Khốn đốn với hoàn thuế

Thanh Niên | Ngày cập nhật: Thứ Ba, 24 Tháng Chín 2013 14:15:00

Kiểm tra trước, hoàn thuế sau; các doanh nghiệp xuất khẩu nông, lâm, thủy sản phải chờ cơ quan thuế xác minh đến tận người bán đầu tiên mới được hoàn thuế, khiến nhiều doanh nghiệp khốn đốn.

“Ngâm” hồ sơ hoàn thuế
 
Công ty cổ phần thủy đặc sản (Seaspimex) cho biết, trong lúc đang khó khăn về nguồn vốn hoạt động, khó vay ngân hàng lãi suất thấp nhưng việc xin hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) lại quá chậm khiến doanh nghiệp (DN) bế tắc về nguồn vốn lưu động khi số tiền thuế GTGT đóng trước từ 4-5 tỉ đồng. Ông Đỗ Trọng Vinh - Phó tổng giám đốc Seaspimex kể: "Trước đây cơ quan thuế chỉ kiểm tra hóa đơn, chứng từ của một đơn vị bán hàng trực tiếp cho chúng tôi để thực hiện thủ tục hoàn thuế GTGT.
 
Nhưng từ 1.7.2013, cơ quan thuế sẽ phải xác minh đến tận người bán đầu tiên. Chúng tôi mua của đơn vị A nhưng A lại mua của B, B mua lại của C rồi một chuỗi kéo dài đến D, E,F… Như vậy một bộ hồ sơ hoàn thuế có liên quan đến cả gần 50 khách hàng khác. Chỉ cần có một khách hàng gặp vấn đề gì về hóa đơn, thuế thì 49 người còn lại đều phải chờ đợi mà khả năng này rất dễ xảy ra, nhất là đối với những DN thủy sản thường phải thu mua nguyên liệu từ nhiều vùng, qua nhiều khâu trung gian khác nhau”.
 
Trường hợp hồ sơ xin hoàn thuế của Công ty H. (TP.HCM) cũng không biết đến khi nào mới được giải quyết bởi trong quá trình kiểm tra hồ sơ hoàn thuế, một DN cung cấp hàng hóa cho DN xuất khẩu này còn nợ thuế GTGT.
 
Từ tháng 11.2012, Công ty LP (Q.11, TP.HCM) nộp hồ sơ xin hoàn thuế với số tiền khoảng 2 tỉ đồng. Đến tháng 3.2013, cơ quan thuế có thông báo tạm hoãn giải quyết hồ sơ lần 1 để kiểm tra, xác minh chứng từ. Sau khi xác minh, tháng 7.2013, cơ quan thuế có thông báo tạm hoãn giải quyết hồ sơ lần 2 để chờ xin ý kiến của Tổng cục Thuế về mặt... chính sách. Công ty LP sản xuất ni lông xuất khẩu sang Campuchia từ năm 2005 đến nay chưa hề vi phạm pháp luật về thuế. Từ tháng 12.2012, công ty xuất khẩu tiểu ngạch sang Campuchia và bị xếp vào có rủi ro cao về thuế nên hồ sơ xin hoàn thuế bị giam hơn 10 tháng qua vẫn chưa được giải quyết. Vừa không được hoàn thuế GTGT vừa không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, lại không thể khiếu nại mà cũng không thể khiếu kiện, DN đang bế tắc hoàn toàn.
 
Một DN chuyên xuất khẩu nông sản tại Q.12. (TP.HCM) cũng rầu rĩ khi cho biết, từ cuối năm 2012 đến giữa năm 2012 vẫn chưa được hoàn số tiền thuế hơn 30 tỉ đồng. Trước đây, thời gian chờ được hoàn thuế từ khi nộp hồ sơ đến khi nhận được tiền gần 1 tháng nhưng nay gần 3 tháng cũng chưa xong. Vị này bức xúc: Nếu một công ty nào đó trong khâu trung gian bị phá sản, ngưng hoạt động và chưa nộp thuế thì chúng tôi cũng phải chịu liên quan hay sao? Trong khi đó DN vẫn chịu lãi vay hằng ngày thì ai sẽ là người gánh chịu thiệt hại này?
 
Cũng gặp rắc rối từ khi có quy định mới về việc hoàn thuế, gần 200 DN xuất khẩu của ngành tiêu đã phải kêu cứu khắp nơi. Theo ông Trần Đức Tụng, Chánh văn phòng Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, đa số DN hồ tiêu là DN vừa và nhỏ nên tiếp cận nguồn vốn ngân hàng không dễ. Vì vậy việc chậm được hoàn thuế GTGT khiến họ thiếu vốn trầm trọng, phải ngưng hoạt động hoặc chỉ sản xuất cầm chừng. Cuối tháng 7, Hiệp hội Hồ tiêu đã có văn bản kêu cứu gửi đến Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế để đề nghị tiếp tục được duy trì quy trình “Hoàn trước kiểm sau”.
 
Tuy nhiên công văn trả lời của Bộ Tài chính ngày 5.9 khẳng định, vẫn áp dụng theo đúng quy định của Công văn số 7527. Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, các DN có tên trong danh sách xuất khẩu uy tín của Bộ Công thương sẽ được hoàn trước kiểm tra sau. Như vậy chỉ có khoảng 20 DN trong tổng số gần 200 DN của hiệp hội được hoàn thuế trước. “Giờ thì lại phát sinh chuyện các DN phải đi xin xỏ, trình bày với cơ quan thuế để chứng nhận đủ điều kiện, hồ sơ hoàn thuế rủi ro thấp để thực hiện hoàn thuế trước, kiểm tra sau" - ông Trần Đức Tụng đặt vấn đề.
 
Người này vi phạm, bắt lỗi người kia
 
Ông Nguyễn Thái Sơn - Giám đốc Công ty cổ phần tư vấn thuế Sài Gòn - nhận xét: “Việc tăng cường kiểm tra DN có nguy cơ rủi ro cao là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, cần có biện pháp xử lý thỏa đáng đối với DN làm ăn chân chính, kinh doanh trong lãnh vực có nguy cơ rủi ro về thuế cao. Thật vô lý vì hành vi có tội của người này nhưng bắt người kia chịu trách nhiệm liên đới. Với quá trình quản lý sâu sát và chặt chẽ, các cơ quan quản lý thuế thừa sức phân loại DN kinh doanh chân chính với những DN làm ăn chụp giựt, lợi dụng kẽ hở của pháp luật để thu lợi bất chính.
 
Hơn nữa, DN xuất khẩu khi mua hàng hóa có hóa đơn và đã thanh toán xong giá trị hóa đơn GTGT đương nhiên DN phải được hoàn thuế GTGT đầu vào. Theo quy định pháp luật, việc DN bán hàng đã nộp hay còn nợ thuế GTGT đối với các hóa đơn trên, không ảnh hưởng gì đến hồ sơ hoàn thuế của DN xuất khẩu. Nay chỉ bằng một công văn cảnh báo của Bộ Tài chính, các Cục Thuế đã đình chỉ ngay việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế của mọi DN xuất khẩu chỉ vì các DN cung cấp hàng hóa còn nợ thuế GTGT là không thỏa đáng”.
Giải pháp tài chính Vietnam Reports Vietnam Sector Reports

Thanh Xuân - Mai Phương