Đầu năm 2012, chứng khoán Việt Nam sẽ khởi sắc

ĐTCK | Ngày cập nhật: Thứ Bảy, 08 Tháng Mười 2011 08:04:00

“Lãi suất cho vay đầu năm 2012 có thể xuống 14-15%, và năm 2013 là 12-13%, khi đó, người dân sẽ chuyển sang các hình thức đầu tư khác, dòng tiền sẽ chảy vào chứng khoán”,

Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia nhận định trong buổi hội thảo tổ chức chiều ngày 7/10 tại CTCK Vietcombank.

Theo ông Nghĩa, nền kinh tế Việt Nam đã qua giai đoạn khó khăn nhất, điều này thể hiện rõ qua các biến số kinh tế thực như GDP quý 3/2011 ước tăng 6,11% so với cùng kỳ, cả năm ước tăng 6%.

Quan trọng nhất là chỉ số tăng trưởng công nghiệp (IIP) hiện đang tăng 6,6% so với cùng kỳ. Mặc dù IIP có xu hướng giảm từ đầu năm, nhưng hiện đã tăng trở lại trong tháng 9 lên mức 12% sau khi chạm mức thấp nhất 5,8% trong tháng 8.

Dự trữ ngoại hối của Việt Nam đến tháng 9/2011 là 7 tuần nhập khẩu, tăng so với mức thấp nhất vào tháng 2/2011 là 3,5 tuần nhập khẩu. Dự kiến đến cuối năm, dự trữ ngoại hối sẽ tăng lên 8 tuần nhập khẩu.

Tổng mức nhập siêu 9 tháng đầu năm đạt 6,5 tỷ USD, dự kiến cả năm là 11 tỷ USD. Vào thời điểm hiện tại, thâm hụt cán cân vãng lai của Việt Nam là dương (3,5 tỷ USD), thặng dư cán cân thanh toán là 4,5 tỷ USD.

Đáng chú ý, nguồn vốn FDI vào Việt Nam đã tăng đáng kể trong 2 tháng trở lại đây. “Nếu như trong 6 tháng đầu năm, FDI của Việt Nam ở mức tương đương với năm 2010, thì FDI đã tăng đáng kể trong quý 3”, tiến sỹ Nghĩa cho biết.

Với dự báo chỉ số CPI sẽ tiếp tục giảm, Tiến sỹ Nghĩa dự báo CPI của Việt Nam cả năm 2011 sẽ đạt 19% và năm 2012 là 9%. Tiến sỹ Nghĩa cho rằng, bắt đầu từ tháng 7/2012 và cả năm 2013, dòng tiền tiền sẽ chảy vào chứng khoán một cách mạnh mẽ, đây là cơ sở để khẳng định chứng khoán Việt Nam sẽ khởi sắc.

Để có thể khuyến khích thị trường phát triển, cơ quan chức năng cần nghiên cứu mở room cho khu vực tư nhân và nước ngoài, đẩy mạnh việc cổ phần hóa các tập đoàn kinh tế lớn.

Tuy nhiên, Việt Nam hiện cũng đang phải đối mặt với những khó khăn và thách thức trước mắt cần phải vượt qua.

Đó là áp lực về tỷ giá từ nay đến cuối năm 2011. Theo thống kê, chênh lệch cho vay bằng ngoại hối của Việt Nam đang ở mức 7,5 tỷ USD ( tổng cho vay bằng ngoại tệ là 30 tỷ USD, trong khi huy động tiền gửi bằng ngoại tệ chỉ là 22,5 tỷ USD), trong đó có khoảng 5,5 tỷ USD cho vay này đến từ vay nợ nước ngoài, còn lại từ nhiều nguồn khác như các hình thức hoán đổi ngoại tệ, đầu tư bằng ngoại tệ khác. Sức ép tăng giá ngoại tệ là rất lớn nếu như Chính phủ Việt Nam không có những chính sách điều hành linh hoạt từ nay đến cuối năm.

Một vấn đề khác là vấn đề nợ xấu của các ngân hàng đang tăng nhanh. Tỷ lệ nợ xấu từ 2,16% cuối năm 2010 đã tăng lên mức 3,13% vào cuối tháng 6 năm 2011. Tổng nợ xấu 6 tháng đầu năm khoảng 75.000 tỷ đồng. Trong đó, nợ xấu nhóm 5 (nợ mất vốn) chiếm khoảng 47%. Theo Tiến sỹ Nghĩa, nợ xấu của các Ngân hàng thương mại đang ở mức đáng lo ngại, không chỉ ở những ngân hàng nhỏ mà cả các ngân hàng lớn.

Quang Sơn