Người tiêu dùng lúc nào cũng muốn có sản phẩm thực phẩm mới để tiêu dùng hàng ngày. Đây cũng là áp lực lớn đối với các DN bán lẻ trên thị trường Việt Nam hiện nay.
Bà Châu Ngọc Hạnh, Quản lý cao cấp của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam cho biết, đa số các trường hợp giới thiệu sản phẩm mới thành công đều dựa trên nền tảng của việc xây dựng được thương hiệu, kênh phân phối nhất quán hơn so với các trường hợp còn lại.
Trên thực tế, người tiêu dùng Việt ngày càng có ý thức về sức khỏe và chủ động tìm đến những sản phẩm tiêu dùng đảm bảo an toàn. Kết quả nghiên cứu của Nielsen cho thấy có 37% người tham gia khảo sát cho rằng đảm bảo an toàn cho sức khoẻ là mối quan tâm hàng đầu khi tìm đến một sản phẩm thực phẩm; có 89% sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho các loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe; 88% người tiêu dùng sẽ đọc nhãn bao bì cẩn thận khi tìm đến các sản phẩm liên quan đến dinh dưỡng; 76% người tham gia khảo sát muốn biết mọi thành phần trong thức ăn của họ... Trước sức ép lớn này, các nhà sản xuất đang nỗ lực đáp ứng các nhu cầu ngày càng cao đó.
Bà Hạnh cũng khẳng định, sự tin tưởng của người tiêu dùng là vấn đề thiết yếu cần được các DN kinh doanh trong ngành thực phẩm quan tâm hàng đầu. Người tiêu dùng tại thị trường Việt Nam đang ngày càng quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ và thông tin nhà sản xuất của những sản phẩm họ sử dụng. Phần lớn họ có nhìn nhận tích cực hơn về các DN minh bạch trong sản phẩm.
Cũng chính từ tiêu chí này, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết, đơn vị này đã và đang tập trung tăng cường kiểm soát hàng hóa nông sản, thực phẩm, rau củ, quả… vào mạng lưới chợ truyền thống, nhất là 3 chợ đầu mối trên địa bàn. Bên cạnh đó, lãnh đạo TP.HCM cũng có những chính sách khuyến khích, ưu tiên các đơn vị sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, có Giấy phép an toàn thực phẩm cung ứng hàng hóa vào các hệ thống trường học, bếp ăn tập thể, nhà hàng, khách sạn…
Trước mắt, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM tập trung kiểm tra thực phẩm đối với các DN kinh doanh ngành hàng ăn uống tại các khách sạn cao cấp. “Nhà hàng chuẩn, thực phẩm phải chuẩn. Tiếp đó, đồng loạt các nhà hàng, quán ăn cũng phải đảm bảo tiêu chí an toàn thực phẩm”, bà Lan nói.
“Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM hy vọng, sẽ có ngày càng nhiều các DN nỗ lực nâng sức cạnh tranh cho thực phẩm thông qua tiêu chuẩn và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. DN cần nhận thức rõ, đạt được chứng nhận An toàn thực phẩm chỉ là bước đầu xây dựng niềm tin, còn vấn đề lâu dài là duy trì được điều đó”, bà Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh.
Ngọc Hậu