xấu này” - ông Mellor nói.

Một chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Thế giới cũng đánh giá, khi nguồn lực trong nước còn hạn chế thì việc kêu gọi các công ty nước ngoài mua lại nợ xấu hay đầu tư vốn vào các ngân hàng để bù lỗ và tăng tính thanh khoản cũng là một phương án tốt giúp dọn dẹp nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên theo quy định thì tỉ lệ sở hữu nước ngoài tại các ngân hàng Việt Nam hiện bị giới hạn ở mức 20% và mới được nâng lên là 30% nhưng chỉ trong “trường hợp đặc biệt” với các ngân hàng được đánh giá là yếu. Điều này cùng với nhiều phức tạp về pháp luật của các tài sản bất động sản với tính minh bạch không cao của các ngân hàng khiến cho các đối tác nước ngoài cũng khó có thể dễ dàng mua, bán nợ xấu của các ngân hàng trong nước dù rất “mặn mà” muốn mua.

Giải pháp tài chính Vietnam Reports Vietnam Sector Reports

Lương Bằng