Vinamilk và công cuộc thâu tóm "cầm chừng" của tỷ phú Thái

TTT | Ngày cập nhật: Thứ Tư, 19 Tháng Chín 2018 07:49:00

Sau khi nắm quyền kiểm soát Sabeco, tỷ phú Thái tiếp tục tìm cơ hội gia tăng sở hữu tại Vinamilk, nhưng tiến hành một cách cầm chừng, tức mua Vinamilk với giá hợp lý, không để bị hớ!

Động thái quen thuộc mới đây của F&N Dairy Investment Pte.Ltd đối với cổ phiếu Vinamilk (VNM) lại một lần nữa đánh động sự khao khát của tỷ phú Thái với "bầu sữa" Việt Nam. Chi tiết, ngày 12/9/2018, F&N Dairy Investment Pte.Ltd công bố đã không mua được 14,5 triệu cổ phiếu Vinamilk như đăng ký trước đó, nguyên nhân vẫn như mọi lần là do điều kiện thị trường không phù hợp. Ngay trong ngày, F&N Dairy lập tức đăng ký mua lại số lượng cũ (hơn 14,5 triệu cổ phiếu), nhằm nâng tỷ lệ sở hữu lên gần 266 triệu đơn vị, tương đương 18,31% vốn.

Việc mỗi lần công bố kết quả giao dịch mua cổ phiếu Vinamlik không thành, F&N Dairy lại ngay lập tức thông báo sẽ tiếp tục gom cổ phiếu này, điều này trở thành quá quen thuộc.

Thâu tóm "cầm chừng"?

Về F&N Dairy, đơn vị được sở hữu 100% bởi tập đoàn Fraser & Neave Limited (F&N), chủ tịch không ai khác chính là tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi – người đang sở hữu rất nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam như Sabeco, Metro, B’Mart, Phú Thái, Khách sạn Melia…

Với "bầu sữa" Việt, vị này từng cho biết sẽ tiếp tục đầu tư, quan hệ tốt đẹp với Vinamilk nhằm đem lại lợi ích cho cổ đông F&N. Mặt khác, khi đầu tư chiến lược vào Vinamilk, F&N cũng sẽ giảm phụ thuộc vào các thị trường trọng điểm như Singapore, Malaysia, Thái Lan…

Trước chia sẻ này, nhiều ý kiến cho rằng F&N có thể đang muốn trở thành cổ đông kiểm soát tại Vinamilk lên đến 51%. Và việc liên tục mua vào cổ phiếu Vinamilk của tỷ phú Thái càng bổ sung cho khẳng định trên – hiểu nôm na là chiến lược dài hạn này. Nếu tính từ đầu năm 2018 đây đã là lần thứ 7 F&N đã đăng ký mua Vinamilk, thậm chí đã trên dưới 16 lần giao dịch nếu tính từ lúc bắt đầu nhòm ngó đến thương hiệu sữa Việt.

Tuy nhiên trong ngắn hạn, việc mua vào Vinamilk của tỷ phú Thái có vẻ "cầm chừng". Đáng nói nhất là trong đợt chào bán số lượng lớn năm ngoái, trong khi JC&C (Singapore) mạnh tay mua vào 10,63% cổ phần của Vinamilk với giá ngất ngưởng gần 1,15 tỷ USD, thì F&N chỉ mua với số lượng khiêm tốn, có lẽ giá cổ phiếu Vinamilk lúc này quá cao để F&N sẵn sàng chi trả?

Và thời gian sau đó, F&N vẫn miệt mài đăng ký mua, thất bại rồi lại đăng ký mua Vinamilk, với lý do không thành gần như chỉ một, điều kiện thị trường không phù hợp. Có phải chăng đây là sự dè dặt của F&N trước xu hướng cổ phiếu Vinamilk đang điều chỉnh dần, đi cùng với những tồn tại hiện nay của tình hình kinh doanh.

Thực tế, diễn biến cổ phiếu Vinamilk đi xuống càng chứng minh cho "dè dặt" trên. Kể từ sau khi đạt đỉnh vào cuối năm 2017, cổ phiếu VNM có lúc đã giảm 30% từ 174.000đ/cp xuống 122.000đ/cp, hiện đang đi về vùng giá trước đà "bứt phá" cuối năm qua.

Vinamilk và công cuộc thâu tóm cầm chừng của tỷ phú Thái - Ảnh 1.

Nếu những giả định trên đúng, có thể hiểu nôm na tỷ phú Thái vẫn đang dần thâu tóm Vinamilk, nhưng thâu tóm một cách cầm chừng, tức mua Vinamilk với giá hợp lý, không để bị hớ!

Sức hấp dẫn của Vinamilk và những khó khăn ngắn hạn

Điểm sơ qua về Vinamilk, là một doanh nghiệp dẫn đầu ngành sữa Việt Nam với thị phần trong nước xấp xỉ 60%, đa dạng hóa tất cả các dòng sản phẩm với vùng nguyên liệu rộng lớn. Chưa kể, tính đến thời điểm hiện tại, sản phẩm của Vinamilk đã được xuất khẩu đến hơn 40 quốc gia trên thế giới, bao gồm khu vực Đông Nam Á, Trung Đông, Châu Phi và các nước khác. Bức tranh tài chính cũng khả quan với doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng hàng năm, chính sách cổ tức hấp dẫn cùng đường giá cổ phiếu đi lên đều đặn, sự khao khát của tỷ phú Thái Lan với Vinamilk theo đó khá dễ hiểu.

Chưa hết, Vinamilk đang phát triển mạnh dòng sữa organic. Mới đây, Công ty có đầu tư vào tổ hợp các trang trại chăn nuôi bò sữa công nghệ cao với tổng quy mô lên đến 22.000 con bò (riêng trang trại organic là 2.000 con) tại thành phố Cần Thơ, tổng đầu tư là 4.000 tỷ đồng. Ngoài ra, Vinamilk vừa nhập khẩu 200 con bò sữa thuần chuẩn A2 từ New Zealand với dòng sản phẩm sữa tươi cao cấp A2 sắp tới. Bên cạnh đó, nhà máy Mega vừa mới nâng cấp giai đoạn 2 xong với tổng cộng 33 dây chuyền sản xuất nâng công suất lên 2,4 triệu lít/ngày (tương đương hơn 800 triệu lít/năm). Hơn nữa, Vinamilk dự kiến sẽ nâng cấp lên giai đoạn 3 đầu tư thêm 8 dây chuyền sản xuất nữa nhằm đáp ứng thị trường xuất khẩu và trong nước.

Với những động thái trên, cùng việc thực hiện các thương vụ M&A, Vinamilk kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ dòng sản phẩm sữa mới đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu người Việt Nam, tiếp tục dẫn đầu thị phần sữa nội địa.

Tuy nhiên trong ngắn hạn, người khổng lồ này cũng đang vấp phải những khó khăn đáng kể. Trong số đó, phải điểm mặt 3 rủi ro đến từ (i) ngành sữa nội địa bão hòa, (ii) doanh thu thị phần xuất khẩu giảm và (iii) rủi ro giá nguyên vật liệu tăng.

Đặc biệt, với rủi ro thị trường bão hòa, trong báo cáo mới đây, Chứng khoán HSC cho rằng doanh thu Vinamilk tăng trưởng chậm do sự suy giảm tăng trưởng của thị trường nội địa, xuất khẩu giảm và các công ty con ở nước ngoài không tăng trưởng.

HSC đánh giá, nhu cầu trong ngành đã có xu hướng đi xuống rõ ràng. Theo Kantar World Panel (công ty hàng đầu thế giới về hành vi người mua hàng), thì trong 6 tháng đầu năm 2018, ngành sữa của Việt Nam chứng kiến sự suy giảm 4% về giá trị tại khu vực thành thị và sự tăng trưởng 2,5% tại khu vực nông thôn. Theo đó, tăng trưởng của Vinamilk hiện giảm về mức một chữ số đối với cả doanh thu và lợi nhuận khi mà thị trường sữa đã tương đối bão hòa và việc gia tăng thị phần sẽ khó khăn hơn do Vinamilk đã ở vị thế áp đảo ở hầu hết các phân khúc.

Nhìn chung, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của Vinamilk nhiều khả năng sẽ ở mức tương đương với ngành sữa. Vì vậy, Công ty có thể phải tìm kiếm nguồn tăng trưởng mới và có thể là thông qua M&A, đây cũng chính là động lực mà BSC kỳ vọng ở Vinamilk. Thực tế là doanh thu nội địa của Vinamilk trong nửa đầu năm nay đã giảm nếu không có sự bù đắp từ doanh thu mảng đường - khoảng 900 tỷ đồng - của công ty con mới được mua lại là Vietsugar.

Tri Túc