Tái cơ cấu đầu tư công và những vướng mắc từ thể chế, chính sách

Đại biểu nhân dân | Ngày cập nhật: Thứ Năm, 26 Tháng Chín 2013 07:39:00

Một loạt những bất cập trong đầu tư công của nước ta thời gian qua do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó nổi lên là các nguyên nhân như rào cản từ thể chế, chính sách.

Cụ thể, các rào cản sinh ra từ những bất cập trong tư duy, chủ trương, cơ chế quản lý kinh tế, từ hệ thống kinh tế cũng như các văn bản pháp luật liên quan. Theo các chuyên gia, để thực hiện tái đầu tư công, cần nhanh chóng ban hành Luật Đầu tư công nhằm tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong phân cấp đầu tư công, cải cách hệ thống quản lý và tăng cường giám sát các dự án đầu tư.

Nhiều rào cản, bất cập

Thực hiện tái cơ cấu đầu tư, thời gian qua, Nhà nước đã chủ động điều chỉnh chính sách, giảm dần đầu tư so với GDP. Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, tỷ lệ tổng đầu tư trên GDP đã giảm từ mức bình quân 42,5% trong giai đoạn 2005 - 2010 xuống còn 34,6% năm 2011 và 33,5% năm 2012. Trong đó, tỷ trọng đầu tư công trong tổng đầu tư đã giảm từ mức rất cao, từ 41 - 47% trong nửa cuối thấp niên 2000 xuống còn 38 - 39% trong năm 2011 - 2012. Tuy nhiên, theo Ts Nguyễn Xuân Thành (Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright), tỷ trọng nguồn vốn giảm mạnh nhất là vốn đầu tư từ lợi nhuận giữ lại của DNNN, trong khi đó, vốn tín dụng nhà nước vẫn tăng mạnh. Vốn tín dụng Nhà nước năm 2012 đã chiếm tới 1/3 tổng vốn đầu tư công, trong khi tỷ lệ này chỉ là 1/5 vào năm 2005.

Có thể thấy, trong vòng 3 năm qua, huy động đầu tư toàn xã hội so với quy mô nền kinh tế đã được điều chỉnh giảm xuống, một phần nhờ chính sách chủ động thắt chặt đầu tư công. Tuy nhiên, những nỗ lực cải thiện hiệu quả đầu tư công thông qua đổi mới cơ chế để tránh đầu tư dàn trải và lãng phí thông qua đầu tư công trong KCN, khu kinh tế, cảng biển, ngành điện… vẫn chưa có nhiều cải thiện. Nhiều tiêu cực trong đầu tư công vẫn tiếp tục được nhắc tới như nghịch lý giữa tỷ lệ đầu tư càng cao trong khi tốc độ tăng trưởng ngày càng giảm; các hiện tượng đi có, về có và đi không, về không, hiện tượng gửi dự án… Sự kém hiệu quả của đầu tư công, nhiều chuyên gia đã chỉ ra, nằm ở quy hoạch, kế hoạch, quy trình quyết định đầu tư, tức là ở thể chế, bộ máy và do thiếu hệ thống pháp luật đồng bộ.

Theo Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Trần Kim Chung, trong tư duy kinh tế, việc xét duyệt các dự án đầu tư hiện nay còn mang nặng tính chất xin - cho. Nhiều dự án không những không mang lại hiệu quả đầu tư mà còn phá vỡ quy mô hình kinh tế nhưng vẫn được phê duyệt. Tình trạng này bắt nguồn từ tư duy nhiệm kỳ, các địa phương tìm mọi cách xin dự án, mời gọi đầu tư mà không chú ý đến chất lượng và hiệu quả các dự án. Cấu trúc kinh tế Trung ương - kinh tế địa phương tiếp tục được duy trì bấy lâu nay đã phá vỡ cấu trúc trong phát triển ngành và phát triển vùng của nền kinh tế, tạo ra tình trạng mỗi tình, thành phố như một nền kinh tế khép kín.

Cũng theo ông Trần Kim Chung, cơ chế kinh tế cũng như cơ chế quản lý kinh tế trong đầu tư công mà cụ thể là cơ chế phân cấp mạnh cho các địa phương đang góp phần khiến đầu tư công thiếu hiệu quả. Xu hướng phân cấp đầu tư là hợp lý, nhưng cơ chế phân cấp đầu tư thống nhất và không phân biệt giữa các địa phương chưa tạo động lực để các địa phương phát huy thế mạnh kinh tế riêng có của mình. Đồng thời, việc phân cấp các nhóm danh mục dự án có tính chất liên vùng, liên ngành như cảng biển, sân bay cho địa phương đã tạo ra sự lãng phí, thiếu đồng bộ và triệt tiêu yếu tố vùng trong tổng thể nền kinh tế quốc gia. Trong khi, hiện đang tồn tại nhiều quy hoạch đầu tư khác nhau, các quy hoạch liên tục được thay đổi và không đồng bộ, thậm chí, một số quy hoạch không có tính khả thi hoặc bị vi phạm mà không được kịp thời xử lý.

Gỡ các vướng mắc về thể chế, chính sách như thế nào?

Để tái cơ cấu đầu tư công, trước hết, cần sớm hoàn thiện, ban hành Luật Đầu tư công nhằm đồng bộ hóa các quy định pháp luật về đầu tư công, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, lãng phí, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư công theo đúng mục tiêu, định hướng chiến lược, kế hoạch phát triển KT - XH của đất nước. Đặc biệt, việc hoàn thiện các quy định về đầu tư công cần khắc phục những biến tướng trong các hình thức đầu tư BOT, BT thời gian qua, cũng như hoàn thiện các quy định về hợp tác công - tư PPP. Cùng với đó, cần quy định rõ chế tài trong tất cả các khâu của quá trình đầu tư từ chủ trương, quyết định đầu tư, triển khai đầu tư, theo dõi giám sát, đánh giá đầu tư đến công tác duy tu, bảo dưỡng dự án đầu tư.

Mặt khác, theo ông Trần Kim Chung, cần phải tập trung hóa công tác quy hoạch, nâng cao chất lượng của các quy hoạch đầu tư dựa trên chiến lược, quy hoạch phát triển KT -XH quốc gia; xác định cơ cấu đầu tư công theo ngành, theo vùng và theo địa phương thống nhất, hiệu quả; tăng cường kỷ cương trong phân cấp đầu tư công; thực hiện cơ chế mỗi chủ thể chỉ quyết định đầu tư trên cơ sở cân đối và bố trí được nguồn vốn. Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm của người có thẩm quyền ban hành các quyết định đầu tư, đặc biệt, cần điều hành thống nhất nguồn vốn có khả năng làm gia tặng nợ công, đưa vốn trái phiếu Chính phủ và vốn đầu tư nhà nước ngoài ngân sách khác vào cân đối NSNN để phản ánh đầy đủ, chính xác thu chi, đồng thời bảo đảm thực hiện đúng kỷ luật, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản lý chi NSNN, kiểm soát chặt chẽ nợ công và giữ vững an ninh tài chính quốc gia.

Cùng với hoàn thiện hóa chính sách pháp luật về đầu tư công, nâng cao chất lượng, hiệu quả của chiến lược, quy hoạch đầu tư công, cần xiết chặt kỷ cương, kỷ luật trong đầu tư công gắn với nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác giám sát các dự án đầu tư của nhà nước, thông qua hoạt động giám sát của cơ quan dân cử, công tác kiểm toán các dự án đầu tư công cũng như cơ chế giám sát của người dân và các tổ chức xã hội. Quá trình giám sát cũng đồng thời với việc cải thiện tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong việc sử dụng vốn NSNN ở hoạt động đầu tư công. Với những bất cập từ thể chế, chính sách, quá trình tái cơ cấu đầu tư công có thành công hay không phụ thuộc rất lớn vào sự thay đổi tư duy, chủ trương đầu tư, cách thức làm quy hoạch, chiến lược đầu tư cũng như việc hoàn thiện và thực thi các chính sách pháp luật về đầu tư công.
 

Giải pháp tài chính Vietnam Reports Vietnam Sector Reports

Tự Cường