Hà Nội tăng giá nước - Tự làm khó mình?

Báo Hải Quan | Ngày cập nhật: Thứ Năm, 19 Tháng Chín 2013 13:42:00

Sau 4 năm mới điều chỉnh giá nước, để tránh gây “sốc”, Hà Nội lại dự tính tăng rải ra trong 3 năm. Cách tính này dường như mới chỉ thấy cái lợi nhỏ mà chưa nghĩ đến những cái hại lớn.

Giá nước là rẻ nhất

Có thể thấy thông tin Hà Nội sẽ tăng giá nước không làm người tiêu dùng lo lắng, phàn nàn gì nhiều. Bởi trong khi giá cả hàng hóa và nhiều loại dịch vụ khác liên tục tăng và khoản chi phí này chiếm một phần không nhỏ trong tổng thu nhập của các hộ gia đình (như tiền điện, điện thoại, ga...) thì chi phí tiền nước lại chiếm một phần rất nhỏ.

Theo số liệu của của Tổng cục Thống kê, năm 2012, thu nhập bình quân đầu người khu vực thành thị là 2.695.000 đồng/tháng; thu nhập bình quân một hộ gia đình 4 khẩu là 10.780.000 đồng/tháng. Tính toán của Sở Tài chính Hà Nội cho thấy mức tiêu thụ nước của 1 hộ gia đình bình quân 16,91 m3/tháng, theo đó tiền nước hàng tháng trung bình của 1 hộ gia đình khoảng 80.000 đồng/tháng, chiếm tỉ trọng 0,94% so với thu nhập bình quân.

Mặt khác, giá nước sạch của Hà Nội được ban hành từ năm 2009, đến nay các chi phí khác (là các yếu tố đầu vào của nước sạch) đều biến động tăng. Đơn cử như lương tối thiểu vùng đã tăng từ 800.000 đồng lên 2.350.000 đồng/tháng; lương tối thiểu chung đã tăng từ 650.000 đồng/tháng lên 1.150.000 đồng/tháng; tiền điện bình quân tăng từ 948,5 đồng/kwh lên 1508,85 đồng/kwh; thuế tài nguyên tăng từ 0.5% lên 3%... Cùng với đó nhiều khoản phí mới được áp dụng như: phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp, chi phí dịch vụ môi trường rừng, chi phí an toàn vệ sinh...

Thống kê của Sở Tài chính Hà Nội cũng cho thấy giá nước sạch của Hà Nội hiện cũng thấp hơn so với các tỉnh xung quanh, hiện giá nước sinh hoạt của Hải Dương mức thấp nhất là 6.200 đồng/m3, cao nhất là 10.200 đồng/m3; tương ứng theo đó Quảng Ninh là 6.200 đồng/m3 và 9.300 đồng/m3; TP HCM là 5.300 m3 và 11.400 đồng/ m3. Trong khi Hà Nội, nếu có tăng ( theo dự kiến) thì giá nước năm 2013 mới chỉ là 4.172 đồng/m3 và 10.619 đồng/m3.

Sao phải kéo dài?

Rõ ràng việc tăng giá nước sạch là thực tế và cần thiết (theo tính toán của Sở tài chính giá thành sản xuất và lưu thông nước sạch năm 2013 là 7.445,35 đồng/m3). Chưa nói đến chuyện vì sao Hà Nội lại “giữ nguyên” giá nước tới 4 năm, mà lần này tuy dự kiến tăng, nhưng liên bộ (Tài chính, Xây dựng, Lao động thương binh và xã hội, Cục Thuế) lại đưa ra phương án tăng giá nước theo lộ trình trong 3 năm chứ không tăng ngay đủ bù đắp chi chí trong năm 2013. Cụ thể, năm 2013, giá nước sẽ chỉ tăng 26,3% so với giá thành. Với mức tăng này giá nước sạch vẫn “lỗ”, chỉ bằng khoảng 85% giá thành. Năm 2014 giá nước sạch tiếp tục tăng thêm 24,8% khi đó mới bằng giá thành (không lỗ), đảm bảo bù đắp chi phí của năm 2014. Đến năm 2015, sau khi tiếp tục tăng 19,34%, giá nước sạch mới có lãi. Phần lãi này là để bù đắp lỗ cho năm 2013.

Lý giải việc phải tăng giá nước theo lộ trình 3 năm, đại diện Sở tài chính cho rằng: phương án này là để đảm bảo giá nước không thay đổi đột ngột, ảnh hưởng đến khả năng chi trả của người dân, tạo sự chủ động cho các DN cấp nước.

Lý giải này chưa được thuyết phục bởi báo cáo của cơ quan này cho rằng chi phí  nước sạch chiếm một tỉ lệ nhỏ trong thu nhập bình quân của các hộ dân. Thậm chí ngay cả các hộ sử dụng nước cho kinh doanh, sản xuất, tỉ lệ tiền nước cũng chiếm không lớn trong doanh thu bình quân. Khảo sát một số khách sạn lớn (đơn vị sử dụng nước sạch nhiều) nhận thấy tỉ lệ tiền nước bình quân chỉ chiếm 0,1145% đến 0,39% so với doanh thu bình quân. Và nếu giá nước có tăng, thì tỉ lệ này cũng chỉ chiếm từ 0,21% đến 0,514%. Đối với các DN thuộc nhóm sản xuất (sử dụng nước trung bình) thì tiền nước chỉ chiếm tỉ trọng 0,02 đến 0,048% so với doanh thu bình quân.

Rõ ràng việc tăng giá nước không tác động gì nhiều đến đời sống của người dân cũng như các DN sản xuất kinh doanh trên địa bàn.

Tiền đâu để đầu tư ?

Trong khi đó, lộ trình tăng giá nước “nhỏ giọt” như thế này lại ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN sản xuất và kinh doanh nước sạch.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Như Hải- TGĐ Công ty Nước sạch Hà Nội cho biết: DN là đơn vị kinh doanh, không phải công ích, không được Nhà nước hỗ trợ ngân sách, cũng như bù giá, công ty phải chịu chi phí đầu vào theo thị trường nhưng nhưng đầu ra sản phẩm thì lại bị “khống chế”. Theo lộ trình điều chỉnh giá này, năm đầu mức giá điều chỉnh thấp hơn giá thành sản xuất nước, chi phí của công ty sẽ bị thiếu khoảng 185,24 tỷ đồng. Và đến năm 2015 mới có khoản trông vào để bù lỗ cho năm 2013 (đấy là trong trường hợp chi phí đầu vào không có gì biến động lớn).

Số tiền “lỗ” này dù có khéo tính toán, cắt giảm chi phí đến mấy cũng khó lòng cân đối được, DN sẽ rất khó khăn.

Quan trọng hơn DN sẽ không có điều kiện mở rộng đầu tư. 4 DN thuộc TCT nước sạch Hà Nội hiện mới chỉ đáp ứng 50% nhu cầu sử dụng nước sạch của Hà Nội sau khi mở rộng. Rất nhiều nơi hiện không có nước sạch để sử dụng dụng.

Để đáp ứng nhu cầu, TCT đang có hàng loạt dự án đầu tư tăng công suất, mở rộng địa bàn được dùng nước sạch trong thành phố. Các dự án này đều phải vay vốn ngân hàng. Nhưng với tình trạng giá nước thấp như hiện nay, TCT đang lỗ, các NH sẽ không dễ dàng phê duyệt cho vay.

Ông Hải cũng cho biết, do giá nước thấp nên việc xã hội hóa lĩnh vực này chưa thực hiện được. Không có DN nào muốn đầu tư vào nước vì đầu tư vốn lớn, mà giá lại thấp như hiện nay.

Bài toán giá nước của Hà Nội rõ ràng cần xem xét lại thay vì kéo dài lộ trình tăng giá trong nhiều năm, việc điều chỉnh tăng đúng, tăng đủ giá nước để DN có điều kiện đầu tư, mở rộng địa bàn được dùng nước sạch rất cần được tính đến.

Giải pháp tài chính Vietnam Reports Vietnam Sector Reports

Nguyễn Hà