Doanh nghiệp điện máy - Phía sau những “cú ngã đau”

Đại đoàn kết | Ngày cập nhật: Thứ Năm, 12 Tháng Chín 2013 14:05:00

Những năm gần đây, dư luận chứng kiến sự nở rộ của các doanh nghiệp (DN) chuyên kinh doanh các sản phẩm điện máy. Nguyễn Kim, Pico hay Trần Anh… đều là những tên tuổi đã trở nên quá thân thuộc với người tiêu dùng.

Tuy nhiên, thị trường này cũng đang chứng kiến những "cú ngã ngựa” của các đại gia, chung quy lại cũng chỉ tại sự yếu kém trong cách quản lý, điều hành.

Sụp đổ hàng loạt
 
Không thể phủ nhận sự ra đời của các DN điện máy đã nhanh chóng đánh bóng thương hiệu của nhiều tên tuổi. Và chỉ trong một thời gian ngắn, hàng loạt các đại gia thi nhau chen chân vào thị trường này đã dẫn đến những hậu quả tất yếu: Phá sản hàng loạt DN. Từ năm 2011 đến nay, người ta chứng kiến những "cái chết” đau đớn của không ít các đại gia trong lĩnh vực này. Trước hết phải nói đến sự sụp đổ của WonderBuy sau khi khai trương được 1 năm đã phải ngậm ngùi rời bỏ thương trường với số lỗ "khủng” lên tới 52 tỷ đồng.
 
Sau WonderBuy là Công ty TNHH Điện máy điện lạnh Hoàng Linh (có trụ sở tại quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh) cũng âm thầm ra đi. Một tên tuổi cũng khá nổi trong "làng” điện máy đó là Best Carings cũng ở TP. Hồ Chí Minh. Được biết, đại gia này cũng đã từng "làm mưa làm gió” trong lĩnh vực này khi tung ra những chiêu khuyến mãi "siêu khủng”. Tuy nhiên, do kinh tế suy thoái, sức mua yếu đi, mặt khác, DN này phải chịu mức chi phí thuê mặt bằng quá mức chịu đựng nên đã phải từ giã thị trường.
 
Mới đây nhất, hồi đầu tháng 9 vừa qua, dư luận tiếp tục chứng kiến một thương hiệu lớn trong "làng” điện máy nói lời từ biệt thương trường, đó là chuỗi siêu thị điện máy HomeOne (thuộc công ty CP dịch vụ bán lẻ Tiên Phong). Chỉ trong vòng 3 tháng trở lại đây, HomeOne đã lần lượt khai tử cả 3 siêu thị của mình tại TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai. Được biết, đây là một hệ thống bán lẻ điện máy khá nổi tại TP. Hồ Chí Minh, với số vốn không nhỏ khoảng 200 tỷ đồng, song cũng không thể trụ nổi trên thương trường.
 
Còn những tên tuổi đã khá lừng danh như Pico, Trần Anh… dù vẫn trụ vững trên thị trường này, song cũng không hẳn được "xuôi chèo mát mái” khi mà thời gian qua, các tên tuổi này đã buộc phải thu hẹp quy mô, không còn quá hoành tráng như trước…
 
Không chỉ tại suy thoái
 
Đi tìm nguyên nhân của những "cú ngã ngựa” đau đớn này, các chuyên gia trong ngành nhận định, chủ yếu do chi phí thuê mặt bằng quá cao, trong khi đó, do suy thoái kinh tế, sức mua ngày càng yếu đi. "Cơn bão” suy thoái này đã khiến các DN ngành này khó có thể "vững tay chèo” để vượt qua sóng gió.
 
Một chuyên gia trong ngành tính toán, chi phí mặt bằng hiện chiếm tới 50% tổng chi phí của các siêu thị. Như vậy, nếu muốn có lãi thì doanh số tính trên m2 diện tích sàn phải đạt mức tối thiểu 100 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, doanh số thu được của các siêu thị thường chỉ đạt 50 - 60 triệu đồng/m2/tháng, thậm chí là 30 triệu đồng/m2. Chỉ nhìn con số này cũng có thể thấy, các DN "dở sống dở chết” như thế nào ở thị trường này. Tuy nhiên, bên cạnh những nguyên nhân khách quan nói trên, còn phải kể đến nguyên nhân chủ quan từ chính bản thân lãnh đạo các DN. Từ tư duy, tầm nhìn đến cách quản lý điều hành đều có vấn đề nên dẫn đến những quyết định không hợp lý. Từ lâu, vấn đề trình độ nguồn nhân lực đã được đặt ra, và để có một nền kinh tế phát triển ổn định, đòi hỏi phải nâng cao trình độ nguồn nhân lực là một yêu cầu tất yếu. Và có lẽ, từ những cú ngã của các đại gia trên thị trường này, vấn đề nâng cao nguồn nhân lực, hay nói cách khác, tái cấu trúc nguồn nhân lực tại các DN lại được đặt ra.
 
Về vấn đề này, theo chuyên gia ngành tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, là một đòi hỏi hết sức bức thiết. Bởi, ở bất cứ lĩnh vực nào cũng vậy, yếu tố con người mới là yếu tố quyết định đến sự thành bại. "Khi tư duy của người đứng đầu vẫn còn manh mún, thường xuyên thay đổi các quyết định, thì tất yếu sẽ dẫn đến sự hoạt động của các DN cũng bất ổn như chính tư duy của người lãnh đạo”, ông Hiếu nhận định. Một lần nữa, yêu cầu nâng cao trình độ nguồn nhân lực hay nói cách khác, vấn đề tái cơ cấu nguồn nhân lực tại các DN lại được đặt ra. 
 
Giải pháp tài chính Vietnam Reports Vietnam Sector Reports

Minh Phương