Hợp tác DN cung cấp dịch vụ internet - Phải hướng đến khách hàng

Hà Nội Mới | Ngày cập nhật: Thứ Ba, 16 Tháng Bảy 2013 09:27:00

Kể từ khi vào Việt Nam, internet đã có sự phát triển vượt bậc trở thành một nhu cầu thiết yếu trong đời sống kinh tế - xã hội.

Có được như vậy, trước hết là sự đóng góp lớn của các doanh nghiệp (DN) trong việc đưa dịch vụ đến với người dân bằng cách không ngừng đầu tư cho mạng lưới và giảm cước… Song cùng với sự phát triển, việc hợp tác giữa các DN đã nảy sinh những bất cập trong việc thanh toán cước, cần đến các quy định cụ thể, nếu không sẽ ảnh hưởng đến khách hàng.
 
Kiểm tra đường truyền tại Công ty Điện toán và Truyền số liệu. Ảnh: Trần Hải
Kiểm tra đường truyền tại Công ty Điện toán và Truyền số liệu. Ảnh: Trần Hải

Trước hết, về vấn đề kết nối internet giữa các DN cung cấp dịch vụ có hạ tầng với nhau (gọi tắt là ISP), giữa các DN phải thanh toán cước kết nối cho nhau cả chiều đi lẫn chiều đến. Việc kết nối, hợp tác giữa DN cung cấp dịch vụ có hạ tầng (internet, di động) với DN cung cấp dịch vụ nội dung (gọi tắt là CP) do thị trường quy định. Việc hợp tác giữa các DN này dựa trên quy định chung của cơ quan quản lý nhà nước, DN tự thỏa thuận, đàm phán. Song việc hợp tác đã nảy sinh trục trặc. Từ cuối năm 2012 cho đến đầu năm 2013 đã xảy ra một loạt tranh chấp giữa các DN như Viettel - CMC, CMC - FPT, VDC - Viettel khiến khách hàng chịu đủ thiệt hại khi không sử dụng được dịch vụ internet 3G hoặc không truy cập vào một số tờ báo điện tử...

Để khắc phục những vướng mắc này, Cục Viễn thông (Bộ TT-TT) đã xây dựng Dự thảo quy định về kết nối. Trong đó, với kết nối chuyển tiếp, cơ quan quản lý nhà nước quy định khung giá cước giữa các đơn vị trên cơ sở báo cáo giá thành mạng và dịch vụ của DN. Đối với kết nối trực tiếp, sẽ quy định giá cước và phương thức thanh toán trong trường hợp kết nối không ngang bằng và các DN không tự thỏa thuận được với nhau. Đại diện nhiều DN ủng hộ và đề nghị sớm ban hành quy định này. Tuy nhiên, từ đây nảy sinh vấn đề thanh toán giữa các DN cung cấp dịch vụ với nhau, giữa DN cung cấp dịch vụ với DN cung cấp nội dung… Một số DN cho rằng, rất khó để DN tự thỏa thuận và sẽ xảy ra xung đột về lợi ích và đề nghị Cục Viễn thông xây dựng quy định khung để làm căn cứ quản lý điều hành; đồng thời đề xuất có cơ chế trọng tải phân xử khi xảy ra tranh chấp, khẳng định vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, giúp các DN phục vụ khách hàng ngày một tốt hơn.
Hợp tác DN cung cấp dịch vụ internet - Phải hướng đến khách hàng

Việt Nga