Nhựa Tân Hoá - Chút ánh sáng cuối đường hầm

Đầu tư chứng khoán | Ngày cập nhật: Thứ Tư, 25 Tháng Chín 2013 14:20:00

Từng là cổ phiếu đáng mơ ước với giá trên 40.000 đồng/CP trên sàn HOSE, VKP phải hủy niêm yết bắt buộc do lợi nhuận sau thuế âm trong 3 năm liên tiếp.

ĐHCĐ của CTCP Nhựa Tân Hoá (VKP) đã thông qua phương án phát hành cổ phiếu để tái cơ cấu, thay vì phá sản Công ty, nhưng án phá sản vẫn rất gần với hiện trạng công ty này.

Chuyển nợ thành vốn cổ phần

Gần đây, một số thông tin về tình hình hoạt động của Nhựa Tân Hoá đã được công bố trở lại, sau một thời gian bặt vô âm tín kể từ khi cổ phiếu VKP bị huỷ niêm yết bắt buộc vào ngày 25/6/2012. Theo các thông tin công bố, công ty này tiếp tục vật lộn với mớ bòng bong về tài chính và một loạt vấn đề ngổn ngang khác. Sau hai lần triệu tập ĐHCĐ cho năm tài chính 2012 không thành do không đủ số lượng cổ đông theo quy định, cuối cùng ĐHCĐ VKP cũng đã diễn ra vào ngày 26/7/2013, tỷ lệ cổ đông tham dự là 27,2%. Tại đây, HĐQT VKP đã trình ba phương án: một là phát hành thêm 32 triệu cổ phiếu; hai là bán tài sản để xử lý nợ nếu phương án phát hành thêm không được thông qua, hoặc được thông qua nhưng không thể thực hiện; ba là phá sản Công ty nếu cả hai phương án đầu không được thông qua.

Cuối cùng, chỉ có phương án 1 được chọn. Theo đó, VKP sẽ phát hành 19,6 triệu cổ phiếu cho Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) và phát hành 12,4 triệu cổ phiếu cho một cổ đông cá nhân với giá 2.000 đồng/CP. Sở dĩ có DATC ở đây là do VKP nợ Ngân hàng VietinBank cả gốc và lãi gần 161 tỷ đồng và VietinBank đã bán lại các khoản nợ này cho DATC. Sau khi trả bớt một phần, số dư nợ trên của VKP đến cuối năm 2012 là hơn 146 tỷ đồng. Công ty phát hành cổ phiếu cho DATC là để chuyển một phần nợ thành vốn cổ phần. Nếu thực hiện được phương án 1, DATC sẽ là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ nắm giữ đến 49%, đồng thời cũng là chủ nợ lớn nhất tại VKP.

Do VKP có khoản thặng dư 62,7 tỷ đồng nên nhiều khả năng việc phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá sẽ được UBCK chấp thuận. Tuy nhiên, đợt phát hành này nếu thành công cũng chỉ mang về cho VKP số tiền “thực” là 24,8 tỷ đồng từ việc bán 12,4 triệu cổ phiếu, vì 19,6 triệu cổ phiếu phát hành cho DATC chỉ là hình thức chuyển nợ thành vốn góp. Số tiền này quá nhỏ so với nhu cầu phải giải quyết hàng loạt vấn đề của Công ty.

VKP có lỗ luỹ kế đến 31/12/2012 là xấp xỉ 234 tỷ đồng, tức âm ba lần so với vốn điều lệ. Việc quản lý yếu kém cùng với những biến động thị trường khiến nhiều năm liền giá vốn hàng bán của Công ty luôn cao hơn doanh thu thuần. Năm 2013, chỉ tiêu lợi nhuận của VKP là lỗ 10 tỷ đồng. Trong khi đó, bộ máy nhân sự không ổn định, máy móc thì hư hỏng, cần phải sửa chữa lớn…

“Án” phá sản vẫn lơ lửng

VKP được thành lập từ việc cổ phần hoá Xí nghiệp Nhựa Tân Hoá vào năm 2000 với vốn điều lệ lúc đó chưa đến 4,7 tỷ đồng. Sau nhiều đợt phát hành, đến năm 2006, vốn điều lệ của Công ty tăng lên 30 tỷ đồng. Năm 2007, VKP thực hiện hai đợt phát hành với tổng cộng 5 triệu cổ phiếu, tăng vốn lên 80 tỷ đồng và thu về 55 tỷ đồng thặng dư. Ngày 19/6/2008, cổ phiếu VKP chính thức chào sàn HOSE với giá 44.000 đồng/CP.

“VKP: Ai cũng phải ngước nhìn” là chủ đề mà một số NĐT tạo ra trên một diễn đàn chứng khoán để thông tin và bình luận về cổ phiếu VKP khi công ty này nộp hồ sơ niêm yết vào năm 2007. Không ít NĐT vui mừng trước thông tin VKP lên sàn, nhưng sau đó chứng kiến những chuỗi ngày lao dốc của giá cổ phiếu. Nguyên nhân chính được cho là nhân sự tại VKP bất ổn, công tác điều hành yếu kém.

Phần trình bày của HĐQT VKP tại ĐHCĐ 2013 có nhắc lại rằng, cuối năm 2008 và năm 2009 đã phát hiện sai phạm của nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc là bà Nguyễn Thị Minh Châu khi tự ý cho bán nhựa của Công ty để giải quyết việc chi hoa hồng cho khách hàng mà không thông qua HĐQT.

Năm 2009, NKP thực hiện dự án di dời tập trung phát triển sản xuất về Khu công nghiệp Tân Đức, tỉnh Long An. Giá đấu thầu công trình xây dựng nhà máy tại đây được duyệt là 36,8 tỷ đồng, sau khi xây dựng xong, hồ sơ quyết toán từ nhà thầu thông báo là 60 tỷ đồng, sau đó nhà thầu điều chỉnh thông báo thành 64 tỷ đồng. Cuối năm 2009, phát hiện sự việc thành lập ‘quỹ đen’ tại Công ty từ năm 2005 và các khoản chi không rõ lý do khoảng 5 - 6 tỷ đồng.

Tháng 9/2008, VKP miễn nhiệm chức vụ Giám đốc của bà Châu và bổ nhiệm ông Nguyễn Huy Cao An thay thế. Sau đó, vị trí này được chuyển giao đến 8 lần cho những người khác. Đối với vị trí Kế toán trưởng, trong ba tháng cuối năm 2011, VKP mỗi tháng thay một người. Vị trí Phó giám đốc cũng liên tục thay đổi.

Dù cổ đông VKP không lựa chọn phương án phá sản Công ty, nhưng với thực trạng hiện tại, “án” phá sản vẫn đang lơ lửng, nếu kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu không thành.

Giải pháp tài chính Vietnam Reports Vietnam Sector ReportsPhân tích cổ phiếu VKP

Hà Thái