Lãi suất cơ bản hạ xuống 7%/năm, lãi suất cho vay tối đa chỉ còn 10,5%/năm. Điều này góp phần kích thích sản xuất nhưng nếu kéo dài lãi suất cơ bản hạ và kéo theo lãi suất huy động, cho vay cùng hạ?
Có nên tiếp tục cào bằng?
Theo quyết định điều chỉnh lãi suất cơ bản mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, hàng loạt ngân hàng thương mại đã hạ lãi suất cho vay với mức kỷ lục.
Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) công bố mức lãi suất cho vay 8%/năm, kỳ hạn 3 tháng dành cho các khoản vay có hợp đồng xuất khẩu trực tiếp nếu khách hàng cam kết bán lại ngoại tệ tương ứng cho BIDV, trong khi lãi suất cho vay đồng loạt thời hạn 3 tháng là 9%/năm, trên 3 tháng từ trên 9–10%/năm. Các ngân hàng lớn khác như Vietinbank và Vietcombank cũng thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất cho vay.
Theo trào lưu này, khối ngân hàng thương mại cổ phần cũng thực hiện giảm lãi suất mạnh mẽ. LienVietBank công bố mức 9,5% đối với khách hàng có nguồn tiền gửi thường xuyên tại LienVietBank (khách hàng doanh nghiệp có số dư bình quân trên 10 tỷ VND với thời hạn bình quân từ 1 tháng trở lên trong thời gian qua), khách hàng hoạt động trong các lĩnh vực nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy hải sản...
Đặc biệt, Eximbank đã có sự điều chỉnh khá linh hoạt: nếu khách hàng doanh nghiệp xuất khẩu vay VND và cam kết bán USD theo tỷ giá ngày giải ngân: thời hạn cho vay 180 ngày, lãi suất không đổi trong suốt thời gian vay, Eximbank áp dụng lãi suất 4,5%/năm; tương tự như trên nhưng nếu khách hàng cam kết bán ngoại tệ theo tỷ giá Eximbank công bố tại thời điểm bán ngoại tệ, sẽ được áp dụng lãi suất 0,75%/tháng, tương đương 9%/năm...
Theo đánh giá, những ngày tới, lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại sẽ còn giảm hơn nữa so với mức khống chế 10,5%/năm, đồng thời, lãi suất huy động phải giảm theo. Nhìn chung, khi lãi suất giảm, đương nhiên doanh nghiệp sẽ giảm bớt áp lực chi phí vốn và nhờ đó, sẽ kích thích sản xuất.
Nhưng thực tế lại không đơn giản như vậy. “Khi Quyết định 16/2008/QĐ-NHNN đã hết vai trò lịch sử thì phải thay đổi”, Giám đốc Ban nguồn vốn của một ngân hàng lớn (đề nghị giấu tên) nêu quan điểm.
Nhìn lại sự biến thiên của lãi suất cơ bản trong năm qua, gần như công cụ này đã trở thành chiếc “vòng kim cô”.
Tại thời điểm lạm phát bùng phát, bằng Quyết định 16, lãi suất cơ bản được kết hợp với Điều 476 của Bộ luật Dân sự: “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng”, đã trở thành công cụ hữu hiệu để ổn định thị trường tiền tệ, mặc dù mục tiêu chính của Điều 476, theo Hiệp hội Ngân hàng (VNBA), chỉ nhằm ngăn chặn và là cơ sở để tòa án xử lý tình trạng cho vay nặng lãi trong dân.
“Méo” cả nhiều chiều!
Ông Ngô Tuấn Kiệp, nguyên Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng: “Nếu tiếp tục khống chế trần - sàn lãi suất, không những không mang lại hiệu quả như mong đợi mà còn lợi bất cập hại”.
Bởi lẽ, với cơ chế này đã hạn chế nguyên tắc hoạt động cung cầu vốn thông qua lãi suất.
Thực tế, có những đối tượng chấp nhận rủi ro thấp, có những đối tượng chấp nhận rủi ro cao và do đó, không thể cào bằng sự chấp thuận mức chi trả giá vốn như nhau.
Giả sử, những doanh nghiệp đầu tư mạnh vào công nghệ, doanh nghiệp ngành bảo hiểm, quỹ... thường chấp nhận rủi ro cao và điều này cũng được ngân hàng thương mại chấp nhận, nhưng vì giới hạn tối đa lãi suất cho vay tối đa 10,5%/năm như hiện nay nên cả hai bên đều không gặp được nhau.
Lý do tiếp theo được vị giám đốc ban nguồn vốn nêu trên phân tích thêm: một khi đầu ra bị khống chế, lập tức các ngân hàng sẽ duy trì đầu vào thấp để cân đối chi phí và lợi nhuận.
Điều này dẫn đến những hệ quả tất nhiên: thứ nhất, nguồn tiền gửi dân cư không tiếp tục chảy vào hệ thống ngân hàng mà “lang thang” vào những tài sản khác có giá trị sinh lời cao hơn theo lý thuyết “lượng cầu tài sản”.
Những ngày đầu năm Kỷ Sửu, giá vàng biến thiên khó lường, phải chăng, một phần xuất phát từ đây? Thậm chí, có người còn cảnh báo rằng, năm 2009 sẽ là năm của tỷ giá.
Theo phân tích của cán bộ đầu tư một ngân hàng thương mại cổ phần, trong con mắt của nhà đầu cơ, khi lãi suất một đồng tiền nào đó giảm, đương nhiên, giá trị của chúng bị giảm và họ sẽ chuyển sang đầu cơ đồng tiền khác.
Thứ hai, từ đây sẽ tái diễn dòng chảy “tín dụng đen” như từng xảy ra năm ngoái. Bởi lẽ, khi cung cầu vốn không gặp nhau trong các giao dịch chính thống, chúng sẽ tự tìm đến nhau thông qua thỏa thuận ngầm và làm méo mó sự chu chuyển vốn trong nền kinh tế.
Thứ ba là nảy sinh sự bất hợp lý giữa lãi suất ngân hàng và lãi suất trái phiếu. Xét cho cùng, trái phiếu và huy động vốn ngân hàng mặc dù có nhiều điểm khác nhau nhưng đều giống nhau ở chỗ huy động vốn.
Trong tháng 11/2008 vừa qua, khi lãi suất trái phiếu doanh nghiệp lên tới 16%/năm, khá nhiều ngân hàng huy động được vốn lãi suất thấp đã mua trái phiếu và kiếm được bộn tiền nhờ sự chênh lệch này.
Tất nhiên, hành vi này luật pháp không cấm, nhưng nếu nghĩ sâu xa hơn, một khi doanh nghiệp thiếu vốn do hạn chế tiếp cận vốn từ ngân hàng, sẽ khó lường được hậu quả xảy ra cho cả ngân hàng và doanh nghiệp.
Từ thực tế này, VNBA đã kiến nghị Quốc hội sửa đổi điều 476 Bộ luật Dân sự. VNBA cho rằng, việc khống chế trần lãi suất là biện pháp can thiệp hành chính, không phù hợp với kinh tế thị trường; đánh đồng lãi suất của các loại hình tín dụng, làm cho ngân hàng thương mại khó đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ.
Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước đã có các công cụ khác để kiểm soát bất thường của lãi suất như lãi suất tái chiết khấu, tái cấp vốn, nghiệp vụ thị trường mở nhằm điều hành khối lượng tiền cung ứng.
Do đó, VNBA kiến nghị Quốc hội hai phương án xử lý vấn đề này theo hướng giải thích lại điều 474 và 476, loại bỏ quan hệ tín dụng của các tổ chức tín dụng ra khỏi đối tượng điều chỉnh hoặc chỉnh sửa hai điều luật trên.
Cơ quan điều hành không phải không biết điều này nhưng không hiểu sao, trong Thông tư 01/2009/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện lãi suất thỏa thuận có hiệu lực từ 1/2/2009, văn bản này vẫn chốt lại: thực hiện lãi suất thỏa thuận theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng!
Và một thông tin không thực sự vui khi kết thúc tháng 1/2009, số dư tiền gửi VND giảm 0,47% so với tháng trước. Phải chăng, nguồn tiền gửi này đã bị tổn thương bởi sự cào bằng lãi suất?