“Tình hình kinh tế Việt Nam làm sao mà sáng sủa được khi hàng trăm nghìn doanh nghiệp đang đứng trước bờ vực phá sản, tín dụng lãi suất cao và không tiếp cận được do nợ xấu quá nhiều”, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nêu quan điểm.
Ông nói:
- "Từ đầu năm đến nay, kinh tế Việt Nam chưa có dấu hiệu tích cực. Dù các báo cáo chính thức có đề cập một số điểm tích cực nhưng đoạn sau của báo cáo lại bắt đầu bằng chữ “tuy nhiên” với một loạt điểm tiêu cực khác.
Là nhà quan sát, tôi thấy rằng, cách trình bày báo cáo của các cơ quan thường theo một thói quen là đề cập cái tốt trước sau đó mới đến những cái xấu. Đây chỉ là vấn đề mang tính tuyên truyền.
Tình hình kinh tế Việt Nam làm sao mà sáng sủa được khi hàng trăm nghìn doanh nghiệp đang đứng trước bờ vực phá sản, tín dụng lãi suất cao và không tiếp cận được do nợ xấu quá nhiều. Nợ xấu ở các nhóm đã có những biện pháp tình thế để giảm nhưng không giảm thực sự. Doanh nghiệp vẫn không tiếp cận được vốn, hoặc nếu có thì phải chịu lãi suất quá cao. Tình hình này đã kéo dài hơn hai năm nay rồi.
Điểm tích cực được nêu trong các báo cáo là xuất khẩu cũng cần xem xét kỹ. Cần phân tích xem tăng xuất khẩu trong lĩnh vực gì, tăng lượng hay chất, doanh nghiệp trong nước hay doanh nghiệp nước ngoài.
Theo báo cáo, các doanh nghiệp nước ngoài có kim ngạch xuất khẩu tăng và doanh nghiệp Việt Nam ở chiều hướng ngược lại. Điểm đáng chú ý là doanh nghiệp nước ngoài không vay vốn ở Việt Nam với lãi suất cao mà vay vốn ở nước ngoài với lãi suất chỉ 1-2%. Do đó, doanh nghiệp nước ngoài trước hết đã có lợi thế về nguồn vốn vay so với doanh nghiệp Việt Nam.
Lợi thế đang nghiêng về doanh nghiệp nước ngoài. Điều này ảnh hưởng đến sự sống còn của doanh nghiệp Việt Nam và ảnh hưởng đến sự tăng trưởng bền vững của kinh tế Việt Nam. Trong hoàn cảnh này, chính sách tiền tệ có ảnh hưởng lớn đến sự tồn vong của nhiều doanh nghiệp và các lĩnh vực kinh tế.
Trong khi đó, các biện pháp tài khóa để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước như miễn giảm thuế chỉ giúp ích cho các doanh nghiệp “ăn nên làm ra”, còn lại không tác dụng với các doanh nghiệp còn lại. Hiệu quả nhất là cần giải quyết chính sách tiền tệ, để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn.
Một số quan điểm e ngại lạm phát cao nên không đồng tình với việc bơm vốn cho doanh nghiệp. Lạm phát có một phần lớn nguyên nhân từ giá vay vốn cao đẩy giá thành và giá bán hàng hóa cao. Hai năm nay, doanh nghiệp “chết” với số lượng lớn, Nghị quyết 11 cũng khẳng định tập trung tín dụng cho sản xuất kinh doanh nhưng không được thực hiện.
Ngược lại, rất đáng ngạc nhiên là có tiếng reo giải cứu bất động sản bằng giải pháp tiền tệ. Ngân hàng Nhà nước cung ứng vốn tái chiết khấu cho ngân hàng thương mại với lãi suất 4,5%, để ngân hàng thương mại cho các doanh nghiệp, chủ dự án, người mua nhà vay với lãi suất 6%.
Tại sao lại ưu tiên cho bất động sản mà không nghĩ đến hàng trăm nghìn doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đang cần giải cứu. Bây giờ đem giải pháp tiền tệ áp dụng cho bất động sản là không được.
Trong khi đó, ý định cấp 30 nghìn tỷ đồng cho thị trường bất động sản có hậu ý nguy hiểm, có thể đẩy thị trường rơi vào tình trạng như khủng hoảng bất động sản của Mỹ. Tại sao lại dành chính sách ưu đãi riêng đối với bất động sản mà không áp dụng cho cả nền kinh tế? Cách hoạch định này chưa rõ ràng về mục tiêu.
Triển vọng kinh tế trong thời gian tới có thể đi lên hoặc đi xuống phụ thuộc hoàn toàn và cách thức hoạch định chính sách. Nếu tiếp tục xu hướng như hiện nay, doanh nghiệp tiếp tục suy kiệt và dĩ nhiên sẽ đi xuống.
Ngược lại, nếu chính sách đủ tâm và tầm thì doanh nghiệp mới có cơ may được cứu. Đáng lưu ý, hoạch định chính sách chỉ là một phần, quyết định thành bại của chính sách còn phụ thuộc ở việc thực thi chính sách, bởi lẽ, tham nhũng, tiêu cực trong thực thi chính sách có thể làm chính sách trở nên phản tác dụng".