NHNN có nhiệm vụ giữ cho giá vàng trong nước và quốc tế cân bằng

Lao động | Ngày cập nhật: Thứ Tư, 28 Tháng Chín 2011 08:52:00

Đó là quan điểm của TS Lê Xuân Nghĩa – Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia - khi trả lời về việc giá vàng trong nước đang “qua mặt” các cơ quan quản lý, cao hơn giá vàng thế giới đến hơn 4 triệu, thậm chí đến gần 5 triệu đồng/lượng.

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, chỉ có NHNN mới có thể giữ cho giá vàng trong nước và giá vàng thế giới cân bằng, với các biện pháp như cấp phép NK; can thiệp bằng bán vàng dự trữ; hay tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát xử lý các DN kinh doanh vàng có dấu hiệu lũng đoạn, làm giá.

Tuy nhiên, theo TS Lê Xuân Nghĩa, nếu NHNN cứ chọn giải pháp chạy theo NK vàng để bình ổn thị trường thì về lâu dài không phải là giải pháp căn cơ, vì sẽ tốn nhiều ngoại tệ và cần phải có thời gian; trong khi giải pháp điều tiết bằng cách bán vàng dự trữ cũng rất khó khăn, vì lượng dự trữ loại hàng hóa đặc biệt này hiện rất mỏng, nếu không nói là gần như không có.

Vì vậy, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, để góp phần làm minh bạch và bình ổn thị trường, giải pháp kiểm tra, kiểm soát, xử lý các DN vi phạm là giải pháp thích hợp nhất thời điểm hiện nay. “Tiếc là việc kiểm tra lâu này thường “đầu voi đuôi chuột”. Trong khi nghị định về quản lý vàng dự kiến xây dựng từ đầu năm nhưng đến nay vẫn chưa ban hành được, nên cơ sở pháp lý để xử lý các sai phạm của DN cũng chưa rõ ràng” - TS Nghĩa nói.

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, NHNN hoàn toàn có thể dùng quyền của mình để kiểm tra, kiểm soát, thậm chí ra lệnh cho các DN không được phép vi phạm; xử lý bằng cách thu hẹp phạm vi kinh doanh, hoặc rút giấy phép kinh doanh của họ để đưa thị trường trở về đúng quỹ đạo, không để các DN “qua mặt” như hiện nay. “Đây cũng là một cuộc rà soát hết sức quan trọng. Căn cứ vào kết quả kiểm ra, kiểm soát này, NHNN sẽ chọn ra được những doanh nghiệp thích hợp đủ năng lực và điều kiện để đóng vai trò điều tiết thị trường theo thông tư 22. Những DN lớn nhưng vẫn tham gia vào họat động đầu cơ, thao túng thị trường thì cũng phải cân nhắc, xem xét lại” - TS Nghĩa nói.

PGS-TS Trần Hoàng Ngân: Cần lập quỹ bình ổn và phát hành trái phiếu vàng

Theo PGS-TS Trần Hoàng Ngân - thành viên HĐ Tư vấn chính sách tài chính -tiền tệ quốc gia, Chính phủ và NHNN có thể áp dụng biện pháp lập quỹ bình ổn giá vàng, phát hành trái phiều bằng vàng đồng thời với việc thống nhất đầu mối nhập khẩu vàng. Ông Ngân cho biết: 

Tình trạng thị trường vàng trong nước biến động mạnh, giá có khoảng cách chênh lệch lớn so với thị trường thế giới diễn ra thường xuyên, lặp đi lặp lại từ nhiều năm nay, kéo theo bất ổn về tỉ giá và gây tác hại nghiêm trọng đối với nền kinh tế. Điều này yêu cầu Chính phủ và NHNN cần nhanh chóng có những biện pháp lập lại trật tự, ổn định thị trường. Nếu không, sẽ có những tác động xấu đến việc thực hiện mục tiêu chống lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Hiện nay, việc NK vàng được thực hiện thông qua việc cấp quota cho các DN. Các DN chạy theo lợi nhuận, vì vậy việc làm giá là khó tránh khỏi. Vì vậy, trước hết NHNN cần thành lập một đơn vị làm đầu mối NK và điều hành giá vàng trong NHNN.

Đơn vị này sẽ làm đầu mối NK duy nhất và bán lại cho các DN có giấy phép kinh doanh vàng với giá hợp lý, không quá chênh lệch so với giá thế giới, qua đó ngăn chặn tình trạng nhập lậu vàng, tình trạng mua gom USD gây biến động tỉ giá. Bên  cạnh đó, Chính phủ và NHNN cần thành lập quỹ bình ổn giá vàng, thông qua việc huy động vàng trong dân dưới hình thức phát hành trái phiếu bằng vàng.