Tín dụng tiêu dùng, động lực tăng trưởng

Thời báo ngân hàng | Ngày cập nhật: Thứ Hai, 08 Tháng Bảy 2013 11:37:00

Theo ông Friedrich Weiss - Tổng giám đốc Công ty tài chính PPF Việt Nam, để kích thích được tín dụng tiêu dùng cá nhân, người dân cũng cần thay đổi cách nghĩ khi nào có tiền mới mua sắm. Họ vẫn có thể vay tiêu dùng, đồng thời vẫn sử dụng tiền nhàn rỗi để đầu tư, miễn là cân đối tốt tài chính.

Ông Friedrich Weiss - Tổng giám đốc Công ty tài chính PPF Việt Nam trả lời phỏng vấn Thời báo Ngân hàng.

Gần đây, các nhà kinh tế đặt vấn đề phải kích cầu để kinh tế Việt Nam thoát ra khỏi tình trạng trì trệ. Là DN đứng hàng đầu tại Việt Nam về cho vay tiêu dùng, ông có thể chia sẻ gì về những hạn chế của thị trường này?

Tài chính tiêu dùng là một lĩnh vực mới mẻ tại Việt Nam. Cho đến nay, hầu hết các khoản vay tiêu dùng đều theo hình thức người dân tiếp cận trực tiếp. Cho vay tiêu dùng thông qua internet, hoặc thực hiện thủ tục vay vốn sau đó có thể rút tiền ở cây ATM, mua sắm bất cứ khi nào có nhu cầu thì vẫn chưa phát triển.

Nhưng đáng nói hơn, quan niệm chứng minh được thu nhập càng cao thì khả năng cấp tín dụng tiêu dùng cá nhân càng lớn, theo tôi là một sai lầm của các tổ chức tài chính cung cấp dịch vụ tín dụng cá nhân. Bên cạnh đó, bên cho vay nhiều khi chỉ chú trọng tài sản thế chấp mà không quan tâm thỏa đáng nguồn thu nhập và khả năng trả nợ của người đi vay thế nào. Tất cả những điều này đã hạn chế người dân chi tiêu, mua sắm bằng những khoản vay tiêu dùng cá nhân.

Liệu có lý do kích cầu đầu tư dễ dàng hơn cho cơ quan điều hành, so với kích cầu tiêu dùng nên tín dụng vào tiêu dùng hạn chế hơn?

Theo tôi, rất khó có thể kích thích sức mua chỉ bằng các công cụ chính sách công. Bởi vì, nhu cầu người dân vay tiêu dùng hàng ngày từ những nhu yếu phẩm đến BĐS và phương tiện đi lại mới lớn và quan trọng hơn là không tạo ra lạm phát. Những khoản đầu tư công chỉ có tác dụng “mồi”, vực dậy một số lĩnh vực Nhà nước mong muốn, chứ không phải giải pháp khuyến khích sức mua bền vững cho nền kinh tế. Cho nên, tín dụng tiêu dùng được xem như động lực của phát triển kinh tế.


Cho vay tiêu dùng là thị trường nhiều tiềm năng

Theo ông, phải làm gì mới kích thích được tín dụng tiêu dùng cá nhân?

Tôi cho rằng, phải bắt đầu bằng việc không nên coi tín dụng tiêu dùng là cho vay phi sản xuất. Mặc dù ai cũng hiểu sản xuất mới là nền tảng của một nền kinh tế thực, nhưng hàng hóa làm ra không tiêu thụ được thì không có ý nghĩa gì trong phát triển. Tôi thích câu khẩu hiệu “sản xuất - lưu thông” thời bao cấp của người Việt Nam. Vì vậy, với người dân cũng cần thay đổi cách nghĩ khi nào có tiền mới mua sắm. Họ vẫn có thể vay tiêu dùng, đồng thời vẫn sử dụng tiền nhàn rỗi để đầu tư, miễn là cân đối tốt tài chính.

Để phát triển cho vay tiêu dùng phải có 3 yếu tố: cơ chế pháp lý quản lý hoạt động cho vay tiêu dùng phải chặt chẽ về lãi suất, tránh lãi suất quá cao, đồng thời có các cơ chế kiểm soát rủi ro đặc biệt; nhà cho vay phải xác định rõ chất lượng khách hàng vay tiêu dùng; và điều cuối cùng là khả năng kiểm soát khoản vay diễn biến như thế nào. Trên cơ sở đó, các tổ chức tài chính tham gia vào thị trường cho vay tiêu dùng phải đặt ra những yêu cầu căn bản cho riêng mình.

Với yêu cầu quản lý rủi ro, nhà cho vay phải có công cụ đo lường độ tín nhiệm của người vay, mới có thể giảm thiểu chi phí để có được lãi suất thấp. Hệ thống vận hành phải rất tiện lợi, bởi cho vay tiêu dùng gồm nhiều món vay nhỏ lẻ chứ không như ngân hàng cho vay dự án lớn.

Một điều đặc biệt quan trọng là phải có một hệ thống công nghệ thông tin để vận hành bộ máy thẩm định khoản vay mới có chuẩn mực và đồng bộ, nhằm hạn chế những rủi ro về đạo đức của nhân viên phát triển tín dụng tiêu dùng. Hệ thống công nghệ phải kiểm soát được tình trạng nhân viên tín dụng khai man hồ sơ, nhu cầu khách hàng vay một nhưng nhân viên tín dụng lại “động viên” vay 10…

Là DN cho vay tiêu dùng “mạnh tay”, các ông nhìn thấy tiềm năng gì tại thị trường Việt Nam để đầu tư?

Khoảng 5 năm trước, lãnh đạo PPF đặt chân vào Việt Nam với dự định ban đầu có thể mua lại một công ty trong nước hoặc đầu tư vào một ngân hàng. Những ngày đầu đến Việt Nam, một vị lãnh đạo PPF thấy đường phố rất nhiều xe máy và chúng tôi quyết định mang sản phẩm cho vay tiêu dùng để bán cho người có nhu cầu mua sắm xe máy. Đến nay, Home Credit, một nhánh kinh doanh của PPF đã phát triển cho vay mua sắm đồ điện tử, cho vay học sinh, sinh viên, cho vay tiền mặt qua hệ thống bưu điện Việt Nam…

Với chúng tôi, đây thực sự là một thị trường tiềm năng. Một dự báo của Morgan Stanley vào tháng 3/2013 cũng cho biết, chi tiêu dùng tại Việt Nam đóng góp đến 62% GDP, trong khi tỷ lệ dư nợ trên vốn vay tiêu dùng tại Việt Nam mới đứng ở vị trí 147 khi so với các quốc gia trên thế giới. Tỷ lệ này cho thấy, thị trường tín dụng tiêu dùng còn dư địa rất lớn, khi người dân sẵn sàng chi tiêu nhưng người tham gia tín dụng tiêu dùng lại rất thấp.

Tín dụng tiêu dùng, động lực tăng trưởng

Trần Ngọc Anh