Xuất khẩu gạo - tăng sức ép thực hiện kế hoạch cuối năm

Báo Hải quan | Ngày cập nhật: Thứ Hai, 07 Tháng Mười 2013 07:44:00

Xuất khẩu gạo tháng 9 không đạt kế hoạch đề ra, thấp hơn dự kiến trên 123 ngàn tấn khiến số lượng xuất khẩu trong 9 tháng năm 2013 cũng giảm đáng kể so với cùng kỳ 2012, tăng sức ép thực hiện kế hoạch cuối năm. Hiệp hội lương thực Việt Nam lưu ý các doanh nghiệp về thị trường xuất khẩu gạo.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, thị trường xuất khẩu gạo chính trong 9 tháng 2013: Trung Quốc tăng 10,91%, châu Phi tăng 5,07%, Philippines giảm 63,20%, Cuba tăng 22,73%, Malaysia giảm 34,65%, Hongkong giảm 24,34%.

Việt Nam xuất khẩu chậm và sút giảm, không đạt kế hoạch liên tiếp trong 3 tháng 7, 8, 9-2013 do thiếu nhu cầu từ Philippines, Indonesia và trì hoãn nhập khẩu từ Trung Quốc. Mặc dù xuất khẩu 9 tháng sang Trung Quốc và Philippines tăng so với cùng kỳ 2012, nhưng không bù đắp được xuất khẩu giảm từ Philippines và Indonesia. Trong quí 4, dự kiến thị trường chính của Việt Nam vẫn là Trung Quốc với sự cạnh tranh của Pakistan và Myanmar, và tiếp theo là châu Phi với nhiều nguồn cạnh tranh, nhất là Thái Lan và Ấn Độ, nhưng tiềm năng vẫn là Indonesia và nhập khẩu tư nhân Philippines. Nếu Indonesia và Philippines không trở lại thị trường sớm trong tháng 10, xuất khẩu gạo Việt Nam trong quí 4 sẽ gặp khó khăn và khó hoàn thành kế hoạch.

Năm 2013, USDA dự báo sản lượng và tiêu thụ gạo tương đương khoảng 469 triệu tấn, do mức tăng tiêu thụ cao hơn sản lượng, nhưng thương mại gạo điều chỉnh tăng lên 38,3 triệu tấn, giảm 0,8 triệu tấn so với 2012, tồn kho cuối kỳ tăng 0,4 triệu tấn so với ước tính năm 2012. Các số liệu của FAO đều dự báo cao hơn USDA, nhất là sản lượng cao hơn tiêu thụ 12,4 triệu tấn, trừ thương mại gạo thấp hơn 0,8 triệu tấn.

Tình hình thị trường gạo thế giới tiếp tục chịu áp lực bán hạ giá của Thái Lan và thu hoạch mới bắt đầu từ các nguồn cung cấp chính ở châu Á. Xuất khẩu gạo của Thái Lan đến nay mặc dù vẫn còn ở mức thấp nhưng đang tăng trở lại, cả gạo trắng và gạo đồ, do giá giảm mạnh liên tiếp, thu hẹp khoảng cách với các nguồn cung cấp khác, tạo điều kiện cho Thái Lan cạnh tranh trên thị trường thế giới, đặc biệt là tăng cường bán gạo cũ để giải quyết tồn kho và thu ngân sách cho chương trình cam kết tiếp theo, nên giá chào khác nhau, thậm chí thấp hơn Ấn Độ. Có thể nói hiện nay gạo Thái Lan có khả năng cạnh tranh rất lớn trên hầu hết các thị trường.

Ấn Độ mặc dù bị giảm thị phần gạo đồ do cạnh tranh từ Thái Lan, nhưng vẫn giữ được xuất khẩu gạo trắng ổn định, nhất là gạo tấm chiếm ưu thế tại thị trường Tây Phi. Nhưng Ấn Độ sẽ phải hạ giá bán trong điều kiện cạnh tranh hiện nay, nhất là với Thái Lan, để có thể duy trì tiến độ xuất khẩu, cho dù giá trong nước vẫn ổn định. Sự thành công của Ấn Độ chủ yếu từ khả năng cạnh tranh của gạo tấm và chất lượng gạo trắng được ưa chuộng tại châu Phi.

Pakistan tiếp tục dựa vào thị trường Đông Phi và Afganishtan do thuận lợi về cước vận chuyển và giá thấp hơn Ấn Độ, với giá chào khác biệt tùy theo thời gian giao hàng, giá thấp hơn đối với giao hàng muộn cho gạo thu hoạch mới, nhưng nhu cầu vẫn yếu và xuất khẩu chậm.

Mặc dầu giá gần như đồng loạt giảm từ các nguồn cung cấp trừ Ấn Độ, nhưng tình hình thị trường chung vẫn trì trệ, hầu hết người mua chờ đợi thu hoạch mới từ Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan và Myanmar để xác định giá thị trường.

Ngoài cung cấp mới, nhất là trong tháng 10 và 11, nhu cầu trong quí 4 sẽ định hình thị trường trong ngắn hạn. Miếng bánh xuất khẩu sẽ được chia mỏng cho nhiều nguồn cung cấp, đặc biệt là với sự trở lại và săn đuổi của Thái Lan và người mua có nhiều sự chọn lựa, tạo nên tình hình cạnh tranh khắc nghiệt giữa các nguồn cung cấp.

Trong quí 4, nhu cầu gạo của châu Phi khoảng 3 – 3,5 triệu tấn (trên cơ sở 12 triệu tấn/năm), Indonesia có tiềm năng nhập khẩu từ 500 – 700 ngàn tấn, Philippines giá gạo trong nước sau thời gian tăng mạnh đã bắt đầu giảm lại do xác định đáp ứng nhu cầu và thu hoạch mới sắp đến, nên khả năng nhập khẩu hạn chế, nhưng có thể cho nhập khẩu tư nhân, Trung Quốc sau khi trì hoãn nhập khẩu trong tháng 8 và 9, dự kiến sẽ trở lại thị trường từ tháng 10 và góp phần quan trọng vào nhu cầu quí 4-2013.

Yếu tố quyết định đối với thị trường Trung Quốc vẫn là chênh lệch giá, chính phủ nước này đã công bố tăng giá thu mua lúa tối thiểu cho nông dân lên 2.700 yuan/tấn (usd 435) cho loại hạt dài và 3.000 yuan/tấn cho loại hạt tròn. Khi giá thị trường giảm dưới mức giá tối thiểu trong 3 ngày liên tiếp, chính phủ sẽ mua lúa của nông dân ở mức giá này. Việc tăng giá lúa tối thiểu trong nước có thể tác động đến nhu cầu nhập khẩu của thương nhân Trung Quốc.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam dự kiến xuất khẩu gạo của Việt Nam quí 4-2013 sẽ đạt mức 1,8 triệu tấn. Như vậy, kế hoạch xuất khẩu cả năm đạt 7 triệu tấn (giảm 128 ngàn tấn so với kế hoạch tháng trước, do xuất khẩu tháng 9 giảm)./.

Giải pháp tài chính Vietnam Reports Vietnam Sector Reports

P.Liên