Điều hành tiền tệ: Chỉ được phép xử lý trong 6 tháng nữa thôi

NDHMoney | Ngày cập nhật: Thứ Tư, 27 Tháng Bảy 2011 14:26:00

"Tôi cũng sẽ kiến nghị lên Quốc hội, chúng ta chỉ được phép xử lý trong 6 tháng nữa thôi".

Liên tiếp có những thay đổi lớn trong dự trữ ngoại hối, cung tiền vào lưu thông, điều hành chính sách tiền tệ thời gian gần đây có cả những điểm tốt lẫn hạn chế.

“Chúng ta chỉ được phép xử lý trong 6 tháng nữa thôi, nếu để lâu hơn có những vấn đề sẽ phình ra”, Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, TS. Cao Sỹ Kiêm, hiện là Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, đánh giá như vậy khi trả lời báo chí.

Hút USD, nhả vàng: Lợi và thiệt

Việc Ngân hàng Nhà nước vừa rồi mua vào 4 tỷ USD có tốt không, thưa ông?

TS. Cao Sỹ Kiêm: Đây là diễn biến tốt, cả cho phía điều hành và cho nền kinh tế.

Là vì, khi mua được 4 tỷ USD thì chúng ta tăng dự trữ lên, tạo cho dự trữ an toàn hơn, cũng như trong nhà anh có một cót lúa ấy. Chứ còn cứ đi vay từng đồng thì có anh ốm mình cũng chết rồi, hoặc người ta không cho vay là mình chết...

Hơn nữa, nếu có những cái rút ra thì mình đổ vỡ ngay lập tức. Những anh nào hội nhập sâu, vốn nước ngoài đổ vào chứng khoán nhiều mà tình hình khó họ rút ra hết là sập ngay thôi.

Nhưng cũng liên quan đến dự trữ, vừa qua Việt Nam xuất khẩu vàng lớn nhưng vì sao không san sẻ khả năng tăng dự trữ USD sang vàng, để nâng khả năng can thiệt vào cả hai thị trường này?

Cái ấy thì một là năng lực quản lý điều hành của mình; hai là khả năng kinh doanh hệ thống này chưa có. Chứ còn các nước tiềm lực nhiều, năng lực cao nên điều hành cái này, rút ra thu vào rất nhạy.

TS. Cao Sỹ Kiêm: Vừa rồi, mình toàn để cho nhà buôn làm, mua vào cũng họ, bán ra cũng làm. Đó là thiệt thòi cho mình.

Có những phát hiện rằng mình có 1.000 tấn vàng trong lưu thông, 20 tỷ USD trong lưu thông. Như vậy, vai trò của Ngân hàng Nhà nước là phải hút được cái này về. 20 tỷ USD này mà hút được thì hoàn toàn có đủ khả năng điều tiết và cung ứng vốn cho nền kinh tế.

Nhưng mà chế độ quản lý ngoại hối của ta hiện nay, họ muốn giữ thì giữ, muốn nộp thì nộp… Các nước thì không có một đồng tiền nào khác được sử dụng trên đất nước của họ. Mình thì thò ra một bị lủi ngay vào túi, thậm chí đánh quả bên ngoài… anh không kiểm soát được.

Vàng cũng thế thôi. Mỗi anh giữ mấy lượng, để nó là của chết. Nếu anh tập trung nó lại vào ngân hàng thì anh có khối lượng lớn cho vay, mua cổ phiếu nước ngoài, đem kinh doanh… rất lợi.

1.000 tấn vàng bây giờ cứ tính là 40 tỷ USD, cộng với 20 tỷ USD trong dân là 60 tỷ USD. Trong khi xuất khẩu cả năm của chúng ta mới có 60 tỷ USD. Thế thì có lớn không!

Cho nên là có những cái rất hợp lý nhưng mình quản lý rất kém.

Hút tiền về không có gì phải lo

Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước hút ròng qua thị trường mở rất lớn, có thông tin là khoảng 90 nghìn tỷ đồng tính đến cuối tháng 6/2011. Xin hỏi ông liệu đồng tiền ấy có là cơ sở tạo sức ép lạm phát trong thời gian tới, khi cung tiền cao hơn?

TS. Cao Sỹ Kiêm: Không, cung tiền vẫn phải theo thị trường thôi.

Ví dụ, khối lượng tiền và hàng trong điều kiện bình thường thì ngang bằng nhau ở mức giá nào đó. Nếu anh phát hành thêm nhiều tiền thì nó dềnh giá lên. Hoặc nếu anh hút nhiều quá thì giá giảm và nó đình trệ sản xuất.

Ví dụ hồi tôi làm (Thống đốc Ngân hàng Nhà nước – PV), rút ngay được một nửa lượng tiền trong lưu thông về trong có 6 tháng. Tôi nâng lãi suất lên 240%/năm ở giai đoạn lạm phát lên đến 700%/năm ấy.

Nhưng hút về thì phải nhả ra ngay. Tôi hút về lãi suất 240%/năm thì tôi nhả ra cho vay có 10% thôi, còn 230%% chênh lệch ấy thì nhà nước phải chịu.

Thế còn bây giờ thừa tiền rồi mình hút về không có ảnh hưởng gì. Tiền cho vào kho là tờ giấy, nó chả có giá trị gì. Khi đưa vào lưu thông thì mới có giá trị. Đưa vào thì phải đảm bảo cân đối tiền hàng, quá một tí là lạm phát ngay. Lý thuyết của nó là như thế.

Biết gánh hậu quả vẫn phải làm

Liên quan đến tiền hàng, khi quyết định đưa tiền ra thì căn cứ gì để tính lượng tiền cung thêm?

TS. Cao Sỹ Kiêm: Nó phải tính toán rất khoa học. Vì thị trường đang cân đối tiền – hàng như thế, một năm bình thường tăng GDP 3-5% thì phải bơm tiền ra tương ứng. Bơm không đủ thì có vấn đề mà hụt thì có vấn đề.

Cái đó là theo quốc tế, nó có công thức tính ra bao nhiêu tiền.

Thế nhưng mình đâu có làm theo, tăng cung tiền so với GDP chẳng có cố định tỷ lệ nào, thậm chí có năm tăng rất nhiều lần…

Nó có do năng lực, có do cách làm việc. Nhưng cũng có cái do biết sẽ gánh hậu quả mà vẫn phải làm, nếu không thì đổ vỡ…

Sở dĩ có những cái mình vô lối là vì trong điều hành có những năm tín dụng tăng 56%, hay mua nhiều tỷ USD vào, tiền đưa ra không hút về được nên chịu hậu quả.

Xin hỏi với kinh nghiệm của ông thì thu tiền về có khó không?

TS. Cao Sỹ Kiêm: Nó không khó nhưng phải chịu hậu quả. Cứ lãi suất cao thì họ gửi tiền vào ngay.

Tăng dự trữ bắt buộc thì chỉ khống chế anh cho vay, dự trữ lớn vốn cho vay ít thì lại tăng lãi suất lên thì cái ấy là của ngân hàng thương mại.

Chỉ còn dư địa điều chỉnh trong 6 tháng nữa

Vậy tại sao chúng ta cũng sẵn sàng nguồn vốn để hỗ trợ doanh nghiệp nhưng không làm theo cách trước đây ông đã làm, huy động cao nhưng nhà nước hỗ trợ cho vay thấp?

TS. Cao Sỹ Kiêm: Mình không dám làm vì tiền ngân sách duyệt từng đồng rồi, cái ấy lại lớn lắm đấy. Mà sẽ phải có quyết tâm chính trị rất cao.

Điều kiện ngày trước nó cũng có yếu tố khác. Trước ta bị bao gây kinh tế, cứ làm thục mạng ra như thế chứ giờ thì còn vướng các cam kết quốc tế. Nợ công các thứ thì bị sông vào ngay, không thể tự tung tự tác, không thể nói là làm kiểu của tôi được.

Với các doanh nghiệp thì cần đối phó thế nào thưa ông?

TS. Cao Sỹ Kiêm: Doanh nghiệp thì phải chấp nhận tự điều chỉnh thôi.

Tôi cũng sẽ kiến nghị lên Quốc hội, chúng ta chỉ được phép xử lý trong 6 tháng nữa thôi, nếu để lâu hơn có những vấn đề sẽ phình ra, mà nó trì trệ thì sẽ xảy ra giảm phát.

Nhưng không thể để tình hình này kéo dài được. Không thể để doanh nghiệp quằn quại quá, người ốm cũng chỉ chịu được có mức độ thôi.

Xin cám ơn ông!