Kinh tế Việt Nam: FDI Việt Nam và những lời nói thẳng

Doanh nhân | Ngày cập nhật: Thứ Tư, 03 Tháng Tư 2013 13:54:00

Nhiều nhận định thẳng thắn về dòng vốn FDI được đưa ra bởi đại diện các nhà đầu tư lớn tại Hội nghị tổng kết 25 năm thu hút và sử dụng FDI hồi giữa tuần qua rất đáng suy ngẫm.

Xin không nhắc lại cả những thành công và vấp váp trong quá trình thu hút và sử dụng FDI mà báo chí những ngày qua đã mổ xẻ, lật đi lật lại kỹ càng. Xin cũng không nhắc đến chủ đề phân cấp quản lý FDI hẳn sẽ còn tiếp tục làm nóng nhiều cuộc tranh luận giữa bộ chủ quản với các địa phương. Bài viết này chỉ ghi lại một vài “lời nói thẳng” khi định vị Việt Nam trên sân chơi thu hút FDI toàn cầu.

Bỏ qua những từ ngữ ngoại giao dài dòng, ngay từ đầu bài phát biểu của mình, đại diện EuroCham cho biết: “Lòng tin của các doanh nghiệp châu Âu (vào sự phát triển trong dài hạn của Việt Nam – TG) đã có chiều hướng suy giảm từ đầu năm 2011, theo kết quả cuộc điều tra về chỉ số môi trường kinh doanh hàng quý của EuroCham tại Việt Nam”. Kết quả khảo sát sau đó, thực hiện vào tháng 7/2012 còn buồn hơn: lần đầu tiên chỉ số này đã rơi xuống dưới mức trung bình. Nhắc lại những đánh giá khá nặng nề trong báo cáo “Môi trường kinh doanh 2012” của Ngân hàng Thế giới, diễn giả này nhấn mạnh, về tổng thể, Việt Nam mới chỉ cải thiện được chút ít ở 3 trong số 10 lĩnh vực được đánh giá. “Cho đến nay các các doanh nghiệp châu Âu và nước ngoài khác vẫn phải tiếp tục đối mặt với các vấn đề về tham nhũng liên quan đến việc xin giấy chứng nhận đầu tư, phê duyệt pháp lý, nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ cũng như các quyền hợp pháp khác”, ông nói.

Ông Hirokazu Yamaoka, Trưởng đại diện JETRO tại Hà Nội mềm mỏng hơn chút ít khi đưa ra so sánh: năm 1987, Việt Nam có Luật Đầu tư nước ngoài và chính thức tiếp nhận đầu tư từ nước ngoài. Trong khi đó, Thái Lan tiếp nhận đầu tư nước ngoài từ năm 1960 – và có Luật Khuyến khích đầu tư các ngành công nghiệp mới. Ủy ban Đầu tư của Thái Lan (BOI) đã xác định rõ các ngành nghề, doanh nghiệp là đối tượng để kêu gọi đầu tư trên quan điểm của doanh nghiệp nước ngoài, đồng thời sát cánh hỗ trợ doanh nghiệp, đưa ra các sáng kiến đàm phán với các bộ ngành, cơ quan khác nhau có sự đối lập về lợi ích. Kết quả là, mặc dù số dự án đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản vào Việt Nam từ năm 2011 liên tục gia tăng và hiện Nhật Bản là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, nhưng nếu so sánh với các quốc gia phát triển khác trong ASEAN thì đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam cũng chưa thể nói là nhiều. Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Thái Lan cao gấp 3 lần vào Việt Nam về cả số dự án và quy mô vốn đầu tư. Phó Chủ tịch AmCham Việt Nam, ông Mark Gillin cũng không giấu diếm thất vọng vì một số kiến nghị của AmCham – mà ông gọi là “kết quả của những năm tháng nỗ lực hợp tác của chúng tôi”, liên quan đến Bộ luật Lao động sửa đổi, Luật Giá, các vấn đề về chăm sóc y tế, Luật An toàn thực phẩm… đã không nhận được phản hồi tích cực từ Chính phủ. Mark Gillin không quên nhắc nhở rằng, Việt Nam là quốc gia châu Á duy nhất rớt hạng trong bảng xếp hạng chỉ số niềm tin FDI được công bố bởi Công ty Tư vấn quản lý toàn cầu AT Kearney, trong khi Indonesia hay Malaysia đều thăng hạng ngoạn mục.

Tất nhiên, những khuyến nghị của nhà đầu tư cũng cần được tiếp thu một cách có chọn lọc, nhưng việc làm đầu tiên chính là phải lắng nghe.

Kinh tế Việt Nam: FDI Việt Nam và những lời nói thẳng

Ngọc Khánh