Một lần nữa, các cơ quan chủ quản đã đưa ra một cái mốc quyết định số phận của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT). Đề án tái cấu trúc tập đoàn này sẽ được trình lên Chính phủ trong tháng 9.2013. Theo đó, khả năng cho MobiFone ra riêng được nhắc đến nhiều hơn cả.
Trong bối cảnh hiện tại, động thái này được kỳ vọng sẽ hút thêm vốn ngoại và thúc đẩy sự sôi động trên thị trường chứng khoán. Nó cũng cho thấy nỗ lực tái cấu trúc các tập đoàn nhà nước vốn vẫn ì ạch trong những năm gần đây. Nhưng liệu MobiFone có tạo được cú hích như nhà đầu tư mong đợi?
Trong giai đoạn 2005-2006, thông tin MobiFone sẽ được cổ phần hóa đã làm thị trường xôn xao và khiến nhà đầu tư đặt nhiều hy vọng vào quyết định quan trọng này. Nhưng từ đó đến nay, kế hoạch này cũng chỉ nằm trên giấy. Dù vậy, nhà đầu tư vẫn tiếp tục hy vọng và đã phấn chấn trở lại với thông điệp nói trên của VNPT.
Không kỳ vọng sao được, khi MobiFone và Vinaphone (2 đơn vị thuộc VNPT) cùng với Viettel đã giành hết thị trường cả nước. Trong khi các nhà mạng khác chật vật tìm từng đồng lợi nhuận thì 3 đơn vị này luôn báo lãi hàng chục ngàn tỉ đồng.
Hoạt động hiệu quả là yếu tố tạo nên sức hút với loại cổ phiếu này. Khi cổ phần hóa vào năm 2005, Công ty Cổ phần Thiết bị Bưu điện (Postef), thuộc VNPT, đã thành công ngoài dự kiến. Giá trị thu được sau bán cổ phần gấp 2,5 lần kế hoạch, giá cổ phiếu cũng đạt hơn 160.000 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 50% giá chào bán.
Đối với cổ phiếu MobiFone, nhà đầu tư cũng mong chờ nhận được kết quả tương tự. Nhà đầu tư nhắm vào MobiFone, chứ không phải Vinaphone là có lý do. MobiFone hoạt động hiệu quả hơn và đóng góp nhiều hơn trong cơ cấu kinh doanh của tập đoàn mẹ VNPT. Báo cáo tài chính năm 2012 của VNPT cho thấy MobiFone đóng góp gần 80% lợi nhuận và trên 30% doanh thu toàn tập đoàn. Về mặt nguyên tắc, cái gì tốt thì bán trước để thu được nhiều tiền hơn.
Ngoài ra, MobiFone cũng đã sớm đạt được mô hình hoạt động kinh doanh độc lập trong khi Vinaphone vẫn phụ thuộc khá nhiều vào VNPT, ít nhất là về mặt tài chính. Năng suất lao động của MobiFone luôn cao nhất ngành, tới hơn 5 tỉ đồng doanh thu/người/năm, theo VNPT.
Hồi năm 2006, VNPT cho biết kế hoạch cổ phần hóa cho MobiFone hầu như đã hoàn tất, chỉ còn chờ chỉ đạo là thực hiện ngay. Bởi vậy, đưa MobiFone lên sàn để thu được tiền ngay nghe sẽ hợp lý hơn là chuẩn bị từ đầu cho Vinaphone.
Đến nay, niềm tin nhà đầu tư đã tăng lên nhiều nhờ vào các động thái quyết liệt từ phía VNPT và cơ quan chủ quản là Bộ Thông tin và Truyền thông. Hồi tháng 6.2013, cơ quan chủ quản yêu cầu VNPT đưa ra kế hoạch tái cấu trúc cụ thể và đến tháng 9.2013 thì phải trình lên Chính phủ. Và VNPT đã đúng hẹn. Việc thay Giám đốc Điều hành VNPT hồi tháng 8 cũng cho thấy ý muốn tái cấu trúc tập đoàn nhà nước này là nghiêm túc.
Những tín hiệu tốt này có thể giúp nhà đầu tư vững tin hơn. Không ít nhà đầu tư đã lên sẵn kế hoạch chờ ngày MobiFone được cổ phần hóa. Ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Công ty Chứng khoán Á Âu (AAS), đánh giá khi cổ phần hóa, MobiFone sẽ tạo cú hích lớn trên thị trường chứng khoán phi tập trung. Khi so sánh với giá cổ phần của một số tập đoàn nhà nước khác, ông nhẩm tính, nếu giá của MobiFone vào khoảng 40.000-50.000 đồng/cổ phiếu thì có thể mua để đầu tư dài hạn.
Ông Nguyễn Nam Sơn, Giám đốc Quỹ Đầu tư Vietnam Capital Partners (VCP), cho rằng: “Nếu P/E (giá/lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu) của MobiFone thấp hơn ngành viễn thông một số nước châu Á khác thì đáng để đầu tư”.
Còn Giám đốc Đầu tư của một quỹ đầu tư khác (không muốn nêu tên) thì nói rằng kế hoạch mua cổ phần MobiFone đã được ông chuẩn bị khá lâu. “Ai cũng mong chờ điều này nên việc chúng tôi sẽ tham gia đấu giá mua cổ phần là điều chắc chắn”, ông cho biết. Hiện nay, P/E của thị trường chứng khoán Việt Nam khoảng 12 lần. Vì vậy, ông hy vọng P/E sắp tới của MobiFone sẽ được tính toán thấp hơn con số này.
Cho đến nay, cả hai nhà đầu tư lớn nói trên đều không nắm cổ phần nào của doanh nghiệp thuộc ngành viễn thông Việt Nam. Sắp tới, việc MobiFone tách ra khỏi VNPT để hoạt động độc lập sẽ giúp các doanh nghiệp nhỏ cùng ngành có được cơ hội cạnh tranh công bằng hơn. Dù vậy, nhà đầu tư vẫn không thấy những cổ phiếu này hấp dẫn. Bởi lẽ, theo ông Sơn, VCP, cái cốt yếu là lợi nhuận tốt thì họ lại không có.
Ông Sơn cũng lo ngại một chuyện khác. Nhà đầu tư nước ngoài luôn hướng dòng tiền đến những doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam như Masan, Vinamilk… Tuy nhiên, số này rất ít, thậm chí là thiếu minh bạch với khung pháp lý chưa hoàn thiện và rõ ràng. Đây mới là những cản trở chính khiến nhà đầu tư nước ngoài e dè. Bởi vậy, kỳ vọng hút vốn ngoại của MobiFone lần này phụ thuộc rất nhiều vào việc cải thiện những yếu tố trên.
Nếu muốn mua được cổ phiếu MobiFone, ắt hẳn nhà đầu tư sẽ phải chờ lâu nữa. Theo ông Chung, AAS, khi cổ phần hóa, doanh nghiệp luôn ưu tiên tìm đối tác chiến lược trước. Hồi năm 2006, MobiFone cho hay ngoài kế hoạch cổ phần hóa, họ đã chốt danh sách 6 nhà đầu tư chiến lược. Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có kết quả cụ thể. Đó là lý do ông Chung chuẩn bị tâm lý… tiếp tục chờ đợi.
Nếu có bán cổ phần ra thị trường trước khi tìm đối tác chiến lược thì lượng bán ra có thể sẽ không nhiều. Kịch bản cổ phần hóa nhiều công ty nhà nước trước đây đã chứng minh điều đó. Hồi cuối năm 2007, Vietcombank tiến hành cổ phần hóa. Lượng cổ phiếu bán ra lúc đó chỉ 6,5% cho công chúng, 3,5% cho cán bộ công nhân viên và 5% cho nhà đầu tư chiến lược trong nước. Mục đích tìm đối tác chiến lược nước ngoài khi ấy của Vietcombank đã không thành công nên chưa bán được.
Hay như trường hợp của Tổng Công ty Khí Việt Nam (GAS). Khi cổ phần hóa vào cuối năm 2011, GAS chỉ bán 5% cổ phần ra công chúng. Kết quả là họ chỉ bán được 65% số cổ phần chào bán.
Ngân hàng và năng lượng là các ngành được kiểm soát chặt chẽ. Viễn thông cũng vậy. Do đó, “hy vọng một cú hích từ MobiFone sẽ khó xảy ra trong tương lai gần”, ông Chung nhận xét.
Ngọc Dương