Kinh tế Việt Nam nhạy cảm với tỉ giá

Báo Hải quan | Ngày cập nhật: Thứ Năm, 18 Tháng Bảy 2013 09:49:00

Biến động của tỷ giá thời gian qua đã khiến một bộ phận DN tỏ ra lo ngại và tác động nhất định đến tâm lí của thị trường. Phóng viên Báo Hải quan có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế TS Ngô Trí Long xung quanh vấn đề này.

Sau khi Ngân hàng Nhà nước công bố điều chỉnh tỉ giá thêm 1%, từ mức 20.828 VND/USD lên 21.036 VND/USD (ngày 28-6), thị trường ngoại tệ có nhiều biến động, đặc biệt là trên thị trường phi chính thức. Theo ông, vì sao tỉ giá thời gian qua lại có sự biến động như vậy?

Việc điều chỉnh tỉ giá của Ngân hàng Nhà nước có tác động nhất định đến thị trường ngoại tệ. Về nguyên do, thứ nhất, việc biến động tỉ giá có thể là do Ngân hàng Nhà nước hạn chế bán USD cho các ngân hàng thương mại. Thứ hai, ngân hàng cũng hạn chế cho vay USD, chỉ cho vay đối với những đối tượng có nhu cầu thực sự cấp thiết. Thứ ba, tỉ giá biến động là sự chênh lệch của giá vàng. Giá vàng của Việt Nam hiện nay vẫn cao hơn giá vàng thế giới. Nếu để khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới rộng ra, sẽ dẫn tới buôn lậu. Buôn lậu cần ngoại tệ sẽ tạo ra áp lực tăng tỉ giá.

Tuy nhiên, việc Ngân hàng Nhà nước mới đây đã đứng ra tuyên bố sẽ không điều chỉnh tiếp tỉ giá đã phần nào giúp thị trường ngoại tệ đi vào ổn định.

Sự biến động của tỉ giá tác động như thế nào đến thị trường nói chung, thưa ông?

Với một nền kinh tế hội nhập, tỉ giá là chỉ số vĩ mô rất quan trọng. Sự thay đổi của tỉ giá sẽ có tác động hai chiều đến thị trường. Người ta thường nói điều chỉnh tỉ giá thì có lợi cho XK, còn các DN NK lại gặp bất lợi. Tuy nhiên, vấn đề cần phải đặc biệt chú ý khi điều chỉnh tỉ giá là nhập siêu của chúng ta còn phổ biến. Các DN Việt Nam vẫn phần lớn phải NK nguyên vật liệu từ nước ngoài để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, chưa kể việc NK hàng xa xỉ, hàng tiêu dùng phục vụ một số đối tượng thu nhập cao. Mặt khác, tăng tỉ giá sẽ làm tăng nợ công. Dù vẫn trong phạm vi cho phép nhưng nợ công ở Việt Nam khá lớn và hiệu quả sử dụng còn nhiều điều phải bàn.

Sự điều chỉnh tỉ giá, dù nhỏ, cũng luôn gây ra những xôn xao nhất định đối với các thành phần kinh tế, ông có thấy nền kinh tế Việt Nam khá nhạy cảm với các thông tin về tỉ giá?

Tỉ giá là một trong những nội dung quan trọng của chính sách tiền tệ, tác động lớn đến giá trị của đồng nội tệ và lạm phát. Kinh tế vĩ mô hiện nay của chúng ta tuy đã dần ổn định, lạm phát từng bước được kiềm chế nhưng chưa vững chắc, rủi ro bất ổn vĩ mô vẫn còn nhiều, lạm phát có khả năng quay trở lại. Ngoài ra, việc chênh lệch giá vàng như tôi đã phân tích ở trên, cùng những biến động của hoạt động XNK khiến tỉ giá là một biến số cực kì quan trọng. Một sự thay đổi dù rất nhỏ của tỉ giá cũng gây ra nhiều tác động khác nhau đến thị trường nói chung.

Việc điều chỉnh tỉ giá nên tiến hành như thế nào để không gây các tác động tâm lí xấu đến thị trường và tâm lí người dân, thưa ông?

Điều cần lưu ý, tỉ giá ổn định không có nghĩa là cố định, không cứng nhắc, mà ổn định trong trạng thái động. Việc điều chỉnh tỉ giá cần phải được tiến hành linh hoạt theo tín hiệu thị trường, giống như sản xuất cho ai, sản xuất cái gì, sản xuất như thế nào cũng đều phải phụ thuộc vào thị trường.

Xin cảm ơn ông!

Giải pháp tài chính

Lương Bằng