Nhu cầu bảo vệ kết hợp đầu tư ngày càng cao của người dân thúc đẩy các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ vào cuộc đua quyết liệt hòng chiếm lĩnh thị phần.
Tại báo cáo tình hình kinh tế – xã hội quý III và 9 tháng đầu năm, Bộ KH&ĐT cho biết ước tính doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường 9 tháng tăng 22% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ tăng 27%.
Cuộc cạnh tranh chia lại thị phần trên thị trường bảo hiểm ngày càng gay gắt, vị trí của những doanh nghiệp (DN) dẫn đầu đã có nhiều thay đổi trong hai năm qua.
Nội chiếm thị phần, ngoại bứt phá
Từ “sân chơi” áp đảo của những “ông lớn” nước ngoài, một đại diện của Việt Nam nay đã vươn lên vị trí số 1 về thị phần mảng bảo hiểm nhân thọ.
Hiện nay, top 5 DN doanh thu khai thác mới là Bảo Việt Nhân thọ, Dai-ichi Life, Manulife, Prudential và AIA.
Trong số này, Bảo Việt tiếp tục duy trì vị trí số 1 từ năm 2016 đến nay. Hiện, DN này đang nắm giữ khoảng 27% thị phần. Tính riêng doanh thu khai thác mới trong 6 tháng đầu năm 2018 là 2.420 tỷ đồng và tổng doanh thu 9.920 tỷ đồng.
Theo sau lần lượt là Dai-ichi (15,89%), Manulife (12,8%), Prudential (12,7%), AIA (10,63%), Generali (5,28%).
Theo các chuyên gia ngành bảo hiểm, với mức thu nhập được cải thiện đáng kể trong nhiều năm, cùng với nhu cầu bảo vệ kết hợp đầu tư ngày càng cao của người dân, thị trường bảo hiểm nhân thọ được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao, tạo sức hút khó cưỡng đối với không chỉ DN nội mà cả DN ngoại cũng không bỏ qua cơ hội này.
Chủ tịch hội đồng thành viên kiêm tổng giám đốc một doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài cho biết: “Tốc độ tăng trưởng vượt trội của Bảo Việt đang ngày càng củng cố cho vị trí dẫn đầu của mình. Tuy nhiên, dài hạn hơn trong vài năm tới vẫn chưa thể nói trước được điều gì, cuộc cạnh tranh chia lại thị phần sẽ ngày càng gay gắt, “miếng bánh” thị trường bảo hiểm có thể sẽ còn nhiều xáo trộn, bởi các DN ngoại đang không ngừng củng cố và gia tăng thị phần qua kênh phân phối và kênh ngân hàng”.
Theo đó, xu hướng hiện nay là các công ty bảo hiểm ngoại dường như hướng về các địa phương ngoài đô thị lớn, là những nơi có cơ hội mở rộng thương hiệu tốt hơn, đồng thời thiết lập sẵn cho cuộc đua đường dài (vì nhu cầu tham gia bảo hiểm ở các địa phương vẫn chưa thể bằng các thành phố lớn).
Ngoài việc mở rộng kênh phân phối, hai yếu tố quan trọng còn lại để cạnh tranh chính là nhân sự và sản phẩm. Vì vậy, bên cạnh việc tận dụng các sản phẩm là thế mạnh của mình, mỗi DN cần xây dựng những sản phẩm phù hợp với thị trường khai thác nhằm nâng cao tính cạnh tranh, trong khi các DN bảo hiểm nội chưa làm được.
Hiện nay chỉ có khoảng 8% dân số Việt Nam tham gia bảo hiểm. Vì vậy, thời gian qua, một trong những chiến lược cạnh tranh nhằm gia tăng thị phần được các DN nội và ngoại áp dụng là hợp tác với ngân hàng (Bancassurance).
Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết Bancassurance đang là kênh giao dịch có sức bứt phá “thần tốc”.
Cuộc đua chiếm lĩnh thị phần ngày càng quyết liệt |
Dư địa còn nhiều
Tính đến hết tháng 6/2018, số lượng hợp đồng bảo hiểm được khai thác qua Bacassurance là 856.953 hợp đồng, tăng mạnh 89% so cùng kỳ năm ngoái (451.849 hợp đồng). Riêng số lượng hợp đồng khai thác mới qua kênh Bancasurance tăng trưởng hơn 180% so cùng kỳ năm trước. Doanh thu phí khai thác mới của Bancasurance đang chiếm 17,8% tổng doanh thu khai thác mới toàn thị trường.
Theo nhận định của các chuyên gia, mảng bảo hiểm nhân thọ được đánh giá vẫn còn nhiều dư địa, việc khai thác bảo hiểm qua kênh Bancassurance hiện cũng chỉ đạt 6% tổng doanh thu của ngành, trong khi trên thế giới là 70%. Do đó, sự tham gia hợp tác của các ngân hàng lớn được dự báo sẽ vừa thúc đẩy, đồng thời tác động không nhỏ tới thị phần của thị trường bảo hiểm.
Thực tế thời gian qua, thị trường đã chứng kiến nhiều cuộc liên kết độc quyền giữa các DN bảo hiểm với ngân hàng, bước đầu đã mang lại những lợi nhuận lớn từ việc thu phí dịch vụ cho ngân hàng và giúp DN bảo hiểm mở rộng thị phần.
Chẳng hạn, Prudential hợp tác với VIB, Maritime Bank; Dai-ichi hợp tác với Sacombank, SHB; Manulife hợp tác với Techcombank; AIA với VPBank và DongABank…
Dữ liệu trong báo cáo mới đây của công ty chứng khoán BVSC cho thấy đến cuối tháng 3/2018, Techcombank là ngân hàng có thị phần doanh thu phí bảo hiểm qua kênh Bancassurance tại Việt Nam lớn nhất, chiếm 25%.
Trong khi đó, ngân hàng có thị phần lớn thứ hai là VietinBank chỉ khoảng 6%. Có thị phần gần tương đương với VietinBank là 5 ngân hàng nữa, gồm MB, SCB, BIDV, VIB, Sacombank.
Ngoài ra, nhiều ngân hàng khác đã nâng mục tiêu về tỷ lệ doanh thu từ phí bảo hiểm so với kế hoạch đề ra như trường hợp Manulife và SCB đã đẩy tỷ lệ doanh thu phí bảo hiểm của kênh hợp tác Bancassurance tăng hơn 100% so với kế hoạch đề ra, sau 3 năm hợp tác độc quyền.
Dư địa còn nhiều, “sân chơi” sẽ không còn chỉ thuộc về 5 “ông lớn”, nhiều cái tên mới như Generali, Hanwhalife, Sunlife… cũng đang đặt mục tiêu mở rộng thị phần để chen chân vào top 5 trong vòng vài năm tới.
Các DN này đều đang liên tục phát triển mạng lưới, kênh phân phối, tung ra những sản phẩm mới cũng như thay đổi cách thức tiếp cận người tiêu dùng…
Hoàng Hà