Việt Nam trong mắt của các định chế tài chính

Doanh nhân | Ngày cập nhật: Thứ Sáu, 07 Tháng Mười 2011 13:47:00

Hiện nay kinh tế toàn cầu đang bất ổn và sự hồi phục chưa thể đoán định trước. Trong bối cảnh ấy, nếu nắm bắt được cơ hội, Việt Nam sẽ nổi lên là điểm thu hút đầu tư toàn cầu.

Ông Jim Hoover, Phó Chủ tịch Link World Unlimited International trả lời DOANH NHÂN về chuyến làm việc của GS John William Snow, Bộ trưởng Ngân khố thứ 73 của Mỹ, Chủ tịch Tập đoàn Xuyên quốc gia Cerberus tại Việt Nam vào tháng 11 tới.

Được biết, bà Anna Nguyễn, Chủ tịch đồng thời là người sáng lập Link World Unlimited International (LW) phải mất 3 năm đeo đuổi và chi đến cả triệu USD mới có thể mời được GS.TS John William Snow sang Việt Nam? Vì sao LW lại chọn mời GS. Snow? Tại sao lại vào thời điểm này, thưa ông?

GS.TS John William Snow là một trong những doanh nhân hàng đầu trên thế giới. Ông có thâm niên đảm nhiệm vị trí bộ trưởng cho nhiều đời tổng thống của chính phủ Mỹ, làm việc tại các tổ chức kinh doanh và hiện nay là quỹ đầu tư.

Với bề dầy kiến thức và kinh nghiệm dồi dào, GS.TS Snow sẽ mang đến những kinh nghiệm cực kỳ quý giá để chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Công ty Link World chúng tôi cảm thấy rất hân hạnh khi có cơ hội giới thiệu GS.TS Snow đến với Việt Nam.

Chúng tôi hy vọng, thông qua sự kiện GS Snow đến Việt Nam trong chuyến đi này, các doanh nhân Việt Nam sẽ có dịp giới thiệu những cơ hội kinh doanh tại Việt Nam đến các công ty của Hoa Kỳ và với GS Snow qua đó, chúng tôi có thể góp phần thúc đẩy đầu tư trực tiếp tại Việt Nam, mở rộng kinh doanh, không chỉ trong lĩnh vực du lịch mà còn nhiều ngành công nghiệp khác, đặc biệt là công nghệ cao, năng lượng, an ninh, hàng không, tài chính, giáo dục…

Chủ đề của cuộc hội thảo là - Liệu Việt Nam có là một điểm đến đáng tin cậy cho các đế chế kinh tế thế giới? Tại sao lại sử dụng cụm từ: Điểm đến đáng tin cậy mà không phải là một điểm đến tiềm năng hoặc hấp dẫn, thưa ông?

Hiện nay kinh tế toàn cầu đang bất ổn và sự hồi phục chưa thể đoán định trước. Trong bối cảnh ấy, nếu nắm bắt được cơ hội, Việt Nam sẽ nổi lên là điểm thu hút đầu tư toàn cầu. Sự kiện mời GS Snow sang Việt Nam hay những nỗ lực tổ chức các đoàn doanh nghiệp Việt Nam sang học tại các học viện hàng đầu của Mỹ mà LW tiến hành suốt thời gian qua cũng đều vì một mục tiêu: Góp phần thúc đẩy để Việt Nam trở thành một điểm đến kinh doanh toàn cầu và tạo nên những cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng ra toàn cầu.

Liệu khán giả Việt Nam sẽ thu được những lợi ích gì từ buổi hội thảo cùng GS Snow?

Trước tiên, cần phải nhấn mạnh rằng: sự kết nối chính là chìa khóa cho việc mở rộng kinh doanh. Muốn phát triển kinh doanh luôn luôn phải nắm bắt được những cơ hội trong ngắn hạn, dài hạn và trung hạn. Về ngắn hạn, đó chính là những kết nối như tham dự cuộc gặp gỡ với những nhân vật như GS Snow.

Xét về trung hạn, muốn phát triển, các doanh nghiệp Việt Nam cần được học hỏi từ chính môi trường kinh doanh quốc tế, cách thức để mở rộng kinh doanh, nhận biết cơ hội, kết nối với các công ty nước ngoài...

Về dài hạn, cần tập trung cho giáo dục đào tạo. Hiện, đào tạo quản trị thực hành (executive education) là yếu tố then chốt trong mỗi công ty đang phát triển. LW đang triển khai nhiều hoạt động phục vụ cho mục tiêu đẩy mạnh giáo dục, đào tạo nói trên.

Ngay sau buổi hội thảo của GS Snow, LW sẽ tiếp tục đăng cai tổ chức cuộc gặp giữa 30 nhà quản trị kinh doanh Việt Nam tại Washington DC với chủ đề về các kỹ năng lãnh đạo trong kinh doanh, đàm phán và văn hóa doanh nghiệp.

Thưa ông, liệu chuyến đi của GS Snow có mang đến thông điệp về cơ hội đầu tư cho các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam?

Chúng tôi thấy tất cả những nhà kinh doanh đều coi mỗi chuyến viếng thăm Việt Nam là một cơ hội. Các cơ hội đó thể hiện ngay trong tinh thần của người Việt Nam, đạo đức trong làm việc và tiềm lực của quốc gia này.

Mặc dù chưa đầu tư trực tiếp, song thông qua các đối tác, Quỹ Cerberus hiện đang rót hàng tỷ USD vào Việt Nam. Vậy theo ông, sau chuyến đi của GS Snow - Chủ tịch Cerberus, quỹ này có chọn Việt Nam để mở rộng đầu tư hay không?

Đương nhiên chúng tôi không thể tiên đoán được liệu Cerberus hay bất kỳ một công ty nào khác có quyết định đầu tư vào Việt Nam hay không?

Những gì chúng tôi có thể làm là đảm bảo rằng, chúng tôi giới thiệu được những cơ hội tốt nhất, giới thiệu Việt Nam với một hình ảnh ấn tượng nhất, để sau đó không chỉ có các công ty nước ngoài sẽ đầu tư vào Việt Nam mà còn có thể mở rộng hình ảnh của Việt Nam trên phạm vi toàn cầu, giới thiệu với thế giới những cơ hội mà Việt Nam đang có.

Theo quan điểm của ông, các nhà đầu tư nước ngoài nghĩ gì về Việt Nam?

Việt Nam đang nằm trên "màn hình hiện sóng" đầu tư của thế giới với những ưu điểm: nền kinh tế mới nổi và đang trên đà phát triển; mở cửa với đầu tư nước ngoài và mang lại rất nhiều lợi ích đầu tư.

Theo tôi, Việt Nam sở hữu rất nhiều cơ hội kinh doanh tốt. Bản thân tôi cũng có ấn tượng sâu sắc với nền tảng về văn hóa của người dân Việt Nam, những cơ hội dồi dào và niềm khao khát được phát triển một điều gì đó từ giai đoạn sơ khai nhất.

Bên cạnh đó, triển vọng thị trường hàng tiêu dùng tại Việt Nam cũng rất lớn. Một điều đáng nói, hiện trên thế giới, nhu cầu về chi phí nhân công thấp đang ngày một "nóng", bên cạnh đó là những nhu cầu về giảm chi phí sản xuất, phát triển các dịch vụ chuyên nghiệp như thuê ngoài trong công nghệ thông tin, kế toán, dịch vụ kinh doanh.

Đây là những lĩnh vực Việt Nam có thể đẩy mạnh thu hút đầu tư. Đương nhiên, không thể không nhắc đến những yếu tố thu hút khác của Việt Nam như mảng du lịch hay giáo dục. Việt Nam có thể trở thành một điểm đến về giáo dục cho toàn châu Á với lợi thế: chi phí thấp, chất lượng cao và rất nhiều lợi ích hấp dẫn khác xung quanh.

Ông có nghĩ rằng, để thu hút đầu tư nước ngoài nhiều hơn nữa, Việt Nam cần thúc đẩy quảng bá một thương hiệu quốc gia của mình. Và bản thân các doanh nghiệp trong nước cũng cần như vậy?

Tôi đồng ý với điều này. Tiếp thị là khâu then chốt đối với mỗi một cá nhân, doanh nghiệp hay cao hơn là một quốc gia. Tiếp thị không chỉ đơn thuần ở một câu slogan mà cần phải tìm ra thế mạnh của mình, của quốc gia để quảng bá.

Việt Nam là một nền kinh tế tăng trưởng nhanh, nhưng chưa mang tính bền vững, mang trong mình nhiều cơ hội đầu tư. Theo tôi, điều tạo nên sức mạnh cho Việt Nam bắt đầu từ những con người tự trọng, chăm chỉ, cần kiệm, nhưng luôn giữ nụ cười trên môi.

Xin cảm ơn ông!