Đón nhận thông tin dự thảo thông tư điều chỉnh khung giá dịch vụ cảng biển, các cổ phiếu cảng biển như VSC và GMD đã bứt phá khá mạnh với mức tăng lần lượt 4,6% và 4,1% trong phiên giao dịch 4/10.
Bộ GT-VT đang lấy ý kiến từ các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cảng biển, vận tải biển Việt Nam và nước ngoài, để soạn thảo Dự thảo Thông tư ban hành biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng cầu bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt cảng biển tại Việt Nam để thay thế cho:
- Quyết định 3863/QĐ-BGTVT ngày 1/12/2016 về biểu khung giá dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam.
- Quyết định số 3946/QĐ-BGTVT ngày 9/12/2016 về biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo tại cảng biển Việt Nam.
Dự kiến, thông tư này sẽ được phê duyệt bởi Bộ GT-VT và có hiệu lực từ 1/1/2019. Đáng chú ý, dự thảo trên điều chỉnh giá dịch vụ bốc dỡ container tại các cảng biển thuộc khu vực I, bao gồm các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định. Cụ thể:
Thay đổi khung giá đối với dịch vụ bốc dỡ container nội địa: Khung giá trần và sàn với các loại container phổ biến cỡ 20ft và 40ft đều giảm sâu.
Khung giá dịch vụ bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất sẽ được điều chỉnh theo 2 phương án, trong đó:
Phương án 1: tăng 10% so với khung giá hiện hành đối với các cảng không thuộc khu vực Lạch Huyện. Đối với các cảng tại khu Lạch Huyện, giá dịch vụ giữ nguyên.
Phương án 2: giá dịch vụ được điều chỉnh tăng dần theo từng năm, lộ trình đến 2021.
Ngoài ra, khung giá dịch vụ bốc dỡ container khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải sẽ được điều chỉnh tăng 10%. tăng từ 46 USD/cont 20 ft, 68 USD/cont 40 ft, 75 USD/cont > 40 ft lên lần lượt là 52 USD, 77 USD và 85 USD.
Cơ hội cho các doanh nghiệp cảng hạ nguồn Hải Phòng
Đánh giá về dự thảo thông tư điều chỉnh khung giá dịch vụ cảng biển, CTCK Rồng Việt (VDSC) cho rằng việc điều chỉnh nói trên sẽ đưa giá dịch vụ bốc dỡ container của Việt Nam tiếp cận dần với mức giá chung của khu vực và thế giới. Theo Thứ trưởng Bộ GT-VT, giá dịch vụ này tại Việt Nam đang ở mức thấp so với các nước trong khu vực. Cụ thể, giá bốc dỡ container tại các nước khác như Campuchia hiện tại là 65 USD/cont20 ft, Malaysia là 52 USD/cont20 ft, Hồng Kông lên tới 130 USD/cont20 ft.
Bên cạnh đó, thông tư này sẽ giảm bớt phần nào tình trạng cạnh tranh căng thẳng vốn đã diễn ra trong một khoảng thời gian dài của các cảng hiện nay ở Hải Phòng.
Mặc dù vậy, các cảng thượng nguồn ở sông Cấm có thể sẽ không hưởng lợi nhiều từ thông tư này do sự sụt giảm về cơ cấu container xuất nhập khẩu. Các cảng thượng nguồn gần đây đã phải tích cực tìm kiếm các khách hàng nội địa để bù đắp cho sản lượng container quốc tế bị mất đi. Lý do là các hãng tàu quốc tế có xu hướng di chuyển xuống khu vực cảng hạ nguồn, bến Đình Vũ và Lạch Huyện, do điều kiện độ sâu luồng lạch tốt hơn và tiết kiệm nhiều thời gian hơn khi làm hàng. Điều này đã, đang diễn ra và VDSC cho rằng nó sẽ tiếp tục diễn ra trong tương lai khi mà size tàu ngày càng lớn hơn.
Ở chiều ngược lại, các cảng tại khu Đình Vũ của các doanh nghiệp niêm yết như Cảng Đình Vũ (DVP), Cảng Hải Phòng (PHP), Viconship (VSC), Gemadept (GMD) sẽ được hưởng lợi.
Tuy nhiên, nếu nhìn nhận kĩ hơn về dài hạn, thông tư sẽ giúp nâng cao hơn vị thế cạnh tranh của Lạch Huyện bằng cách thu hẹp khoảng cách giá bốc dỡ giữa Lạch Huyện và các cảng khác. Hiện tại, giá sàn bốc dỡ cho một cont 20ft quốc tế tại Lạch Huyện đang cao hơn 53% so với các cảng khác. Theo lộ trình từ 2019 đến năm 2021, khoảng cách này sẽ giảm từ 39% về 26%.
Hơn nữa, trong dài hạn, khi sản lượng container tại Hải Phòng ngày càng cao thì các hãng tàu cũng sẽ triển khai tàu mẹ tới và cập cảng nước sâu ở Lạch Huyện nhiều hơn. Lý do là vận chuyển bằng tàu mẹ có thể tiết kiệm thời gian để vận chuyển trên các tuyến dài và giảm chi phí vận chuyển cho mỗi container nếu có lượng hàng đủ lớn. Do đó, lợi thế về giá của các cảng biển trong khu vực Đình Vũ sẽ dần bị mất và rủi ro cạnh tranh sẽ tăng cao hơn nhiều.
Đón nhận thông tin dự thảo thông tư điều chỉnh khung giá dịch vụ cảng biển, các cổ phiếu cảng biển như VSC và GMD đã bứt phá khá mạnh với mức tăng lần lượt 4,6% và 4,1% trong phiên giao dịch 4/10.